Những người sống ở vùng chiến tuyến xung đột Ukraine
Dù sống trong nguy cơ rình rập tại khu vực thường xuyên hứng đạn từ các cuộc pháo kích giữa quân chính phủ và quân ly khai Ukraine, nhiều người dân vẫn không nỡ rời bỏ quê hương.
Phố Slovyanskaya đang bị chia cắt vì giao tranh. Khu vực không phải lúc nào cũng căng thẳng vì bom đạn, nhưng ngày càng trở nên lạnh lẽo vì sự hoang tàn dần do xung đột.
Slovyanskaya là một khu phố nhỏ ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, nằm ngay gần mặt trận, chỉ cách ranh giới kiểm soát giữa quân chính phủ và quân ly khai vài trăm mét. Đây là nơi dễ dàng hứng bom đạn, và là nơi những tiếng nổ vang lên cả ngày.
Hầu hết nhà cửa ở đây đều có dấu tích của đạn. Một ngôi nhà đang được bán với giá chỉ 2.000 hryvnia, tương đương 70 USD.
Gần đó, một cụ bà đang chỉ tay về phía các ngôi nhà bị bỏ trống, báo hiệu một tương lai ảm đạm về cuộc sống nơi đây.
Điều bình thường đáng sợ
Trạm kiểm soát nằm ngay trên đường. Cách đó gần 2 km, quân đội chính phủ Ukraine đối đầu với quân ly khai do Nga hậu thuẫn đang chiếm giữ thành phố Horlivka.
Bảy năm sau thỏa thuận ngừng bắn năm 2015 giữa phe ly khai và chính phủ Ukraine, căng thẳng đang leo thang trở lại tại đây.
Dọc theo toàn bộ biên giới, chỉ riêng ngày 18/2, đã có 1.566 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn, theo Phái đoàn Giám sát Đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Con số này cao hơn khoảng 4 lần so với mức trung bình của tuần trước.
Nhiều nhà phân tích, đặc biệt là ở Mỹ, tin rằng đây có thể là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công lớn hơn, có sự tham gia của 190.000 lính Nga, bao gồm cả quân ly khai ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/2 nói ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định phát động chiến tranh. Một số thông tin tình báo của Mỹ ngày 20/2 còn cho rằng ông Putin đã phát lệnh tấn công đến các chỉ huy, bất chấp những bác bỏ từ phía Moscow.
Theo phóng viên của CNN có mặt tại Slovyanskaya hôm 19/2, họ có thể nghe thấy ít nhất 8 vụ nổ trong vòng một giờ.
Những người ở đây sống trong mối đe dọa với sự lo lắng xen lẫn thờ ơ.
Liudmila Ponomarenko - đang đưa con gái Lilia đi dạo - nói với CNN: “Điều này đã trở nên bình thường đối với chúng tôi, nhưng nó cũng thật đáng sợ”.
Sân chơi của Lilia nằm giữa đống đổ nát của một ngôi nhà. Đó là một ngày nắng đẹp, nhưng Liudmila nói với đứa con nhỏ tò mò của mình rằng những vệt sáng và tiếng động ở phía xa chỉ là sấm sét.
“Con bé bây giờ không hiểu, nhưng nó sẽ sớm hiểu thôi. Con bé đã 3 tuổi rồi. Chúng tôi đang suy nghĩ về việc có nên ở lại đây không”.
Andrey Ponomarenko - cha của Lilia - đã quen thuộc với những bi kịch của chiến tranh vì là người ứng cứu khẩn cấp ở một thị trấn lân cận. Ông cho biết chính ông cũng đang mơ hồ về tương lai của con gái.
“Đất nước không ổn định. Tôi đang cố hết mình để làm những gì có thể, nhưng tôi vẫn không thể thay đổi thực tế”, Ponomarenko nói.
Không rời đi dù có ra sao
Rủi ro không bỏ qua bất kỳ ai sống trong khu vực. Ngôi nhà của Sergey Pedyk, một thợ điện, lồi lõm do bị bom rơi trúng sân nhà nhiều năm trước.
Dẫu vậy, ông không mấy tin vào khả năng một cuộc chiến quy mô lớn sẽ nổ ra. “Nếu họ muốn đánh thì đã đánh rồi. Nhưng tới giờ họ vẫn chưa tấn công”, ông nói.
Sân nhà ông rải rác những món đồ kim loại mà ông đang dùng để sửa một chiếc máy kéo cũ. Ngoài sân, một vườn rau giúp gia đình có thêm thu nhập, và khoảng hơn chục con gà có thể đẻ trứng suốt mùa đông nếu được cho ăn đúng cách.
Ông cho biết bất kể chiến sự có trở nên tồi tệ hơn hay không, vợ chồng ông vẫn sẽ ở lại. "Chúng tôi sẽ không rời quê hương của mình. Quê hương là đất mẹ”, Pedyk nói.
Trong một gia đình khác, bà Valentina chỉ về phía những ngôi nhà xập xệ mà hàng xóm cũ của bà để lại, gợi ý rằng bà hiểu cuộc sống ở phố Slovyanskaya không thể tiếp diễn mãi mãi.
"Tôi sợ. Tôi rất sợ. Nhưng chúng tôi đã quen với việc bị pháo kích. Chúng tôi từng trốn dưới tầng hầm. Giờ thì không. Chúng tôi chỉ ngồi và chờ đợi, dù có chuyện gì xảy ra”, bà nói.
Maxim (36 tuổi) - con trai bà Valentina - tin rằng nếu một ngày bom có dội xuống nhà khiến anh mất tất cả, thì đó là do số mệnh an bài. “Ai quan tâm đến tôi chứ? Không ai cả”.