Những người sống sót cuối cùng của bộ tộc bản địa Amazon
Công tác bảo vệ bộ tộc Piripkura trong rừng Amazon gặp nhiều khó khăn khi dân số của bộ tộc chỉ còn 3 người.
Sâu trong rừng Amazon, các đặc vụ Brazil phát hiện một nơi trú ẩn tạm thời, một đống tro còn ấm và những dấu chân. Những dấu vết này được xác định là của ông Tamandua Piripkura - một trong số 3 người cuối cùng thuộc bộ tộc Piripkura.
Theo tờ The New York Times, ông Tamandua Piripkura dành gần như cả cuộc đời sống sâu trong rừng Amazon, trốn tránh xã hội hiện đại. Ông Tamandua thường đi chân trần, khỏa thân. Và việc bắt gặp ông Tamandua trong rừng là điều không dễ.
Ông Pakyi là chú của ông Tamandua. Lúc trước, ông Pakyi thường đi cùng ông Tamandua trong những chuyến đi xuyên rừng, nhưng gần đây, ông Pakyi bắt đầu sống tại khu nhà bảo vệ trong rừng. Khu nhà này được chính phủ Brazil dựng lên, nhằm bảo vệ ông Pakyi và ông Tamandua.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ người Piripkura không hề đơn giản. Đó là do diện tích đất dùng để bảo vệ bộ tộc Piripkura bị thu hẹp và việc gia tăng dân số bộ tộc gặp nhiều trắc trở.
Ngôi làng biến mất
Một trong những lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Tamandua là vào năm 2017. Khi ấy, ông Tamandua và ông Pakyi đến khu nhà bảo vệ của chính phủ với một yêu cầu đơn giản: Hãy thắp sáng ngọn đuốc của chúng tôi.
Cách đây chưa đầy một thế kỷ, người Piripkura sống trong một ngôi làng có hơn 100 người. Các nhà nhân chủng học tin rằng người Piripkura từng có thể tự đốt lửa, biết chế tạo vũ khí, đồ gốm, trồng trọt.
Ngày nay, ông Pakyi và ông Tamandua biết làm võng bằng vỏ cây, săn heo vòi bằng bẫy và xây dựng nơi trú ẩn bằng những tán rộng của cây cọ babaçu. Tuy nhiên, họ không còn biết cách đốt lửa, sử dụng cung tên hay trồng sắn nữa.
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải rõ được vì sao số lượng người Piripkura giảm đi nhanh chóng trong thời gian qua. Họ chỉ có thể chấp nối được ít dữ liệu thông qua lời kể của bà Rita - người được cho là em gái của ông Pakyi.
Gia đình bà Rita kể với bà rằng mọi thứ thay đổi kể từ khi người da trắng đến.
Vào những năm 1940, chính phủ Brazil đã giao đất rừng Amazon với giá rẻ. Nhờ đó, nhiều người sở hữu những khoảng đất rộng lớn trong rừng.
Từ đó, nhiều người định cư đã tàn sát người bản địa. Chính phủ Brazil thừa nhận trong giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1985, ít nhất 8.300 người bản địa đã thiệt mạng.
Bà Rita kể khi bà còn nhỏ, ngôi làng Piripkura của bà chỉ còn lại khoảng từ 10 đến 15 thành viên.
Theo các tài liệu của chính phủ Brazil, ông Pakyi từng tự tay giết con mình vì nghe tiếng đứa bé khóc. Ông Pakyi sau đó bế con gái sơ sinh của bà Rita vào rừng và bỏ mặc ở đó.
Sau vụ việc, bà Rita bỏ trốn. Bà chạy hàng giờ liền đến một trang trại gia súc tên là Change Farm. Sau này, ông Pakyi không nhắc gì đến việc ông giết con và bỏ con của bà Rita trong rừng. Chính phủ Brazil cũng không điều tra thêm về vụ việc.
Change Farm không phải là dấu chấm hết cho những bi kịch của bà Rita. Từ năm 1983 đến năm 1985, bà làm việc tại trang trại, bắt đầu mặc quần áo bình thường và nói tiếng Bồ Đào Nha. Báo cáo của một nhà nhân chủng học cho biết trong thời gian làm việc tại đây, bà đã bị xâm hại và bị đánh đập bằng chổi.
Đến năm 1985, bà Rita lại bỏ trốn và được các chuyên gia của chính phủ Brazil cứu giúp. Bà Rita sau đó cùng các chuyên gia đi tìm lại gia đình của mình.
Mãi đến năm 2007, bà Rita mới gặp lại ông Pakyi và ông Tamandua. Khi ấy, hai người đàn ông đã đã già hơn rất nhiều so với ngày bà bỏ trốn, nhưng họ vẫn còn sống và ở một mình trong rừng, với những thói quen sinh hoạt không hề thay đổi.
Hy vọng cuối cùng
Chủ trang trại Change Farm là ông Celso Penço - người sở hữu gần một nửa khu đất dùng để bảo vệ bộ tộc Piripkura.
Trong nhiều năm liền, gia đình ông Penço đã khai thác gỗ từ khu vực dùng để bảo vệ người Piripkura. Phần lớn lượng gỗ này được xuất khẩu sang Mỹ. Năm 2008, chính phủ Brazil ban hành các biện pháp bảo vệ rừng, khiến hoạt động kinh doanh của gia đình ông Penço bị đình trệ.
Năm 2016, ông Penço qua đời, để lại hơn 1.800 km vuông đất rừng Amazon cho 7 người thừa kế. Do trong số đất ông Penço sở hữu có cả đất dùng để bảo vệ người Piripkura nên ông cũng chỉ định rõ diện tích đất dùng cho mục đích này.
Lấy lý do các ranh giới ngày xưa đã lỗi thời, ông Penço cho ông Pakyi và ông Tamandua 388 km vuông diện tích đất để sinh sống. Con số này được cho là rất ít so với diện tích đất mà ông Pakyi và ông Tamandua đáng lẽ được nhận.
Ông Jair Candor là một đặc vụ Brazil. Ông đã có 25 năm theo dấu bảo vệ những thành viên cuối cùng của bộ tộc Piripkura. Theo ông Candor, ông Pakyi và ông Tamandua phải nhận được nhiều hơn con số 388 km vuông.
“Nếu gia đình ông Penço có quyền đối với vùng rừng Amazon này, thì tại sao những người sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, sống ở đây và chứng kiến người thân của họ chết ở đây lại không?” - ông Candor nói.
Khó khăn trong việc giành đất cho người Piripkura không phải là vấn đề duy nhất chính phủ Brazil phải đối mặt trong quá trình bảo vệ và khôi phục dân số cho bộ tộc này. Câu hỏi lớn hơn là làm sao để bộ tộc này có thể có được hậu duệ tiếp nối, trong trường hợp ông Pakyi, ông Tamandua và bà Rita qua đời.
Vài năm trước, ông Candor đã đưa ông Pakyi và ông Tamandua đến ngôi làng của một nhóm thổ dân khác. Nhóm thổ dân này nói loại ngôn ngữ tương tự tiếng của người Piripkura. Ông Candor hy vọng điều này sẽ giúp ông Pakyi và ông Tamandua tìm thấy bạn đời.
Các nhà nhân chủng học cho biết nếu ông Pakyi và ông Tamandua có con thì những đứa con này sẽ được xem là người thuộc bộ tộc Piripkura.
Ông Candor cho rằng với tuổi tác và tính khí của mình, ông Tamandua khó tìm được bạn đời. Nhưng ông Candor tin ông Tamandua có thể làm được.
Bà Rita cũng tin vào điều này. Bà cho rằng ông Tamandua là hy vọng cuối cùng để bộ tộc của mình được tiếp nối.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-nguoi-song-sot-cuoi-cung-cua-bo-toc-ban-dia-amazon-post747765.html