'Những người thắp lửa' giữa đại dịch
Trong cuộc chiến chống sự lây lan của đại dịch COVID-19, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người trên khắp thế giới, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các chính phủ, đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm điều chế vaccine hay tìm phương thuốc điều trị có thể ví như những chiến sĩ tiên phong.
Nếu các y, bác sĩ làm việc ngày đêm nơi giường bệnh đang phải trải qua giai đoạn hết sức vất vả, nguy hiểm khi tiếp nhận số bệnh nhân và trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh tăng chóng mặt, thì các nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới cũng miệt mài căng sức chạy đua với thời gian để nhanh chóng tìm ra biện pháp phòng chống virus SARS-CoV 2. ... Nơi "chiến trường không tiếng súng", họ đang thầm lặng, nỗ lực không mệt mỏi thắp ngọn lửa niềm tin trong những ngày đại dịch.
Từ Vũ Hán, Trung Quốc tới Deagu, Hàn Quốc và nay là Italy, ở nơi đâu dịch bùng phát, nơi đó đội ngũ y, bác sĩ là những người thức xuyên ngày đêm ở tuyến đầu, vừa chữa trị cho số bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải, vừa phải đối mặt với nguy cơ chính mình bị lây nhiễm do thiếu hụt số lượng lớn khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác. Không ít các y, bác sĩ phải túc trực 24/24 giờ, làm việc đến kiệt sức trong điều kiện hết sức thiếu thốn, nhiều tuần không thể về nhà. Nhiều người thậm chí còn phải đối mặt với sự kỳ thị của những người xung quanh do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh. Ở Trung Quốc, hơn 3.000 nhân viên y tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều người trong số đó đã tử vong. Ở Italy, khoảng 8% số người mắc COVID-19 là nhân viên y tế...
Câu chuyện về Quách Cầm, y tá đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2, công tác tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, là một hình ảnh đầy xúc động về một nữ "chiến sĩ" quả cảm trong những ngày tháng đầy thử thách khi dịch COVID-19 hoành hành. Là người luôn kiên trì trên tuyến đầu chống dịch nhưng không may bị nhiễm virus, ngay sau khi được chữa khỏi, cô đã lập tức quay trở chăm sóc bệnh nhân. Quách Cầm khẳng định là một nhân viên y tế, cứu người là sứ mệnh của mình, đặc biệt trong tình hình hiện nay, càng đòi hỏi sự dũng cảm hơn, không thể lùi bước.
Bác sĩ Dong Fang tại bệnh viện Vũ Hán số 3 cũng đã từng phải chịu sức ép rất lớn khi ca nhiễm SARS-CoV-2 tại thành phố này tiếp tục tăng. Gồng mình chống chọi trong thời gian dài để điều trị bệnh nhân, đã có lúc cô phải uống thuốc ngủ trong 7 ngày liên tiếp chỉ để nghỉ ngơi một chút. Bác sĩ 39 tuổi này không ngừng lo lắng về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh cũng như các thiết bị bảo hộ cho những người đồng nghiệp, và đặc biệt là sức khỏe của chính chồng cô, cũng là một bác sĩ đã bị lây nhiễm khi đang làm việc.
Tại Italy, "ổ dịch" lớn nhất châu Âu, các chiến binh áo trắng đang giành giật sự sống cho từng bệnh nhân, trong khi nguồn lực y tế thì hữu hạn. Bác sĩ Daniele Macchini làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Bergamo đã gây xúc động trên mạng xã hội Facebooko khi đăng tải bức "tâm thư" dài, cảnh báo sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 cũng như lột tả bức tranh chân thật về những thiếu thốn, vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện. Tuy nhiên, điều khiến người ta ấn tượng hơn cả, đó là dù khó khăn, bác sĩ Macchini vẫn cho biết sẽ luôn sát cánh với các bệnh nhân, khẳng định "phương châm của chúng tôi là cố gắng chữa cho càng nhiều người càng tốt".
Nữ y tá Alessia Bonari tại một bệnh viện ở vùng Tuscany, miền Bắc Italy, đã đăng lên Instagram bức ảnh selfie với khuôn mặt hằn những vết đỏ do đeo khẩu trang quá nhiều, cùng dòng chia sẻ: "Tôi cảm thấy mệt rã rời, cũng như tất cả các đồng nghiệp của tôi trong những tuần qua". Tuy nhiên, nữ y tá trẻ khẳng định "điều này sẽ không ngăn chúng tôi tiếp tục làm công việc mà chúng tôi đã và đang làm. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân vì tôi tự hào và yêu công việc của mình". Bài đăng của Alessia đã nhận được 817.000 lượt yêu thích trên Instagram. Trong khi đó, bức ảnh chụp nữ y tá Elena Pagliarini ở vùng Lombardy mặc nguyên đồ bảo hộ và gục đầu ngủ trên bàn phím máy tính sau 10 giờ làm việc liên tục tại bệnh viện cũng làm lay động cộng đồng mạng và được hàng nghìn người chia sẻ trên trang cá nhân. Đối với nhiều người, hình ảnh này đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 gian nan ở Italy.
Không chỉ bác sĩ Daniele, bác sĩ Dong Fang, nữ y tá Alessia, Elena và Quách Cầm, hàng triệu nhân viên y tế ở khắp nơi trên thế giới cũng đang làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí quên ăn quên ngủ. Những gương mặt mệt mỏi hằn vết khẩu trang, những đôi tay phồng rộp do phải tẩy rửa hóa chất quá nhiều, những nữ y tá cạo tóc trước khi bước vào vùng dịch... đã trở thành những hình ảnh đẹp, lấp lánh tinh thần y đức và đáng tri ân của những "chiến sĩ thời bình".
"Các bạn là những người hùng của chúng tôi" - hàng nghìn người dân ở khắp các thành phố châu Âu như Rome (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha), Geneva (Thụy Sĩ)... đã đồng thanh như thế khi họ dành cho các y, bác sĩ những tràng pháo tay lớn từ ban công. Ở Philippines, nhiều nhà hàng và quán cà phê còn dành tặng những suất ăn, bánh ngọt và cà phê để tri ân các nhân viên y tế và nhà khoa học, những người đang ngày đêm tận tụy với công việc cứu người. Chính phủ Iran quyết định phong danh hiệu "liệt sĩ" cho các nhân viên y tế tử vong khi cứu chữa người mắc COVID-19.
Ở một mặt trận khác, hàng nghìn nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng đang ngày đêm âm thầm dốc tâm sức và trí tuệ, với mong muốn phát triển thành công vaccine phòng bệnh COVID-19, tìm ra phương thuốc cũng như tạo ra những thiết bị y tế tân tiến hỗ trợ các y, bác sĩ. Từ việc phân tích, giải mã bộ gen của virus, tìm hiểu đặc điểm, đánh giá phương thức lây lan đến điều chế vaccine, các nhà khoa học giam mình trong phòng thí nghiệm để nhanh chóng tìm được loại "vũ khí" hữu hiệu chống COVID-19. Nhiều chính phủ đã tập trung nguồn lực, các tổ chức và các nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, tính đến nay, ít nhất 35 công ty và viện nghiên cứu đăng ký phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2, trong đó 4 công ty đã thử nghiệm thành công trên động vật và công ty Moderna Therapeutics của Mỹ đang xúc tiến thử nghiệm trên người. Riêng tại Trung Quốc, khoảng 1.000 nhà khoa học đang nghiên cứu, phát triển 9 loại vaccine. Thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học, là làm sao tìm ra loại vaccine hiệu nghiệm trong thời gian sớm nhất có thể mà vẫn bảo đảm an toàn và hiệu quả. Thực tế thì thế giới chưa có một loại vaccine để phòng ngừa bệnh do các chủng mới của virus corona gây ra trong suốt 20 năm qua, bao gồm cả Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).
Đó còn là đóng góp của những người như Giáo sư Zheng Gangtie, Trưởng nhóm thiết kế robot tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc)và các đồng sự. Luôn trăn trở làm thế nào để các y, bác sĩ tránh được nguy cơ lây nhiễm virus từ người bệnh, Giáo sư Gangtie đã tập hợp một nhóm nghiên cứu để tạo ra 2 robot sử dụng công nghệ giống như công nghệ trên các trạm vũ trụ và cho các nhà thám hiểm Mặt Trăng. Với sự hỗ trợ của robot gắn camera này, các nhân viên y tế không cần ở cùng phòng với bệnh nhân, hay thậm chí là điều khiển chúng từ một thành phố.
Có thể thấy, cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu COVID-19 vẫn đang vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần và sự cống hiến quên mình của những chiến sĩ tiên phong như các y, bác sĩ và các nhà khoa học đang tạo thêm nguồn sức mạnh cho mỗi người vượt qua thời điểm thử thách này./.