Những người quyết thuê nhà cả đời

Nhiều người dự định không bao giờ mua nhà để dành tiền đầu tư, kinh doanh hoặc tiết kiệm vào quỹ hưu trí.

Trước năm 2006, ông Michael Rogers, giám đốc một công ty xây dựng ở Mỹ, phải di chuyển hơn 3.000 km từ Tenessee đến Alaska để đi làm. Để thuận tiện cho công việc, Rogers đã rao bán căn nhà của mình ở Tenessee rồi dùng tiền mua một bất động sản khác ở gần công ty.

Tuy nhiên, sau 8 tháng, căn nhà của ông vẫn không được “chốt đơn” với mức giá hợp lý. Cuối cùng, Rogers phải chấp nhận bán nhà với giá rẻ hơn 20.000 USD so với giá trị của ngôi nhà.

 Michael và Christy Rogers trong căn hộ đi thuê của họ ở Tenessee. Ảnh: Mike Belleme.

Michael và Christy Rogers trong căn hộ đi thuê của họ ở Tenessee. Ảnh: Mike Belleme.

Với số tiền bán nhà, Rogers mua một căn nhà ở gần công ty. Căn nhà có giá khá rẻ nhưng đòi hỏi chủ mới phải sửa sang lại do đã được sử dụng trong thời gian dài. Lần này, gia đình ông phải bỏ ra khoảng 30.000 USD.

Đến năm 2022, công việc của Rogers lại yêu cầu ông chuyển về đông bắc Tenessee. Lần này, ông quyết định thuê một căn chung trong thời gian một năm trước khi tìm mua bất động sản mới. Đến nay, Rogers và vợ, bà Christy, vừa gia hạn hợp đồng thuê lần thứ ba. Họ quyết định thuê căn nhà này lâu dài để thuận tiện di chuyển khi công ty yêu cầu.

Ngoài Rogers, nhiều người Mỹ cũng quyết định thuê nhà dài hạn, thậm chí là vĩnh viễn, để tiết kiệm chi phí tôn tạo và tránh bị cố định ở một khu vực. Tuy nhiên, chiến lược thuê nhà vĩnh viễn đòi hỏi người thuê phải có một tư duy cởi mở và kế hoạch tài chính vững chắc.

Rẻ hơn mua nhà

Theo The New York Times, giá nhà và lãi ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Những năm 1960, giá nhà cao gấp đôi so với thu nhập trung bình của người lao động. Năm nay, giá nhà lại cao hơn 6 lần so với thu nhập trung bình.

Sở hữu nhà không phải là “chiếc đũa thần” giúp những người quá tuổi lao động có một cuộc sống ổn định. Ông Rogers chứng kiến nhiều người già phải chịu cảnh túng thiếu vì đã đem 3/4 tài sản đi mua nhà. Kết quả, khi không còn thu nhập, họ phải vay mượn hoặc bán lại nhà để trang trải cuộc sống.

Theo Rogers, thay vì mua nhà, ông sẽ dùng tiền để đầu tư vào chứng khoán. “Tôi thà mua chứng khoán, đánh cuộc vào sự phát triển của quốc gia còn hơn bỏ tiền mua nhà và tập trung rủi ro vào một khu phố, tiểu bang nhỏ lẻ”, ông nói.

 Việc thuê nhà cho phép Rogers tiết kiệm đến 35% thu nhập mà vẫn dư tiền để đầu tư vào các kênh tài chính khác nhau. Ảnh: Mike Belleme.

Việc thuê nhà cho phép Rogers tiết kiệm đến 35% thu nhập mà vẫn dư tiền để đầu tư vào các kênh tài chính khác nhau. Ảnh: Mike Belleme.

Rogers nhận thấy mọi người thường nghĩ đến giá trị căn nhà và xem việc sở hữu nó như đích đến của cuộc đời. “Trên thị trường hiện tại, đặc biệt là ở khu vực của tôi, tiền thuê nhà trong vài chục năm thấp hơn rất nhiều so với giá bất động sản. Việc thuê nhà cho phép tôi tiết kiệm đến 35% thu nhập mà vẫn dư tiền để đầu tư vào các kênh tài chính khác nhau. Đích đến sự nghiệp mọi người nên là sự độc lập về tài chính chứ không phải là một căn nhà”, ông phân tích.

Đồng quan điểm với Rogers, ông Ramit Sethi, tác giả sách I Will Teach You to Be Rich (Tạm dịch: Tôi dạy bạn làm giàu - PV), đã thuê nhà trong suốt 20 năm qua dù sở hữu tài sản hàng triệu đôla. Sethi đã thuê nhà ở các thành phố như San Francisco, New York và Los Angeles. Chi phí thuê nhà ở các thành phố lớn, theo ông tính toán, sẽ rẽ hơn 2,2 lần chi phí sở hữu nhà. Ông nhấn mạnh các khoản tiền như thuế, lãi suất thế chấp, phí bảo trì, sửa chữa nhà sẽ chiếm đến 3% tổng giá trị căn nhà.

“Đi thuê nhà giúp chúng ta linh hoạt về tài chính lẫn công việc”, ông nói. “Thông thường, chúng ta mua nhà vì cha mẹ bảo chúng ta làm vậy. Ngược lại, ông bà của chúng ta cũng bảo họ phải làm vậy. Đây là một vòng xoáy bất tận của tiền bạc và nhà cửa”.

Tuy nhiên, theo Sethi, việc thuê nhà cũng có những rủi ro nhất định. “Bạn phải bám theo sự lên xuống của bất động sản để được thuê nhà với giá cả phải chăng”, Sethi phân tích. “Và khi kiếm được tiền từ mức chênh lệch giữa giá thuê và giá mua, phải đem món tiền đó đi đầu tư sinh lời”.

Chiến lược dài hạn

“Tôi liên tục bị hỏi tại sao không mùa nhà. Mọi người nghĩ điều này thật kỳ lạ”, bà Berna Anat, sống ở vùng vịnh của San Francisco và là tác giả sách Money Out Loud (Tạm dịch: Khi đồng tiền lên tiếng - PV), cho biết. Bà cũng không có kế hoạch mua nhà dù kiếm được hàng triệu đôla từ xuất bản sách.

Mỗi khi được hỏi, Anat lại nhớ đến những người bạn đang sở hữu một (vài) bất động sản. “Họ thường than vãn: ‘Ôi, chúng tôi đã không đi du lịch hai năm vì phải tiết kiệm tiền sửa lại phòng tắm’ hoặc ‘Chà, chúng tôi không thể tham gia bữa tiệc này vì đã lên kế hoạch sơn lại phòng ngủ’”.

Theo Anat, việc thuê thay vì mua đứt một căn nhà giúp bà đa dạng hóa công việc, khu vực sống và dư tiền để đầu tư. “Xu hướng thuê nhà vĩnh viễn cho phép bạn đầu tư số tiền dư vào quỹ hưu trí và có nhiều cơ hội việc làm hơn mọi người. Bởi lẽ, bạn không bị ràng buộc ở một khu vực hay tiểu bang nào”, Anat nói.

 Một căn hộ của người sống theo chủ nghĩa thuê nhà cả đời. Ảnh: Janie Osborne.

Một căn hộ của người sống theo chủ nghĩa thuê nhà cả đời. Ảnh: Janie Osborne.

“Với tư cách là một người theo chủ nghĩa thuê nhà vĩnh viễn, tôi có nhiều tiền tiết kiệm hơn và được hưởng mọi tiện ích mà việc sở hữu một căn nhà có thể mang đến”, Anat nói thêm việc thuê nhà cả đời đòi hỏi mỗi cá nhân phải có một kế hoạch tài chính rõ ràng.

“Nếu ngày mai phải ra khỏi căn hộ mà bản thân đã sống trong thời gian dài, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ liên lạc với ai đầu tiên để có một chỗ ở tạm thời? Khoản tiền bạn cần để hạn chế rủi ro là bao nhiêu?”, Anat phân tích. “Quản trị rủi ro khi đi thuê nhà giống như lập kế hoạch để thoát khỏi động đất. Vấn đề có thể xảy mọi lúc”.

Anat cho biết người có kế hoạch thuê nhà vĩnh viễn cần có chiến lược và dự trù đối với những biến động thực tế, ví dụ như khủng hoảng kinh tế, lạm phát, chiến tranh… Các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội có thể khiến giá nhà đột nhiên tăng cao hoặc giảm mạnh và làm “chao đảo” túi tiền của người đi thuê nhà. Do đó, bà đề xuất mọi người cần có một quỹ khẩn cấp để thuê nhà và sinh hoạt trong 6 tháng không có thu nhập và một bảng kế hoạch tài chính chi tiết về những điều sẽ phải chi tiêu nếu mất nhà ở.

Tác giả sách Money Out Loud khẳng định: “Thuê nhà vĩnh viễn là một lối sống. Do đó bạn cần phải đầu tư nghiêm túc nếu muốn sống theo phong cách này”.

Đông Tùng

Theo The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-quyet-thue-nha-ca-doi-post1477811.html