Những người trên thế giới không được thông tin về đại dịch COVID-19

Thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra có thể ảnh hưởng tới tinh thần của các thủy thủ đang làm nhiệm vụ trong các tàu ngầm đạn đạo bí mật dưới biển.

Trung tâm điều hành và định vị trong tàu ngầm hạt nhân Pháp. Ảnh: AP

Trung tâm điều hành và định vị trong tàu ngầm hạt nhân Pháp. Ảnh: AP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhóm thủy thủ phục vụ trong tàu ngầm hạt nhân có lẽ là một trong số ít người trên thế giới không hề hay biết về tình hình dịch bệnh đang khiến cuộc sống trên thế giới đảo lộn.

“Họ sẽ không biết. Những chàng trai đó cần phải hoàn toàn tập trung cho nhiệm vụ”, Đô đốc nghỉ hưu Dominique Salles – người từng giữ chức chỉ huy hạm đội tàu ngầm đạn đạo Pháp từ năm 2003 đến năm 2006 – trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin AP.

Ông Salles cho biết những thủy thủ này sẽ chỉ được thông báo về đại dịch khi họ trở về cảng, hai ngày trước khi kết thúc nhiệm vụ.

“Những người ở trên biển không cần biết đến thông tin này. Tôi nghĩ rằng đến chính chỉ huy cũng không hề nghi ngờ gì về chuyện đang xảy ra và không biết rõ chi tiết về sự việc”, Đô đốc Salles bày tỏ.

Trước khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 17/3, bốn tàu ngầm của quốc gia này mang theo 16 tên lửa, mỗi quả có khả năng chứa 6 đầu đạn hạt nhân, đã rời cảng.

“Vì các tàu ngầm bắt đầu làm nhiệm vụ và được bảo mật, nên không thể biết được những thủy thủ trên đó có được thông báo về tình hình dịch bệnh hay không”, người phát ngôn Hải quân Pháp Thiếu tá Olivier Ribard cho hay.

Thời gian tàu ngầm Pháp thực hiện nhiệm vụ bí mật thường kéo dài từ 60 đến 70 ngày, với khoảng 110 thủy thủ phục vụ trên tàu. Nếu như tàu ngầm rời cảng từ cuối tháng Hai thì phải đến cuối tháng Tư, tàu mới quay trở về. Cho đến thời điểm đó, có lẽ thế giới đã thay đổi rất nhiều vì dịch bệnh. Ngày 1/3, Pháp mới chỉ ghi nhận 130 ca mắc COVID-19 và 2 người tử vong. Chỉ trong vòng một tháng, dịch bệnh diễn biến một cách phức tạp, khiến số ca mắc tăng mạnh tại quốc gia châu Âu lên tới 40.000 người và số ca tử vong vượt quá 2.600 người.

Với hầu hết bệnh nhân, virus SARS-CoV-2 gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc vừa, cụ thể như sốt và ho sẽ hết sau 2 đến 3 tuần. Nhưng với một số người, đặc biệt là nhóm đối tượng lớn tuổi hoặc có sẵn các bệnh lý mãn tính nền, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn như bị viêm phổi và dẫn tới tử vong.

Khi không được biết về tình hình dịch bệnh trong hai tháng, các thủy thủ được cho là sẽ đón nhận một cú sốc khi quay trở lại đất liền.

“Họ không trải qua khủng hoảng như chúng tôi trải qua, một chút sợ hãi, sống trong lệnh phong tỏa. Chính vì vậy, khi về đất liền, họ sẽ bị bất ngờ. Những thông tin được cho là ảnh hưởng hoặc làm thay đổi tinh thần của các thủy thủ sẽ bị giấu kín. Vì không có Internet, không có sóng vô tuyến và TV trên tàu, tin tức mà thủy thủ nhận được là thông qua chỉ huy. Chỉ huy cũng sẽ chọn lọc thông tin để cung cấp cho các thành viên trên tàu”, bác sĩ Gabriel, từng phụ trách chăm sóc y tế trên tàu ngầm đạn đạo Le Triomphant 4 năm, chia sẻ.

Năm 2012, vị bác sĩ này làm nhiệm vụ mật sâu dưới lòng đại dương vào thời điểm một tay khủng bố cực đoan Hồi giáo giết hại 3 lính nhảy dù Pháp và sau đó là một giáo sĩ cùng ba đứa con của ông. Mãi sau khi trở về đất liền, Gabriel mới biết về vụ tấn công: “Khi mọi người nói với tôi về chuyện đó, tôi nghĩ không thể tưởng tượng nổi”.

“Nơi duy nhất trên Trái Đất này mà bạn bị tách biệt hoàn toàn khỏi thông tin thế giới là dưới nước, vì ở trên tàu vũ trụ, các phi hành gia vẫn có sóng vô tuyến, TV và Internet”, bác sĩ Gabriel cho hay.

Tàu ngầm hạt nhân Pháp Le Vigilant. Ảnh: AP

Tàu ngầm hạt nhân Pháp Le Vigilant. Ảnh: AP

Khi xảy ra vụ đánh bom xe lửa tại Madrid năm 2004, Salles đã không thông báo cho các thành viên trong tàu ngầm về vụ tấn công. Đô đốc Salles cho biết tình hình hiện nay sẽ là khó khăn nhất đối với thủy thủ nào sắp khởi hành trong những tuần tới, bởi vì họ biết rằng họ đang rời bỏ những người thân yêu giữa đại dịch. Chính phủ Pháp vừa thông báo sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến hết ngày 15/4 và có thể lặp lại lệnh nếu như diễn biến trở nên phức tạp hơn.

Salles cho biết ông tin các thủy thủ làm nhiệm vụ sắp tới sẽ được cập nhật về tin tức COVID-19 thường xuyên, song họ sẽ không được thông báo khi có người thân qua đời cho đến khi quay trở lại căn cứ tàu ngầm l’Ile Longue ở Brittany. Cha của Salles qua đời khi ông đang làm nhiệm vụ, và ông chỉ biết tin buồn này khi hoàn thành nhiệm vụ 60 ngày dưới biển.

“Dù cho sự kiện có nghiêm trọng như thế nào đi chăng nữa, một thủy thủ tàu ngầm cũng không thể làm gì. Và vì không thể làm gì, tốt hơn là anh ấy không nên biết về nó. Họ biết rằng họ sẽ không được báo và chấp nhận việc đó. Đó là một phần của thỏa thuận”, Đô đốc Salles ngậm ngùi.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-nguoi-tren-the-gioi-khong-duoc-thong-tin-ve-dai-dich-covid19-20200330204813136.htm