Những người thầy 'đặc biệt': 'Thấy tụi nhỏ vậy, thương lắm' (bài cuối)
Trong các môn thể thao dành cho người khuyết tật thì môn Boccia và bóng đá có nhiều thành viên khuyết tật nhí nhất, bởi luật chơi tương đối đơn giản và phù hợp với nhiều nhiều lứa tuổi. Nhìn các bạn, trong đó đứa nhỏ nhất chỉ tầm 5 - 6 tuổi lon ton chạy trên sân cỏ cố gắng tập luyện, vượt qua bệnh tật để được hòa nhập với cộng đồng sao thấy thương quá đỗi! Trò khó nhọc một thì thầy lại vất vả gấp bội phần...
Nỗ lực "ôm sô”
Anh Nguyễn Duy Minh (SN 1981, ngụ TPHCM) - vận động viên khuyết tật môn bắn cung chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người vì đã được lên truyền hình biểu diễn. Năm 1 tuổi, anh bị sốt bại liệt nên phải sống cùng chiếc xe lăn. Gia đình khó khăn nên anh Minh đành phải bỏ học giữa chừng. Dù khó khăn trong di chuyển nhưng anh Minh vẫn cố gắng kiếm kế sinh nhai. Trên chiếc xe lăn, hàng ngày anh Minh đi bán vé số mưu sinh. Để có thêm chút niềm vui trong cuộc sống, khoảng năm 2002, anh Minh bắt đầu đăng ký học lớp xe lăn đua, tập luyện ở sân vận động Thống Nhất. Những ngày đầu chưa quen khiến đôi tay mỏi nhừ nhưng anh Minh quyết không bỏ cuộc. Lịch tập cứ thế dày lên và dần dần quen thuộc trên đôi tay thoăn thoắt.
Năm 2008, lần đầu cầm chiếc HCV trong tay, với Minh là cảm xúc không thể diễn đạt bằng lời. Đó chính là động lực khiến anh tiếp tục theo đuổi đam mê. Kể từ đó đến năm 2015, bộ sưu tập huy chương tại các giải đấu quốc gia càng lúc càng nhiều hơn. Sau khi lập gia đình, anh Minh chuyển sang học chơi môn Boccia. Với niềm đam mê thể thao luôn chảy trong huyết mạch, anh Minh tiếp tục ghi dấu ấn bằng một tấm HCB tại 1 giải đấu quốc gia.
Liên tục thay đổi để thử sức bản thân, năm 2020, anh Minh chuyển sang môn bắn cung 1 dây và gắn bó cho tới bây giờ. Bất kể nắng mưa, anh đều tham gia tập luyện rất nghiêm túc. Với niềm đam mê mãnh liệt cùng sự cố gắng vượt bậc, anh Minh đã trở thành một trong những VĐV khuyết tật môn bắn cung xuất sắc, vinh dự tham gia nhiều giải đấu trong và ngoài nước, mang về những tấm huy chương vẻ vang cho nước nhà.
Khi có đủ trải nghiệm cũng như kinh nghiệm về những bộ môn này, anh Minh mong muốn có thể giúp đỡ thế hệ đàn em đồng cảnh ngộ. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng được sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo Cộng đồng thể thao người khuyết tật TP, anh Minh đã nhận nhiệm vụ là chủ nhiệm CLB thể thao người khuyết tật Q12 vào tháng 5/2023. Vừa là VĐV, vừa là người hướng dẫn cho những bạn khuyết tật 2 bộ môn bắn cung và Boccia, anh Minh dường như không còn thời gian rảnh. CLB do anh đảm trách hiện có khoảng 15 thành viên bị khuyết tật vận động và bại não.
Hàng ngày, cứ mỗi sáng, anh đều có mặt tại đây để hướng dẫn các bạn tập luyện môn bắn cung. Riêng bộ môn Boccia thì lịch tập diễn ra vào chiều thứ 2-4-6. Bận rộn là thế nhưng khi đến gần các giải đấu, nếu những CLB khác cần hỗ trợ, anh Minh vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Bên cạnh đó, mỗi tuần vào sáng chủ nhật, anh còn đến sân vân động Phú Thọ để hướng dẫn cho các bạn thuộc Cộng đồng thể thao người khuyết tật môn Boccia.
Vì bản thân đi lên từ những khiếm khuyết cơ thể, anh Minh rất hiểu và đồng cảm với "học trò”, nên anh càng phải cố gắng nhiều hơn để duy trì việc tập luyện cho bản thân cũng như cho các bạn. Nhìn thấy các bạn có một sân chơi để giải tỏa những áp lực của bệnh tật, anh Minh cảm thấy rất hạnh phúc. Anh chia sẻ: Niềm vui của tôi lại càng nhân đôi khi "trò” của mình đạt được thành tích cao trong các giải đấu. Vào ngày 03/11 vừa rồi, tại giải vô địch thể thao Người khuyết tật TP mở rộng năm 2023 môn bắn cung, thầy và trò nhận được 2 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ. Riêng về môn Boccia, các VĐV của anh đạt được 1 HCV, 3 HCĐ tại giải vô địch quốc gia và 1 HCB giải Paragame.
Trở thành HLV vì quá thương tụi nhỏ
Trong các HLV, anh Phạm Hồng Thắng (SN 1973, quê Hà Nội) lại có một xuất phát điểm rất khác. Bởi anh là một người bình thường nhưng lại gắn bó với các bạn trẻ khuyết tật gần 10 năm qua.
Anh nhớ mãi từ một chuyện tình cờ mà cuối cùng mình lại trở thành HLV bộ môn bóng đá. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Thắng niềm nở kể lại, năm 2015, có anh bạn làm chung công ty tham gia giải đấu toàn quốc dành cho người khuyết tật nên có nhờ anh đi làm tình nguyện viên. Do có chút đam mê về bóng đá nên anh không ngần ngại nhận lời. Lần ấy, anh nhiệt tình giúp đỡ các VĐV khuyết tật khiếm thị tham gia đội bóng và khi hiểu về hoàn cảnh các em, nhìn sự nỗ lực của tụi nhỏ trên sân cỏ, tự dưng anh thấy thương vô cùng. Thế là, anh xin vào hỗ trợ đội bóng dành cho người khuyết tật.
Là tay ngang nhưng nhờ có sự đam mê và tình yêu thương, anh Thắng luôn cố gắng để chỉ dạy các em một cách dễ hiểu nhất. Nhìn thấy sự tận tụy của anh Thắng, lãnh đạo Cộng đồng thể thao người khuyết tật TP đã cho anh tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, từ tình nguyện viên lên hướng dẫn viên và cuối cùng là HLV.
Cũng có nhiều lần được cử đi nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức huấn luyện nhưng anh Thắng đành bấm bụng chối từ. Bởi, anh còn gánh nặng gia đình với bộn bề áp lực về kinh tế. Nhắc đến đây, giọng anh trầm buồn: Cha mất sớm, hai mẹ con anh rời Hà Nội vào TPHCM sống nhờ nhà dì. Cuộc sống đầy cơ cực. Sau khi trưởng thành, anh cũng làm đủ việc để kiếm sống.
Trong căn nhà thuê tại Q5, hàng ngày vợ anh bán đồ ăn sáng để phụ chồng nuôi 3 đứa con cùng mẹ chồng đang nằm một chỗ. Để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, anh vẫn đều đặn chạy grab. Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ ăn nên cuộc sống còn nhiều vất vả.
Vậy mà ngoài giờ mưu sinh, anh Thắng vẫn miệt mài có mặt tại sân cỏ để tập luyện bóng đá cho mấy chục học trò "đặc biệt" từ 5 tuổi đến hơn 30 tuổi của CLB. Tụi nhỏ đứa thì khiếm thị, đứa thì thiểu năng trí tuệ... nên vấn đề giảng dạy, truyền đạt kiến thức cũng gặp không ít trở ngại. Nhưng chỉ vì một chữ "thương" mà anh đã gắn bó với nghề này trong suốt nhiều năm ròng. Anh Thắng chỉ mong mỏi, đây sẽ là sân chơi giúp các bạn nhỏ khuyết tật có thêm sức khỏe, được hòa nhập với cộng đồng, phát triển thêm tư duy chứ cũng không kỳ vọng quá nhiều. Trong số học trò của anh, có nhiều bạn đá bóng khá tốt nên anh cũng thấy vui vì sự tiến bộ vươn lên của các bạn nhỏ.
Kỷ niệm khiến anh Thắng nhớ nhất đó là lần dẫn đoàn đi thi đấu Paragame 2017 ở Malaysia. Khi nghe bài quốc ca Việt Nam vang lên, cảm xúc vinh dự, tự hào trong anh bỗng dâng trào. Mặc dù năm đó, đội bóng chỉ đạt được giải tư nhưng cũng để lại cho anh một dấu ấn khó phai mờ.
Khi tham gia các giải đấu toàn quốc, các em cũng đạt được những thành tích đáng kể như HCV, HCB nhưng với anh Thắng, trên tất cả đó là được nhìn thấy sự nỗ lực bền bĩ của đám học trò. Nếu như không có sự thấu hiểu, đồng cảm và một tình yêu thương đủ lớn dành cho trẻ khuyết tật, có lẽ anh Thắng sẽ không thể gắn bó với nghề này lâu đến vậy. Nếu như chỉ nghĩ đến "cơm, áo, gạo, tiền" khi tham gia huấn luyện cho các bạn nhỏ khuyết tật thì anh Thắng đã không thể nào trụ lại được với nghề. Bởi dạy cho người bình thường khó 1 thì dạy cho các bạn khuyết tật khó 10, nhưng với anh Thắng, chỉ cần thấy đám học trò nhiệt tình, chạy nhảy trên sân cỏ, anh như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng hơn mỗi ngày.
Tâm sự với chúng tôi, anh Thắng chỉ mong thông tin về những lớp học ngoại khóa đặc biệt này sẽ được lan tỏa đến các bậc phụ huynh có con em bị khiếm khuyết, để các bạn nhỏ được đưa đến đây sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp con khỏe hơn, tạo thêm niềm vui cho các con.
Chúng tôi chợt nghĩ, xã hội này rất cần những cần những người biết chia sẻ, truyền lửa, tạo cảm hứng, dành một tình cảm đặc biệt cho các bạn khuyết tật như anh Thắng.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, bà Trần Mai Thúy Hồng, Phó trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao, Sở VH-TT TPHCM cho biết: Để phát triển phong trào thể thao cho người khuyết tật tại TPHCM nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung một cách bền vững; cũng như lấy người khuyết tật làm trung tâm để phát triển phong trào, đồng thời tạo điều kiện cho VĐV khuyết tật trưởng thành dần tiếp cận với công tác huấn luyện, trở thành HLV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, thời gian qua, Sở VH-TT đã tổ chức các lớp hướng dẫn viên cho người khuyết tật. Đối tượng tham dự không chỉ là người bình thường mà còn có người khuyết tật. Từ lớp học, với kiến thức được trang bị cùng kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình thi đấu, một số VĐV khuyết tật đã mạnh dạn tổ chức các CLB thể thao cho người khuyết tật. Có thể nói, các HLV "đặc biệt" này rất tâm huyết với phong trào thể thao người khuyết tật TP. Những cống hiến tại các giải đấu chuyên nghiệp của họ rất đáng được trân trọng và tôn vinh; góp phần đáng kể cho nền thể thao nước nhà. Đây cũng là những tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên và nghị lực phi thường cần được nhân rộng trong cộng đồng người khuyết tật.