Những người trẻ mang 'đời sống mới' cho xác động vật
Nghệ thuật tiêu bản là bộ môn nghệ thuật 'độc lạ', đòi hỏi những kỹ thuật cao về chế tác và bảo quản xác động vật. Nghệ thuật này đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng và theo đuổi.
Tiêu bản không phải “thú chơi”
Từ nhỏ, Đặng Trung Hiếu (sinh năm 1990, sống tại TP. HCM) đã được gia đình dẫn tới vườn thú, bảo tàng nên anh sớm có cơ hội làm quen với tiêu bản sinh vật. Hiếu chia sẻ, anh đam mê sinh học từ bé và biết tiêu bản là hình thức lưu trữ mẫu vật tốt nhất cho giáo dục và nghiên cứu nên đã quyết tâm theo đuổi.
Vốn là họa sĩ, Hiếu nhận thấy mình có những lợi thế nhất định khi tiếp cận nghệ thuật tiêu bản còn khá mới lạ ở Việt Nam, như nắm bắt tốt về phối cảnh, chuyển động và cách bài trí bảo tàng để phục vụ cho công tác trưng bày. Anh cũng cho biết, sự tỉ mỉ của người họa sĩ giúp công việc thanh thoát hơn chứ không hề khô cứng.
Hiếu làm đa dạng các tiêu bản, từ chim, cá, bò sát… cho đến thực vật. Theo anh, tiêu bản động vật gồm hai loại cơ bản là tiêu bản da và tiêu bản xương. Tiêu bản xương được anh cố định các phần với nhau bằng những thanh kim loại bên trong. Điều này đòi hỏi người làm phải am hiểu cấu trúc, chuyển động của động vật ngoài tự nhiên để áp dụng vào tư thế cho đúng. Nguyên tắc chính của Hiếu khi xử lý xác động vật là khiến chúng ngừng phân hủy và giữ nguyên cấu trúc sinh học.
Trung Hiếu cùng mẫu tiêu bản lạc đà Alpaca của mình.
Suốt thời gian làm người chế tác tiêu bản, anh cho biết mình chỉ nhận làm mẫu vật chính quy và thú cưng không nằm trong danh mục cấm. Với Trung Hiếu, nghệ thuật tiêu bản không phải “thú chơi” vì người làm tiêu bản có nguy cơ đối diện với pháp luật nếu cổ súy cho hành vi giết hại động vật trái phép để làm tiêu bản bằng việc sử dụng xác động vật chết không tự nhiên. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mẫu vật chết không rõ nguồn gốc là rất cao.
Vẻ đẹp động vật khi chết đi
Đặng Thị Tấm (sinh năm 1998, sống tại tỉnh Bắc Kạn) biết đến nhóm tiêu bản gần hai năm nay và chủ yếu làm tiêu bản côn trùng, đặc biệt là loài bướm. Cô thấy khu vực mình sống có đa dạng loài bướm nên tự học hỏi trên mạng và bắt tay vào thực hiện. Vì chưa có kinh nghiệm nên năm đầu tiên đăng bán sản phẩm trong nhóm, Tấm không được nhiều người đón nhận, song cô gái trẻ lấy đó làm động lực để tiếp tục cố gắng. Đến năm thứ hai, Tấm đã có khách quen mua tiêu bản của mình. Đối tượng khách hàng chủ yếu là thợ xăm hình, sinh viên trường nghệ thuật có nhu cầu tìm hiểu để phục vụ cho việc học. Ngoài ra, chúng có thể trưng bày ở viện bảo tàng hoặc bán cho khách nước ngoài ở các khu du lịch.
Đặng Thị Tấm chuyên làm tiêu bản côn trùng.
Tính đến nay, cô đã làm trên dưới 1.000 mẫu tiêu bản sống động với đủ màu sắc, kiểu dáng. Dẫu vậy, để làm ra thành quả như ý cũng như bảo đảm sức khỏe bản thân, cô phải hết sức cẩn thận trong lúc thực hiện. “Cái độc nhất của con bướm là phấn. Trong quá trình xử lý xác bướm, phấn có thể bay ra ngoài và nếu mình hít phải dễ dẫn đến viêm xoang hay các vấn đề khác về mũi. Cho nên, mình cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn khi theo nghề này”, Tấm cho hay.
Tấm làm một số mẫu tiêu bản loài bướm.
Nguyễn Bình Phương Nguyên (năm thứ ba, ngành Xuất nhập khẩu, trường CĐ Kinh tế đối ngoại) lần đầu tiếp xúc với bọ cánh cứng từ những năm cuối THCS. Từ chỗ nuôi bọ sống, cậu chuyển sang thu thập các xác bọ để nghiên cứu và làm tiêu bản.
Bước đầu tiên Nguyên làm sau khi nhận xác bọ cánh cứng là ngâm cồn y tế 70 độ trong khoảng một tiếng đến một ngày; rồi dùng nhíp, kim để định hình các khớp chân trên một miếng xốp và đợi cồn bay hơi. Kế tiếp là phơi khô chúng bằng nắng, gió trời từ 3 - 7 ngày và sau cùng thì bỏ hộp, bảo quản.
Phương Nguyên cùng các mẫu tiêu bản về bọ cánh cứng.
Đối với cậu, điều khó khăn nhất để làm nên một tác phẩm tiêu bản nằm ở việc xử lý xác côn trùng. Một số xác không được ngâm cồn đúng thời điểm nên bị phân hủy nhẹ và có mùi hôi khó chịu, làm tốn nhiều thời gian xử lý. Về nguồn nhập xác bọ cánh cứng, anh chàng 2K1 thường mua từ các thương lái tại Tây Nguyên hoặc nước ngoài, đôi khi còn trao đổi các con bọ mình nuôi chết già.
Nguyên đang sở hữu trong tay bộ sưu tập hơn 1.000 mẫu bọ cánh cứng phong phú. Một sản phẩm bọ cánh cứng được Nguyên cho biết có giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, được các tay chơi nhiếp ảnh hoặc nhà sưu tầm thu mua. Tuy nhiên, Nguyên khẳng định mình sẽ không bán vì bản thân là nhà sưu tầm cũng như nhà nghiên cứu chứ không phải là người kinh doanh.