Những người trẻ sẵn sàng trả góp, vay tiền niềng răng

Nhiều bạn trẻ chấp nhận chi số tiền lớn để niềng răng trong nhiều năm với hy vọng có nụ cười tự tin, khuôn mặt cân đối hơn.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ThS.BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, phân tích những năm gần đây, người dân có xu hướng quan tâm nhiều đến sức khỏe răng miệng. Không chỉ mong muốn có hàm răng trắng, không sâu, nhiều người hiện này còn đi niềng răng để mong muốn có răng đều, đẹp hơn.

Bác sĩ Minh cho hay việc chỉnh nha là phương pháp nắn, chỉnh răng về đúng vị trí, từ đó giúp nụ cười tự tin hơn, đồng thời ngăn ngừa các bệnh nha chu do lệch răng. Hiện nay, niềng răng phổ biến ở nhiều độ tuổi. Rất nhiều người trưởng thành vẫn có thể niềng răng dù đã bỏ lỡ giai đoạn vàng (12 tuổi).

Tri Thức - Znews đã trò chuyện với 3 người trẻ đã và đang chỉnh nha để lắng nghe quan điểm của họ.

Niềng răng suốt 7 năm
Tuyết Anh (22 tuổi, TP.HCM)

 Tuyết Anh phải niềng răng lần hai vì không dám nhổ răng ở lần đầu tiên. Ảnh: NVCC.

Tuyết Anh phải niềng răng lần hai vì không dám nhổ răng ở lần đầu tiên. Ảnh: NVCC.

Tôi bắt đầu làm quen với mắc cài và niềng inox từ năm 15 tuổi, đến nay đã 7 năm.

Năm 2017, thấy răng lệch lạc, lộn xộn và không đều, bố mẹ đưa tôi đến một nha khoa gần nhà để niềng răng. Khi thăm khám, bác sĩ bảo tôi cần nhổ 2 răng để kết quả trông đẹp hơn, nhưng việc này không cần thiết. Thay vào đó, bác sẽ mở rộng hàm trên để "có đất cho răng chạy", không cần nhổ răng gây ảnh hưởng thần kinh như gia đình lo lắng.

Yên tâm niềng răng được hơn một năm, tôi tình cờ được một người họ hàng là giảng viên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thăm khám. Chỉ nhìn qua, bác tôi đã tá hỏa, yêu cầu tôi nhổ 4 răng và niềng lại vì nếu tiếp tục hướng điều trị như hiện tại, răng tôi không những không đẹp hơn mà còn gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng ăn nhai khác.

Đến năm 2018, tôi từ quê nhà ra nha khoa của bác tại Hà Nội để niềng lại răng. Do khoảng cách địa lý rất xa, mỗi lần di chuyển mất 7-8 giờ, tôi chỉ có thể tái khám một lần/tháng. Vì thế, thời gian điều trị của tôi cũng bị giãn ra nhiều hơn so với những "đồng niềng" cùng tình trạng khác.

Đến năm 2020, dịch Covid-19 khiến tôi không thể di chuyển ra Hà Nội tái khám tới nửa năm. Trong thời gian này, vì không được siết, răng tôi bắt đầu chạy dần. Phải đến khi dịch bệnh ổn, tôi mới đi khám và lại mất thêm 3-4 tháng để khắc phục. Việc này khiến tôi tốn thêm một năm nữa cho niềng răng.

Hiện tại, sau 6 năm kể từ lần thứ hai niềng, răng tôi đã đều và đẹp hơn rất nhiều. Dù mất đi chiếc răng khểnh yêu thích và khi cười vẫn còn hơi cấn, tôi đã có thể cười thoải mái, tự tin hơn rất nhiều so với thời gian trước.

Với tôi, bài học rút ra sau 7 năm niềng răng là tuyệt đối phải làm theo chỉ định của bác sĩ và đi tái khám đúng định kỳ. Mọi người không nên quá ngại việc nhổ răng.

Cười nhiều hơn sau khi niềng răng
Tuấn Anh (24 tuổi, TP.HCM)

 Tuấn Anh đeo niềng vì tình trạng lệch khớp cắn khiến anh khó chịu trong nhiều năm. Ảnh: NVCC.

Tuấn Anh đeo niềng vì tình trạng lệch khớp cắn khiến anh khó chịu trong nhiều năm. Ảnh: NVCC.

Trước khi niềng, tôi có một bộ răng khấp khểnh và thường xuyên bị viêm khớp thái dương hàm, rất đau và khó chịu.

Năm 2021, tôi quyết định đi niềng răng với hy vọng thoát khỏi cảm giác này.

Bác sĩ chẩn đoán tôi có khớp cắn ngược, lệch khớp cắn. Cũng giống như các đồng niềng khác, trong tuần đầu tiên, răng của tôi bị siết chặt, không thể cắn hay nhai bất kỳ thức ăn nào. Lúc này, tôi chỉ có thể ăn cháo, súp, thậm chí uống trà sữa không trân châu để có năng lượng.

Tuy nhiên, điều này kéo dài không lâu. Sau một thời gian đeo niềng, răng tôi chỉ khó chịu sau mỗi lần tái khám. Răng cũng vào khuôn rất nhanh và dần dà tôi cũng tự tin hơn và thoải mái sống chung với hàm răng sắt.

Theo chỉ định, tôi chỉ cần niềng răng trong 1,5 tháng đến 2 năm nhưng do dịch Covid-19 ở thời điểm đó, thời gian đeo niềng của tôi bị đội lên thành 3,5 năm với tổng chi phí 32 triệu đồng.

Đầu năm 2024, tôi tháo niềng răng. Vì đeo niềng quá lâu, tôi phải mất đến 3 tháng để làm quen với cảm giác thiếu đi bộ mắc cài trong miệng.

Sau niềng, răng tôi đều hơn, khớp cắn đúng và tình trạng viêm khớp thái dương hàm đã biến mất hoàn toàn. Tôi cười nhiều hơn, tự tin hơn với hàm răng đều của mình. Nhiều người cũng khen tôi trông rạng rỡ và tích cực hơn trước rất nhiều.

Chấp nhận trả góp niềng răng
Ngọc Ánh (25 tuổi, Hà Nội)

Ngay từ những năm cấp 3, tôi đã rất tự ti về bộ nhá lệch lạc, khấp khểnh của mình. Nhìn các bạn niềng răng xong lên hương nhan sắc, tôi mê lắm.

Ở thời điểm đó, tôi có đi khám răng nhưng bác sĩ bảo phải nhổ mấy cái, tôi sợ nên tạm dẹp ý định niềng răng.

Mãi đến khi lên năm 3 đại học, tôi mới đủ quyết tâm nhổ răng và đeo niềng như một món quà dành tặng sinh nhật tuổi 21.

Trong nửa năm đầu khi niềng răng, tôi stress vì vừa không ăn được gì, vừa tự ti vì "xấu đau xấu đớn".

Ở thời điểm đó, tôi phải nhổ 4 răng, hàm răng có 4 lỗ hổng lớn khiến tôi tự ti hơn cả trước đây, khi răng vừa hô vừa khấp khểnh. Bên cạnh đó, việc gần như không thể ăn được gì, giảm 3 kg ngay trong tháng đầu tiên khiến tôi hốt hoảng vì người trông teo tóp, mặt hóp lại rất thiếu sức sống.

Sau khi quen với việc niềng răng, tôi cũng ăn uống bình thường trở lại, tình trạng gầy gò trước đó cũng đã giảm đi rất nhiều, gương mặt tôi cũng dần xuất hiện những sự thay đổi tích cực. Hàm răng đều, góc nghiêng lộ ra khiến tôi thoải mái hơn trong giao tiếp hàng ngày.

Tôi niềng răng trong vòng 2,5 năm với tổng chi phí 27 triệu. Tôi quyết định trả góp trong 2 năm với 6 đợt. Với tôi, đây là cách yêu cầu nha khoa có trách nhiệm hơn trong điều trị.

Theo tôi, nếu không gặp tình trạng quá nặng, khớp cắn lệch quá nặng, mọi người nên cân nhắc kỹ trước khi niềng răng vì sau niềng có thể mặt sẽ hóp lại, khiến ngoại hình của bạn có thể không được như mong muốn.

Ngoài ra, trước khi niềng răng, mọi người cũng nên tìm địa chỉ uy tín, có đánh giá tốt. Niềng răng ở nơi không đảm bảo có thể khiến tình trạng tệ hơn và rất khó sửa.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-tre-san-sang-tra-gop-vay-tien-nieng-rang-post1453654.html