Những người phụ nữ mưu sinh bằng nghề 'đi theo con nước'
Khi thủy triều rút, những người phụ nữ ở các xã ven biển huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lại cặm cụi mưu sinh với nghề cào ngao.
Thời tiết ở dải đất miền Trung bắt đầu xuất hiện những ngày khô nóng đặc trưng của đầu hè. Từ 2-3 giờ sáng lúc trời còn tối mịt, những người phụ nữ ở làng biển huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tất bật mưu sinh. Họ đeo đèn pin trên đầu lặn lội ra cửa biển Lạch Trường thuộc địa phận xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) để cào ngao.
Mưu sinh theo con nước
Công việc này thường diễn ra khi nước thủy triều rút. Vì vậy, nhiều hôm những người phụ nữ này phải bắt đầu công việc từ lúc 1-2 giờ sáng. Dụng cụ cào ngao khá đơn giản, chỉ cần chiếc cào 3 đinh nhỏ, rổ đựng và đèn pin sử dụng khi trời tối. Những người cào ngao thường mặc áo dài tay, khẩu trang, nón hoặc mũ rộng vành để che chắn nắng, gió.
Khi cào ngao phải khom người, hai tay nắm chắc cán vợt cào rồi dùng lực ấn mạnh lưỡi cào xuống cát sâu khoảng 10 - 15 cm và kéo vợt đi giật lùi (tương tự như cào hến) khoảng 30 - 40 phút thì dừng lại để đổ ngao từ trong vợt vào giỏ đựng ngao mang bên mình.
Thức giấc từ lúc 1h sáng, bà Mai Xuân Hòa (50 tuổi) lặn lội từ xã Hải Lộc (Hậu Lộc) về cửa biển Hoằng Trường cào ngao thuê. Suốt 8 giờ cặm cụi cào ngao, ngữ phụ nữ này phấn khởi vì thu nhập hôm nay được gần 250.000 đồng.
Phía sau lớp khẩu trang che mặt kín mít, bà Hòa tâm sự: "Nghề cào ngao thường đi theo con nước, thủy triều rút lúc nào thì đi lúc đó. Khi mọi người còn đang ngon giấc thì chúng tôi đã tất bật mưu sinh rồi. Vào mùa Đông thì rét buốt, mùa Hè thì nắng nóng đến bỏng rát làn da. Có hôm sốc nhiệt, ngất lịm đi lúc nào không hay".
Người phụ nữ này cho biết đã gắn bó với nghề cào ngao 20 chục năm nay. Công việc không đòi hỏi kinh nghiệm chỉ cần có sức khỏe, chịu được nắng, mưa. Tiền thù lao là 30.000 đồng/tiếng, nếu chịu khó và đi làm đều đặn, mỗi ngày bà Hòa có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng.
Khi thủy triều dâng cũng là lúc công việc xới cát tìm con ngao của những người phụ nữ làng biển xứ Thanh kết thúc. Họ bàn giao ngao lại cho chủ bãi, nhận tiền thù lao và theo lối cũ về bờ. Lúc thủy triều dần lên, nước phủ kín những bãi ngao chỉ còn lộ ra những chòi canh ngao lêu nghêu, như thể đánh dấu "chủ quyền" từng bãi ngao trên biển.
Nuôi gia đình từ bằng sản vật của "mẹ thiên nhiên"
Ngao sau khi cào sẽ được rửa sạch và nhập cho các đại lý ngao ngay tại bến. Theo bà Hòa, mùa này ngao có trứng, béo và bùi hơn. Đây cũng là chính vụ thu hoạch ngao tại Hoằng Trường. Trung bình một ngày, mỗi lao động có thể cào trên 100kg ngao, với thời gian từ 6-7 tiếng.
Bà Hoàng Thị Liễu ở thôn Tân Lộc (xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) cũng gắn bó với nghề cào cao hơn 20 năm nay. Mặc dù năm nay đã tuổi 60, song bà Liễu vẫn tất bật mưu sinh bằng nghề này.
"Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cào hơn 1 tạ ngao, với thù lao 30.000 đồng/tiếng. Công việc tuy vất vả nhưng có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống", bà Liễu bộc bạch.
Cặm cụi cào ngao trên bãi biển cùng lao động làm thuê, bà Nguyễn Thị Hà - chủ cơ sở thu mua ngao ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) - cho biết: Trung bình mỗi ngày, cơ sở của gia đình bà thu mua khoảng nửa tấn ngao tươi. Đặc biệt, ngao mùa này thường có trứng nên sẽ bùi, béo và ngọt hơn.
"Mỗi kg ngao tươi loại vừa hiện cơ sở của chúng tôi đang bán với giá sỉ là 14.000 đồng, với ngao to và đẹp hiện có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg", bà Hà nói.
Những người cào ngao chia thành nhiều tốp, đi dọc bờ biển. Đa phần những ngư dân này đều không có thuyền ra khơi nên họ đi cào ngao thủ công như thể để kiếm thêm thu nhập. Nay do đánh bắt nhiều nên ngao cũng ngày mỗi ít ở vùng biển này.
Việc cào ngao đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người phụ nữ ở vùng biển xứ Thanh. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh thường nhật của người dân nơi đây như hòa vào tiếng sóng vỗ của biển cả. Ngày mai, khi nước triều rút, một cuộc mưu sinh mới nơi cửa biển lại bắt đầu.