Những người tị nạn bị lãng quên

Sau khi dập tắt các vụ bạo loạn chống nhập cư, chính phủ Thủ tướng Keir Starmer đang đối mặt với nhiệm vụ khó hơn, đó là giải quyết tận gốc rễ vấn đề người di cư vào Anh.

Mảnh đất “người tị nạn”

Sudan, một quốc gia nằm ở Đông Bắc Châu Phi, đã bị tàn phá bởi xung đột nội bộ trong suốt nhiều thập kỷ. Từ cuộc nội chiến đầu tiên giữa hai miền Bắc và Nam Sudan (kéo dài từ 1955-1972) cho đến cuộc nội chiến thứ hai (kéo dài từ 1983-2005) dẫn đến việc thành lập nhà nước Nam Sudan độc lập đã làm chia rẽ đất nước này. Những năm gần đây, cuộc xung đột tại vùng Darfur lại tiếp tục đẩy quốc gia này vào vòng xoáy mới.

Cuộc xung đột mới nhất bùng nổ vào tháng 4/2023 giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã đẩy hàng triệu người vào tình trạng phải rời bỏ quê hương một lần nữa.

Bà Linda Thomas-Greenfield đi đầu trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới người tị nạn Sudan.

Bà Linda Thomas-Greenfield đi đầu trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới người tị nạn Sudan.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), kể từ tháng 4/2023, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ Sudan để tìm kiếm sự an toàn ở các nước láng giềng như Chad, Ai Cập, Nam Sudan, và Ethiopia. Chỉ riêng nước cộng hòa Chad đã phải đón hơn 600 nghìn người Sudan đến tị nạn trong 16 tháng qua, con số còn nhiều hơn 20 năm trước đó cộng lại. Với dân số chỉ 16 triệu người và nền kinh tế yếu kém, rõ ràng Chad không thể có sức để “kham” được lượng người tị nạn khổng lồ như thế. Chính vì thế, phần lớn trong số người tị nạn này đang phải sống tạm bợ tại các khu vực biên giới hai nước.

Ngoài ra, theo bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại LHQ thì ước tính, còn khoảng 10 triệu người khác đã phải di dời cưỡng bức trên lãnh thổ Sudan kể từ khi xung đột nội bộ bắt đầu. Họ là những người tị nạn trên chính mảnh đất quê hương của mình và biến Sudan thành một “mảnh đất tị nạn”. Đây cũng là con số người tị nạn lớn nhất được ghi nhận từ một cuộc xung đột trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, khác với những người tị nạn ở Ukraine hay hay Syria được tiếp nhận vào châu Âu với số lượng lớn, hay chí ít cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, những người tị nạn Sudan này không chỉ đối mặt với những khó khăn về chỗ ở và lương thực, mà còn phải chịu đựng sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Trong chuyến đi tới thị trấn Adré, một địa điểm nằm giữa biên giới Chad và Sudan đang được biến thành một trại tị nạn khổng lồ vào tháng 8/2024 vừa qua, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nicolò Filippo Rosso đã phải thốt lên là “tình hình không thể tệ hơn thế nữa”.

Những người tị nạn Sudan chờ đợi hàng cứu trợ.

Những người tị nạn Sudan chờ đợi hàng cứu trợ.

Những thách thức của người tị nạn Sudan

Một trong những khó khăn lớn nhất mà người tị nạn Sudan phải đối mặt là tình trạng thiếu lương thực và nước sạch. Tại các trại tị nạn ở Chad và Nam Sudan, tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 60% người tị nạn Sudan không đủ lương thực hàng ngày. Thiếu nước sạch cũng là một vấn đề cấp bách, với nhiều trại tị nạn không có đủ nước sạch để sử dụng, dẫn đến sự bùng phát của các bệnh như tiêu chảy, sốt rét, và viêm phổi. Một chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Người tị nạn Sudan đang sống trong những điều kiện không thể chấp nhận được. Sự thiếu hụt nước sạch không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ mà còn tạo ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng".

Chỗ ở là một vấn đề khác mà người tị nạn Sudan đang phải đối mặt. Hầu hết các trại tị nạn tại các nước láng giềng đều quá tải, với hàng nghìn người phải sống chen chúc trong các lều tạm bợ hoặc những nơi trú ẩn không đủ tiêu chuẩn. Nhiều trại tị nạn không có đủ nhà vệ sinh hoặc cơ sở hạ tầng y tế cần thiết, khiến điều kiện sống trở nên vô cùng khắc nghiệt. Một báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy hơn 75% người tị nạn Sudan tại Chad phải sống trong các điều kiện tạm bợ, không có mái che đúng nghĩa. "Việc cung cấp nhà ở cho số lượng người tị nạn ngày càng tăng là một thách thức lớn đối với chúng tôi", đại diện của UNHCR, bà Marie-Helene Verney bất lực thừa nhận.

Hỗ trợ y tế cho người tị nạn Sudan cũng là một vấn đề đáng báo động. Nhiều trại tị nạn không có đủ nhân viên y tế, thuốc men và trang thiết bị cần thiết để điều trị cho những người bị bệnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành và nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, lao và HIV/AIDS gia tăng. Một báo cáo từ Tổ chức Cứu trợ Quốc tế (IRC) cho biết chỉ có khoảng 30% người tị nạn Sudan được tiếp cận với các dịch vụ y tế cần thiết.

Những phe phái chia rẽ gây ra cuộc chiến kéo dài tàn phá đất nước Sudan.

Những phe phái chia rẽ gây ra cuộc chiến kéo dài tàn phá đất nước Sudan.

Mặc dù tình hình của người tị nạn Sudan là vô cùng nghiêm trọng, nhưng dường như họ đang bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. UNHCR cho biết họ chỉ nhận được 10% trong số 214,8 triệu đô la viện trợ được yêu cầu cần thiết để giúp đỡ người tị nạn tại Chad trong tháng 6/2024. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Di cư Quốc tế, trong năm 2023, chỉ có khoảng 30% số tiền cần thiết cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn Sudan được huy động. "Thật đáng buồn khi thấy rằng cộng đồng quốc tế đã không còn quan tâm đến Sudan. Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn mà không nhận được sự chú ý xứng đáng”, một chuyên gia của tổ chức này nhận định.

Tại sao người tị nạn Sudan bị lãng quên?

Một trong những lý do chính khiến người tị nạn Sudan bị lãng quên là do tình hình chính trị phức tạp của đất nước này. Sudan đã trải qua nhiều thập kỷ xung đột và biến động chính trị, khiến cho cộng đồng quốc tế khó có thể can thiệp một cách hiệu quả. Sự thiếu ổn định và xung đột liên miên đã khiến các cơ quan quốc tế gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý và hỗ trợ liên tục.

Lương thực cứu trợ được chuyển đến trại tị nạn.

Lương thực cứu trợ được chuyển đến trại tị nạn.

Bối cảnh thế giới hiện nay cũng vô cùng phức tạp. Thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng khác như chiến tranh ở Ukraine, tình trạng bất ổn ở Trung Đông, và các vấn đề di cư ở châu Âu. Sự tập trung vào các cuộc khủng hoảng này đã làm lu mờ cuộc khủng hoảng của người tị nạn Sudan, khiến họ bị bỏ quên trong cuộc chiến giành sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.

Truyền thông quốc tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, người tị nạn Sudan lại không nhận được sự quan tâm đáng kể từ các phương tiện truyền thông, khiến tình hình của họ ít được biết đến. Theo một phân tích của Trung tâm Truyền thông và Nhân đạo Quốc tế, số lượng bài viết và tin tức về người tị nạn Sudan trong năm 2023 ít hơn 70% so với các cuộc khủng hoảng khác.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tháng 7/2024, bà Linda Thomas-Greenfield đã gọi cuộc khủng hoảng ở Sudan là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới". Lời kêu gọi này đã làm thức tỉnh giới truyền thông quốc tế và dành cho khu vực này nhiều sự chú ý hơn. Trong tháng 8/2024 vừa qua, một đoàn kiểm tra được dẫn đầu bởi các quan chức của UNHCR và WHO đã đến thăm các trại tị nạn tại các nước xung quanh Sudan để đánh giá tình hình.

Sau chuyến khảo sát này, đại diện của UNHCR đã đưa ra một loạt khuyến cáo bao gồm: Cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, tăng cường an ninh tại các trại tị nạn, hỗ trợ tâm lý và giáo dục cho người tị nạn để quay lại cuộc sống, đảm bảo quyền tị nạn và hỗ trợ xây dựng cộng đồng. Tuy nhiên những khuyến cáo này về cơ bản vẫn không có gì mới bởi cốt lõi của vấn đề vẫn là hòa bình ở Sudan và sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì họ không thể can thiệp được gì. Vì vậy, ngay lúc này, để hỗ trợ cho những người tị nạn, các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi các cơ quan truyền thông quốc tế dành nhiều sự quan tâm hơn tới vấn đề ở Sudan. Dù sao thì bất cứ sự hỗ trợ nào lúc này cũng đều quý giá.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhung-nguoi-ti-nan-bi-lang-quen-i741997/