Những người thầy hậu cần '2 trong 1' ở Học viện Hậu cần
Vừa bảo đảm quân nhu thường xuyên cho các đối tượng trong đơn vị, vừa xây dựng mô hình huấn luyện thực hành, thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhân viên cho ngành hậu cần quân đội, nhiều năm qua, những cán bộ ngành quân nhu của Học viện Hậu cần (HVHC) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ '2 trong 1' vẻ vang của mình.
Chúng tôi đến thăm cơ sở 2 của HVHC ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào những ngày đầu đông. Bất chấp khí hậu khắc nghiệt của vùng đất “sáng nắng, chiều mưa”, nhờ bàn tay khéo léo của cán bộ, học viên nhà trường mà công tác tăng gia sản xuất (TGSX), với những vườn rau lúc nào cũng xanh mướt, cùng hệ thống chuồng trại, ao cá được bố trí rất khoa học.
Tại Trung tâm Chế biến và huấn luyện thực hành quân nhu, các học viên trong bộ trang phục bảo hộ chăm chú theo dõi giáo viên hướng dẫn các bước chế biến lợn thịt. Thượng tá Đỗ Thanh Nhàn, Trưởng ban Quân nhu (Phòng Hậu cần, HVHC), cho biết: “Đây là giờ huấn luyện thực hành của các đối tượng học viên trung cấp nấu ăn. Thịt lợn được giết mổ vừa phục vụ cho bữa ăn của bộ đội vừa là bài thực hành cho các học viên. Được “mắt thấy, tai nghe, tay làm” nên học viên học đến đâu nhớ đến đó”.
Với phương châm “học đi đôi với hành”, những năm qua, HVHC luôn quan tâm đến công tác huấn luyện thực hành. Ngoài việc xây dựng trung tâm chế biến và huấn luyện thực hành quân nhu quy mô, học viện còn xin phép không xã hội hóa bếp ăn ở cơ sở 2 mà tự bảo đảm để học viên vừa học thực hành, vừa tự bảo đảm bữa ăn cho đơn vị.
Theo chân các cán bộ Phòng Hậu cần tham quan các mô hình TGSX ở HVHC, chúng tôi ấn tượng không chỉ bởi nhiều chủng loại rau xanh tươi tốt và hệ thống vườn, giàn được bố trí rất khoa học. Ở cơ sở 2, mỗi tiểu đoàn đều có vườn rau riêng. Ngoài ra, học viện còn có khu TGSX tập trung rộng 24.000m2, được trang bị hệ thống tưới tiêu hiện đại. Nhờ đó mà học viện luôn bảo đảm tự túc từ 80-100% chỉ tiêu rau xanh cho cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường.
Không chỉ giỏi TGSX, công tác chăn nuôi của các đơn vị cũng đạt thành tích nổi bật. Tự hào giới thiệu về hệ thống chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ, Đại úy QNCN Tạ Văn Ngọc, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi, Ban Quân nhu (Phòng Hậu cần, HVHC) bảo rằng: "Có được kết quả đó là sự nỗ lực, trách nhiệm rất lớn của anh em. Ngoài việc đầu tư ngày công nghiên cứu xây dựng chuồng trại, chúng tôi còn liên hệ với ngành nông nghiệp địa phương, tìm đến những hộ chăn nuôi, sản xuất giỏi để học tập kinh nghiệm, về triển khai cho bộ đội".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cạnh cơ sở 2 của HVHC có trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Cử đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh Ngọc đã “xin vào làm công” để học cách chăn nuôi, chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, anh còn học kinh nghiệm từ các đồng chí kỹ sư chăn nuôi của nước ngoài. Có những đêm anh Ngọc gần như thức trắng, ăn tạm bánh mì để chờ… “lợn đẻ”. Có ngày nghỉ anh không về nhà chỉ vì theo dõi bệnh tình một con lợn nái để cách ly đàn…
Chính nhờ nhiệt huyết, trách nhiệm của những cán bộ như Đại úy QNCN Tạ Văn Ngọc nên đến nay các anh đã học tập, ứng dụng thành công phương pháp chăn nuôi lợn ta, lợn rừng, lợn mán đạt hiệu quả rất cao. Trước đây, một con lợn nái khi sinh sản chỉ được 7-8 con thì nay đã tăng lên 12-14 con, đủ cung ứng lợn giống cho đơn vị, không còn phải mua ở ngoài. Hiện nay, nhà trường đang duy trì hơn 70 con nái, thường xuyên duy trì đàn lợn thịt từ 350-400 con.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Minh Hạnh, Phó trưởng phòng Hậu cần, cho biết: Những năm qua, công tác TGSX của HVHC có bước phát triển vượt bậc. Đơn vị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi tập trung, thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội kết hợp với duy trì hoạt động của trung tâm chế biến và huấn luyện thực hành quân nhu. Nhờ đó vừa bảo đảm lương thực, thực phẩm cho toàn học viện, nâng cao đời sống cho bộ đội, vừa góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng học viên.