Những người trẻ hướng ngoại nhưng thích đi chơi một mình
Tối cuối tuần, thay vì hẹn bạn bè tụ tập, Hằng Nguyễn (sinh viên năm 3, ĐH Văn hóa Hà Nội) một mình đi dạo trong công viên để 'sạc pin tinh thần' sau một tuần đi học và làm thêm.
Theo học ngành Du lịch, có tính cách khá cởi mở, sôi nổi và thích giao tiếp với mọi người, song những lúc căng thẳng, Hằng muốn dành thời gian cho các hoạt động một mình.
“Lúc nào có áp lực học hành hay rối ren trong cuộc sống cá nhân, mình chọn một mình đi dạo, đi ăn uống, ghé triển lãm nào đó hoặc vào rạp xem một bộ phim bất kỳ. Đó là cách mình vỗ về bản thân, hiểu chính mình hơn”, cô nói với Zing.
Tự do. Yên tĩnh. Chủ động thời gian. Khuây khỏa đầu óc. Không cần cố gắng hòa nhập với đám đông. Những điểm cộng kể trên là một trong số các lý do chính mà nhiều người trẻ giờ lựa chọn đi chơi một mình. Với họ, nhu cầu tự giải trí cũng có ý nghĩa không kém việc duy trì kết nối với các mối quan hệ khác.
Tạo không gian riêng cho bản thân
Hằng kể lần đầu khi đi xem phim một mình có cảm giác lạ lẫm, bởi trước đó cô cũng cho rằng đó là nơi nên đi theo đôi, theo nhóm.
“Từ hầm gửi xe bước vào thang máy lên tầng, tới chỗ lấy vé hay khu vực ngồi chờ, mình hơi chạnh lòng vì thấy ai nấy đều có bạn đi chung. Mình cũng thấy ngại và thấy như ai cũng đang nhìn mình với ánh mắt khó hiểu”, cô kể lại.
Nhưng sau vài lần, cô thấy quen và mỗi lúc nổi hứng lại đặt vé để vào rạp xem phim.
Hằng nói rằng đi chơi một mình có điểm cộng là thoải mái hơn vì không cần phụ thuộc lịch trình, ý kiến của người khác, được chủ động lựa chọn theo ý mình.
Tương tự, Thanh Hoa (25 tuổi, Bắc Giang) vừa có lần đầu vào rạp mà không rủ ai đi cùng.
"Thú thực, tính mình hướng ngoại, hiếm khi vui chơi gì mà không có người đồng hành cùng. Lần này, mình gom quyết tâm mới dám thử", Hoa chia sẻ.
Cô cho hay lý do đằng sau là càng trưởng thành, bản thân nhận ra nên có những lúc riêng tư cho chính mình, thay vì luôn cần ai đó bên cạnh.
"Khi chủ động đón nhận, mình thấy đi chơi một mình không hề tệ như suy nghĩ trước giờ, đáng để thử những lần sau".
Còn với Hồng Hạnh (26 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM), tâm trạng cô vốn vui vẻ khi đi chơi với bạn bè và đồng nghiệp, nhưng lại thấy thoải mái nhất khi làm mọi thứ một mình. Hạnh không từ chối các cuộc vui khi được rủ, nhưng cô hiếm khi hẹn ai đó đi chơi cùng mình.
Từ sau dịch, khi công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa nhiều hơn, tần suất tụ tập cùng mọi người của cô càng ít đi.
Giải thích cho điều này, Hạnh cho biết mình thường nổi hứng đi chơi bất chợt và muốn đi ngay mà ít khi lên kế hoạch trước, thế nên cô ngại rủ bạn bè vì dễ bị từ chối hoặc cảm thấy làm phiền họ.
“Nhiều hôm không tìm được cảm hứng, tôi chọn gác công việc lại, chạy một vòng xem các shop quần áo rồi về làm tiếp. Có hôm lướt điện thoại thấy quảng cáo có phim hay, tôi liền lên ứng dụng đặt vé của suất chiếu gần nhất rồi đi xem luôn”, cô cho biết.
Chuyển công tác vào TP.HCM hơn một năm, Hạnh đặc biệt thích cuộc sống ở đây vì dù cô có đi đâu, làm gì một mình cũng không bị ai để ý, đánh giá. Những lúc rảnh rỗi, cô thích chạy xe máy dạo quanh thành phố mà không có điểm đến nào cụ thể. Hạnh coi đó là một cách “chữa lành” cho bản thân.
“Tôi không thấy đi chơi một mình là cô đơn, ngược lại phải thường xuyên giao tiếp với người khác mới khiến tôi áp lực. Đặc thù công việc phải kết nối với khách hàng, đồng nghiệp thường xuyên nên tôi càng thích cho mình khoảng thời gian riêng”, Hạnh bộc bạch.
Không phải lựa chọn bất đắc dĩ
Có lịch trình công việc dày đặc, không theo giờ hành chính, Hằng Bùi (23 tuổi, nhân viên ngành Marketing) rất khó sắp xếp được lịch đi chơi cùng bạn bè. Sau hai năm đi làm, cô đã quen chuyện đi ăn, đi chơi, mua sắm một mình và thoải mái với điều đó.
Cô coi đó đơn giản là một kiểu thói quen và những khoảng thì giờ riêng tư cho phép cô sống chậm lại.
“Tôi biết có nhiều người định kiến rằng đi chơi một mình là thiếu hòa đồng hoặc giao tiếp kém, song điều đó không đúng, nhất là trong thời đại bây giờ. Bản thân tôi vẫn sẵn sàng hòa vào các cuộc vui cùng bạn bè, cởi mở khi nói chuyện với người khác”, cô bày tỏ.
Hằng nhận thấy có nhiều người trẻ quanh mình cũng có xu hướng tận hưởng việc thư giãn mà không có người thân, bạn bè hay người yêu. “Từ quan điểm cá nhân, tôi thấy những người như vậy thường chủ động, tự lập hơn trong cuộc sống lẫn công việc", Hằng nói.
Trong 4 năm học đại học trên Hà Nội, Quỳnh Nga (23 tuổi, TP. Hòa Bình) nhiều lần tự một mình bắt xe buýt, lang thang khắp thành phố mỗi khi muốn "giết thời gian".
Với cô, đây là cách giải trí của thời sinh viên, không tốn kém, hợp với sở thích khám phá khi bắt đầu cuộc sống ở nơi hoàn toàn mới.
Về sau, Nga có thêm thói quen ra quán ngồi cà phê một mình. Tự nhận bản thân là người thích tụ tập, cuộc vui nào cũng có mặt và ít khi từ chối lời rủ rê của bạn bè, Nga thú nhận nhiều lúc cô vẫn thấy "ngợp" khi ở giữa đám đông và cần tới những "khoảng lặng" giúp cân bằng.
"Có những việc thích hợp để ngồi một mình như đọc sách, chạy nốt deadline. Nếu đi cùng người khác, mình khó tập trung hoàn thành và dễ bị cuốn vào cuộc trò chuyện giữa hai bên. Mình cũng không thích rủ bạn bè ra ngoài gặp gỡ mà để bạn ngồi chơi một mình, còn bản thân cắm mặt vào laptop làm việc", Nga cho biết.
Theo Nga, khi còn đi học, bạn bè dễ gặp mặt, tụ tập nhưng đến khi đi làm, ai nấy đều bận rộn với lịch trình riêng nên chuyện không sắp xếp đi chơi cùng nhau được trở nên dễ hiểu. Cá nhân cô cho rằng không nên để điều đó làm lỡ mất, bỏ qua cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn của bản thân.
"Ngoài ra, gu, lựa chọn địa điểm của mỗi người một khác, cái mình hứng thú người khác lại không mấy quan tâm. Ví dụ như mình là người thích đi các chốn như chùa chiền, miếu, đền hoặc xem nhạc kịch - những thứ không có bạn bè chung sở thích - vậy nên tự làm một mình sẽ tiện hơn", cô nói.
Với Nga, việc duy trì sở thích đi cà phê một mình cũng cần sự kiên trì, do quỹ thời gian rảnh mỗi tuần không nhiều, còn phân chia cho đi chơi với người yêu, bè bạn.
"Nếu muốn ra quán ngồi một mình, mình cần 'đấu tranh' với cơn buồn ngủ mỗi sáng cuối tuần hoặc tranh thủ những lần chờ, đón người yêu đi làm về".
Cũng muốn thử một lần tự mình đi du lịch, Nga mong muốn đến Đắk Lắk vào năm tới. Yếu tố tiền bạc đang là điều khiến cô cân nhắc nhất vì đi một mình đồng nghĩa với chi trả mọi chi phí.
"Cần cô đơn"
Dưới góc độ chuyên gia, việc một mình làm những điều bạn thích có lợi cho các mối quan hệ xã hội, cải thiện khả năng sáng tạo và sự tự tin, đồng thời giúp mỗi người điều chỉnh cảm xúc để có thể đối phó tốt hơn với các tình huống bất lợi, theo New York Times.
Tuy nhiên, số đông thường nhầm lẫn giữa việc ở một mình với sự cô đơn và coi trải nghiệm đó như một điều tiêu cực.
"Vì có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng con người là sinh vật xã hội được hưởng lợi từ việc tương tác với người khác, nên số đông thường cố gắng bác bỏ rằng việc dành thời gian ở một mình cũng rất quan trọng", Robert Coplan, nhà tâm lý học phát triển và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Carleton, phân tích.
"Trên thực tế, việc xác định ra những khoảnh khắc chúng ta cần 'cô đơn' để nạp năng lượng và suy ngẫm có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực, như căng thẳng và kiệt sức", nhà trị liệu tâm lý Emily Roberts cho biết.