Những người thầy truyền cảm hứng 'biến điều không thể thành có thể'

Tối 29/3, hội thảo 'Thắp lửa cùng tiến lên 2025' khai mạc với sự góp mặt của những người thầy truyền cảm hứng và tâm huyết với giáo dục.

Đại diện ban tổ chức tặng quà tri ân tới Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.

Đại diện ban tổ chức tặng quà tri ân tới Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.

Hội tụ những giá trị nhân văn

Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên" do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp phối hợp với Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục tổ chức hằng năm đã trở thành sự kiện đáng mong đợi của cộng đồng giáo dục. Năm 2025, hội thảo trở lại với chủ đề "GATHER NEW STRENGTHS - HỘI TỤ SỨC MẠNH MỚI", tiếp tục sứ mệnh kết nối, đổi mới và lan tỏa những giá trị giáo dục tiên tiến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phan Thị Hồng Dung - Đồng sáng lập EdulightenUp, đại diện ban tổ chức nhấn mạnh: Giáo dục đang đứng trước những thay đổi chưa từng có. Học sinh của chúng ta hôm nay lớn lên trong một thế giới đầy biến động và cơ hội, nơi những kỹ năng của thế kỷ 21 không còn là điều xa vời, mà là yêu cầu sống còn.

 Bà Phan Thị Hồng Dung, đại diện ban tổ chức phát biểu khai mạc.

Bà Phan Thị Hồng Dung, đại diện ban tổ chức phát biểu khai mạc.

Vì thế, nhà trường không chỉ là nơi “dạy chữ” mà phải trở thành nơi gieo hạt – hạt của năng lực, nhân cách, bản sắc, sự sáng tạo và lòng trắc ẩn. Với tinh thần đó, hội thảo năm nay mang theo một sứ mệnh rất rõ ràng: Thắp lửa niềm tin – cung cấp công cụ – kết nối con người – khơi nguồn hành động”.

Trong chương trình “Ngọn lửa giáo dục”, các thầy cô được lắng nghe những câu chuyện không chỉ khiến ta xúc động mà còn khơi dậy khát vọng được dấn thân, được làm khác đi, được làm tốt hơn mỗi ngày và biến những điều không thể thành có thể với sự chia sẻ đầy sâu sắc về hành trình xây dựng mô hình giáo dục tư thục của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội).

Câu chuyện về người thầy giáo từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống và giàu lòng nhân ái đã trở thành hình ảnh đẹp về sự tận tụy cùng tình yêu thương vô bờ dành cho thế hệ trẻ. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành Trường Marie Curie, thầy Nguyễn Xuân Khang đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

 Thầy Khang luôn mong muốn có những đóng góp để giáo dục nước nhà đi lên.

Thầy Khang luôn mong muốn có những đóng góp để giáo dục nước nhà đi lên.

Thầy Nguyễn Xuân Khang là người đã lập "Dự án Làng Nủ" sau khi cơn bão YAGI và lũ quét kinh hoàng xảy ra hồi cuối tháng 9/2024. Qua dự án này, thầy Khang chu cấp cho các học sinh còn sống sót sau thảm họa này số tiền 3 triệu đồng/tháng/em đến hết năm 18 tuổi, đồng thời hỗ trợ thêm các nhu cầu thiết yếu khác trong quá trình học tập của các em.

Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang hỗ trợ học sinh vùng cao. Năm 2022, nhiều giáo viên Trường Marie Curie xung phong dạy Tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho 2.600 học sinh lớp 3 ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và duy trì tới khi các em học hết Tiểu học.

 Ban tổ chức trao tặng kỷ niệm chương cho các đại biểu.

Ban tổ chức trao tặng kỷ niệm chương cho các đại biểu.

Cuối tháng 11/2024, trước tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh ở Mèo Vạc, thầy Khang chi 6-12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương học đại học chuyên ngành này. Mỗi tháng, mỗi sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng và kéo dài trong 4 năm. Tháng 2/2025, thầy Khang cũng quyết định chi 100 tỷ đồng để xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Hành trình nỗ lực, lan tỏa

 Thầy Nguyễn Xuân Khang đã gắn bó với ngành Giáo dục hơn 50 năm.

Thầy Nguyễn Xuân Khang đã gắn bó với ngành Giáo dục hơn 50 năm.

Thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong những học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 1968, thầy theo học ngành Vật lí tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, thầy được mời ở lại trường giảng dạy cho khối phổ thông chuyên Vật lí.

“Lúc đó rất nghèo, nghèo nhất trong số những người nghèo ở trường đại học. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn để lên lớp. Học trò nghèo, thầy cũng nghèo nhưng tình cảm học trò dành cho thầy là điều đáng quý nhất", thầy Khang xúc động nhớ lại.

Trong tâm trí của "ông giáo U80", hành trình của sự ra đời những ngôi trường tư thục đầu tiên của Hà Nội và cả nước những năm 90 của thế kỷ trước là ký ức ông không bao giờ quên. Khi đó, ông được làm việc cùng những đồng nghiệp, nhà quản lý tâm huyết với Giáo dục nên rất "say nghề". Nhìn lại hành trình đó, ông không khỏi xúc động và biết ơn để tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Sau nhiều năm lăn lộn với giáo dục và với Trường Marie Curie, từ người nghèo nhất trong xã hội, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định mình không còn nghèo nữa. Đó không chỉ đơn giản là tiền bạc hay những giải thưởng cao quý mà là tình cảm, sự yêu thương và lòng biết ơn từ những học trò mà thầy đã chăm sóc, dẫn dắt suốt cuộc đời”.

Cô Trương Thị Hải Yến và thầy Nguyễn Khắc Lý chia sẻ tại hội thảo.

Góp mặt tại đây, thầy Nguyễn Khắc Lý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội); cô Trương Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh - huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk cũng đem đến những tâm sự quá trình vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để tận dụng công nghệ AI vào giảng dạy, lan tỏa những giá trị của Âm nhạc tới sự phát triển toàn diện của học trò trong thời đại mới.

Tại hội thảo, các đại biểu được tham quan và trải nghiệm trực tiếp 21 mô hình giáo dục xuất sắc, tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Trải nghiệm & hướng nghiệp gắn với thực tiễn; Giáo dục vì sự phát triển bền vững; Ứng dụng AI trong giáo dục; Khai thác nguồn lực địa phương độc đáo cho giáo dục.

Nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo của các trường học, đơn vị được trưng bày và giới thiệu tới các thầy cô giáo.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày.

Tham dự hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2025" có sự góp mặt của gần 250 đại biểu là những nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước. Tất cả đều có một điểm chung và mong muốn làm sao để "Giáo dục Việt Nam tiến lên – mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và nhân văn hơn”. Hội thảo mang đến cơ hội tiếp cận các mô hình giáo dục thực tiễn, những ý tưởng sáng tạo từ các trường học tiên phong trong đổi mới giáo dục.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-truyen-cam-hung-bien-dieu-khong-the-thanh-co-the-post725107.html