Những người trẻ không về quê, ở lại TP.HCM tránh dịch

Nhiều bạn trẻ đã ở lại TP.HCM thay vì về quê. Hầu hết lo ngại quá trình di chuyển sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus, khiến họ trở thành nguồn lây cho gia đình.

Khi dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM căng thẳng, nhiều bạn trẻ quê quán ngoại tỉnh đã quyết định ở lại thành phố để làm việc, tham gia tình nguyện hoặc nghỉ ngơi.

Thậm chí, nhiều bạn trong diện được đăng ký về nhà theo kế hoạch đưa đón của địa phương, tuy nhiên đã nhường cơ hội cho người cần thiết hơn.

Zing đã trò chuyện cùng 6 bạn trẻ hiện bám trụ lại TP.HCM trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp để lắng nghe câu chuyện của từng người.

N.Y.M (27 tuổi, sinh viên, quê quán Khánh Hòa)

Từ thời điểm TP.HCM bùng phát dịch bệnh, mẹ đã giục mình về nhà. Địa phương mình cũng có chương trình đón người dân về từ các tỉnh thành phía Nam, nhưng mình không đăng ký.

 Y.M hiện là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Y.M hiện là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mình ở lại thành phố tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, hiện là tình nguyện viên tại quận Tân Bình và thành phố Thủ Đức.

Nhiệm vụ mỗi ngày của mình là trực tại các chốt phong tỏa, vận chuyển đồ, giao thức ăn và hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Công việc khá bận rộn nhưng tất cả đều không quản ngại gì. Mình rất vui vì đã có thể góp công sức đẩy lùi dịch bệnh.

Mình sợ gia đình lo lắng nên không dám kể về việc tham gia tình nguyện. Nhưng sẽ càng sợ hơn nếu bây giờ mình về quê. Bà ngoại và mẹ mình đã lớn tuổi, không may mình đang ủ bệnh sẽ rất ảnh hưởng đến gia đình.

Từng ngày, mình chờ đến lúc tình hình dịch bệnh ổn định để về quê ngay với mẹ và ngoại. Mình sẽ cố gắng tự bảo vệ sức khỏe bản thân, hỗ trợ tích cực cho các y bác sĩ để ngày về quê thêm gần.

Thục Trinh (24 tuổi, nhân viên văn phòng, quê quán Ninh Thuận)

Thấy tình hình dịch bệnh tại TP.HCM phức tạp, mình rất muốn về quê.

 Thục Trinh thích nghi với cuộc sống trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Thục Trinh thích nghi với cuộc sống trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Nhưng mình lo sợ rằng trong quá trình di chuyển, chặng đường xa kèm theo phương tiện không đảm bảo quy định phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm virus còn cao hơn khi ở yên trong nhà thế này.

Mỗi ngày, gia đình mình ở quê đều gọi điện hỏi han và nhắc nhở. Ba mẹ mình cập nhật thông tin về dịch bệnh tại TP.HCM trên báo đài liên tục, nhiều lúc còn nắm rõ hơn cả mình. Nằm ở phòng trọ, mình nhớ nhà lắm mà đành chịu.

Trong đợt dịch này, cuộc sống của mình chật vật hơn một chút bởi phải tạm nghỉ làm, giá thực phẩm cũng tăng cao. Nhưng đã quyết ở lại TP.HCM rồi, mình sẽ tìm được cách xoay xở và chắc chắn không để bản thân rơi vào thế bị động.

Mỗi lần phải ra đường mua sắm thức ăn, vật dụng thiết yếu, mình lựa chọn những thời điểm vắng người, đi thật nhanh rồi về nhà. Bảo vệ tốt sức khỏe cho bản thân chính là cách giúp mình làm yên lòng bố mẹ.

Mình tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Mình đã và sẽ góp sức bằng việc "đang ở chỗ nào ở yên chỗ đó". Khi không thể đóng góp thêm điều gì khác, đó chính là cách hữu hiệu nhất để giảm áp lực lên lực lượng chống dịch của thành phố.

Hoài Thanh (26 tuổi, sáng tạo nội dung, quê quán Phú Yên)

Mình đã vào TP.HCM được 2 năm để làm việc. Vừa qua mình biết được tỉnh nhà tổ chức những chuyến xe đón người dân từ TP.HCM về địa phương. Đây là hoạt động ý nghĩa, đảm bảo các quy định phòng dịch nghiêm ngặt nhưng mình xin nhường cơ hội này đến những người khó khăn hơn.

Lý do là vì mình vẫn no đủ từng bữa ăn hàng ngày, mình cảm thấy may mắn hơn nhiều người đồng hương khác. Mình biết nhiều người làm lao động tại TP.HCM rất vất vả, có cả những em nhỏ hoặc cụ ông, cụ bà lớn tuổi.

Hơn nữa mình không hoàn toàn biết được bản thân mình có đang ủ bệnh hay không. Mình lo lúc di chuyển, nhỡ đâu lại làm ảnh hưởng đến mọi người. Trong trường hợp xấu nhất, mình có thể là gánh nặng cho gia đình nữa.

Ba mẹ ở nhà rất mong mình về, nhưng mình sẽ đợi đến khi TP.HCM kiểm soát được cơ bản dịch bệnh. Khi đó, mình về sẽ tự tin, yên tâm hơn.

Kiều Anh (21 tuổi, sáng tạo nội dung, quê quán Cà Mau)

Cách đây 15 ngày, chung cư nơi mình ở phải phong tỏa vì có ca dương tính. Gia đình mình ở quê đã rất lo lắng, mẹ gửi lên cho mình một thùng đầy ắp rau củ, thịt cá.

Gia đình liên tục gọi điện giục mình về nhà, nhưng mình nghĩ chưa đến lúc. Tình hình dịch ở TP.HCM đang phức tạp, quê mình cũng nằm trong danh sách 19 tỉnh, thành phía Nam phải giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 7.

Nếu về bây giờ, mình phải cách ly nên sẽ không thoải mái. Hơn hết, mình rất lo cho ông bà đã lớn tuổi. Chẳng thể chắc chắn được mình sẽ an toàn để về nhà nên mình quyết định ở lại. Mình muốn giữ an toàn cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

 Kiều Anh ở lại TP.HCM vì muốn giữ an toàn cho gia đình.

Kiều Anh ở lại TP.HCM vì muốn giữ an toàn cho gia đình.

Trong thời gian giãn cách xã hội, mình vừa duy trì việc học, họp online và làm các công việc được giao. Mình cũng tìm ra nhiều việc để giải trí như nấu ăn, làm bánh, pha trà sữa, đọc sách, tập thể dục...

Thanh Tùng (25 tuổi, biên kịch, quê quán Nghệ An)

Mình từ Hà Nội vào TP.HCM làm việc, không ngờ rằng khi vừa đặt chân xuống sân bay vào ngày 1/6 cũng là lúc TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố.

Cho tới bây giờ đã gần 2 tháng, mình vẫn cảm giác như chưa được sống ở Sài Gòn bởi suốt ngày chỉ ở trong nhà.

Nửa tháng đầu, mình rơi vào trạng thái buồn chán cực độ. Sống một mình trong phòng trọ, không gặp gỡ bạn bè, không được đi ăn, đi cà phê thực sự là cực hình với một đứa "cuồng chân" như tôi.

 Thanh Tùng yêu thích việc nấu ăn hơn nhờ ở nhà nhiều hơn.

Thanh Tùng yêu thích việc nấu ăn hơn nhờ ở nhà nhiều hơn.

Nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An quê mình, đang có kế hoạch đưa người lao động ở các tỉnh, thành phía Nam về quê, một số người quen khuyên mình nên về. Thế nhưng trong tình hình hiện tại, mình quyết định ở lại.

Mình có công việc và vẫn có thể tự lo liệu cuộc sống. Thời điểm này, ở yên một chỗ cũng là góp phần giảm bớt gánh nặng cho lực lượng chống dịch ở tuyến đầu.

Hơn nữa, ở quê mình cũng đang là vùng dịch, nếu về càng phức tạp hơn. Mình hy vọng mọi người đều giữ ý thức, nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Ngọc Diệu (21 tuổi, sinh viên, quê quán Bình Phước)

Từ ngày 9/7 khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, nhà hàng nơi mình làm thêm phải tạm dừng hoạt động, mình vì thế cũng phải nghỉ công việc làm thêm.

 Ngọc Diệu mong chờ hết dịch để được quay trở lại làm việc, học tập.

Ngọc Diệu mong chờ hết dịch để được quay trở lại làm việc, học tập.

Những ngày gần đây TP.HCM liên tục có thêm nhiều ca bệnh, mình lo lắng lắm nên không dám ra đường đi lại. Ba mẹ ở nhà gọi điện nhắc mình đi xét nghiệm rồi đăng ký về quê theo kế hoạch đón người dân của địa phương, nhưng mình sợ việc cách ly tại nhà không đủ an toàn. Mình lo rằng vô tình đã nhiễm bệnh và lây cho cả gia đình.

Biết mình quyết định ở lại, ba mình thường xuyên gọi điện để nhắc nhở phải hạn chế ra đường. Ba cũng gửi cho mình một ít thực phẩm dự trữ, còn cho mình tiền nữa vì biết rằng mình đã phải nghỉ việc, không còn nhiều tiền để đóng tiền nhà trọ và chi tiêu.

Mình mong rằng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc, các hoạt động lại khôi phục như trước đây. Khi đó mình sẽ lại được đi học và đi làm thêm, còn được về quê với gia đình.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các khu cách ly tại TP.HCM đã quá tải, hàng chục nghìn lao động, là người dân các tỉnh, gặp khó khăn vì không có thu nhập. Họ mong muốn về quê để tránh dịch và giảm bớt gánh nặng tiền bạc.

Từ giữa tháng 7, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An... đã lên kế hoạch, tổ chức đón hàng nghìn lao động về quê miễn phí.

Trong ngày 22/7, gần 500 người dân Quảng Nam đang ở TP.HCM được hỗ trợ về quê miễn phí trên 10 ôtô do tỉnh cử vào đón.

Tương tự, để đảm bảo an toàn, Đà Nẵng đón 626 công dân từ TP.HCM về quê trên 3 chuyến bay miễn phí.

Đào Phương, Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-tre-khong-ve-que-o-lai-tphcm-tranh-dich-post1242159.html