Những người truyền cảm hứng ở Bản Ba

Du lịch cộng đồng homestay đã và đang là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn, nhất là các xã vùng cao. Mỗi nơi đều có cách làm khác nhau nhưng câu chuyện làm homestay ở Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) thực sự tạo ấn tượng vì sự khác biệt và độc đáo. Ở đó, có lớp người già với cách làm trẻ, có lớp người trẻ với cách làm sáng tạo không chỉ đánh thức tiềm năng du lịch Bản Ba mà còn lan tỏa tinh thần làm du lịch đến bà con khắp thôn, xã.

Người già với cách làm trẻ

Ông Hùng youtuber - đó là ví von của nhiều người thôn Bản Ba 1 về cách làm du lịch đầy trẻ trung của một người đàn ông đã ngoài 70 xuân. Ông Ma Công Hùng không làm youtuber chuyên nghiệp nhưng khát khao làm du lịch luôn cháy bỏng trong ông. Vì vậy hễ đến đâu, thấy cái gì hay ông đều dùng smartphone quay lại, ghi lại một cách có chủ đích. Và khi homestay Thuôn Chang của gia đình ông khai trương, ai nấy đều giật mình: Mọi bước đi, cách làm đã được ông định sẵn và giờ là lúc bung ra. Ấy là hàng trăm clip về du lịch homestay ở những nơi ông từng đặt chân đến như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai hay cả Tây Nguyên xa xôi đều được ông gói ghém cẩn thận trong chiếc điện thoại. Mỗi nơi một cách hay và ông bảo cái gì vận dụng được sẽ vận dụng, cái gì cần rút kinh nghiệm thì rút kinh nghiệm.

Homestay thôn Bản Ba 1 thu hút du khách.

Homestay thôn Bản Ba 1 thu hút du khách.

Thế rồi, từ nếp nhà sàn, đến khuôn viên xung quanh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách đều được ông tính toán bài bản. Lúc rảnh, ông lại lọ mọ với rừng, với núi, với những thác nước, hang động của Bản Ba để thu lại trong chiếc smartphone. Để khi có đoàn khách ghé thăm, ai có nhã hứng ông mở clip du lịch cho họ xem, nếu ai thích “phượt”, ông sẵn sàng làm hướng dẫn viên miễn phí. Ông bảo, thế mới níu được chân du khách. Níu được khách thêm một ngày là có thêm một đồng. Đó đã là thành công. Hiện cơ sở homestay của gia đình ông với sức chứa khoảng 50 người trung bình mỗi tháng đón khoảng 15 lượt khách. Nguồn thu tuy chưa thực sự lớn nhưng quan trọng hơn là đã góp phần giới thiệu, quảng bá về du lịch homestay địa phương, đặc biệt là tiềm năng du lịch Bản Ba.

Không làm youtuber như ông Hùng nhưng ông Ma Công Sự, chủ cơ sở homestay Phiêng Khàng, thôn Bản Ba 1 cũng có cách làm trẻ kết hợp với kinh nghiệm của người am hiểu văn hóa địa phương. Quan sát thấy khách đến homestay đều hứng thú với văn hóa Tày, vậy là ông bảo con cháu nhất định phải chuẩn bị sẵn vài bộ quần áo dân tộc, rồi sưu tầm đàn Tính, luyện tập văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Ông chia sẻ, đến với homestay là du khách muốn trải nghiệm nét văn hóa riêng của vùng quê nơi đó. Vậy đặc trưng của Bản Ba, ngoài du lịch là không cần bàn cãi thì bản sắc văn hóa Tày, Dao cũng cần khôi phục, gìn giữ, nhất là di sản Then, Páo dung, để giai điệu thần tiên ấy mang khách đến với bản làng và cũng lưu truyền mãi trong nhân gian.

Ông Sự còn sưu tầm những tích truyện cổ gắn với Danh thắng thác Bản Ba. Để rồi, khi men rượu đã mềm môi, bên bếp lửa nhà sàn, ông lại thủ thỉ tâm tình với các bạn trẻ về chuyện tình thơ mộng của nàng Ban đã làm nên huyền thoại thác Bản Ba.

Truyền cảm hứng

Cách làm du lịch của những người như ông Hùng, ông Sự không chỉ tạo sức hút với du khách mà còn truyền cảm hứng làm du lịch cho con cháu trong gia đình và những người dân trong thôn. Giờ cháu gái ông Ma Công Hùng là Ma Thị Bích Lợi vừa hết cấp ba đã nói tiếng Anh thành thạo. Gặp em chỉ vài phút, nhưng vẻ “Tây” của em khiến bao du khách điêu đứng. Không chỉ nói tiếng Anh như gió, em còn biết hát Then, đánh đàn Tính và khá am hiểu về văn hóa địa phương. Nói rồi em liền ngân vang điệu Then say đắm, du dương nghe như tiếng nhạc của núi rừng khiến ai nấy đều bất ngờ, xúc động. Em Lợi bày tỏ, em dự định sẽ học thêm về nghiệp vụ du lịch để có thể làm hướng dẫn viên, cách tổ chức du lịch cộng đồng…, từ đó hướng đến cách làm du lịch bài bản.

Homestay Phiêng Khàng luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Homestay Phiêng Khàng luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Du lịch ở Bản Ba đang nảy mầm từ chính những người tâm huyết như ông Công, ông Hùng hay em Lợi - đó là khẳng định của đồng chí Chư Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà. đồng chí Dũng cũng là một người trẻ, trưởng thành từ cán bộ Đoàn. Anh từng dẫn nhiều đoàn khách tham quan thác Bản Ba và anh luôn trăn trở làm sao để khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về du lịch để người dân trong xã tăng thu nhập. Vì vậy, sau khi UBND xã tổ chức các đoàn tham quan làm du lịch homestay ở Hòa Bình, Hà Giang hay một số địa phương của huyện Na Hang, Lâm Bình, anh đã động viên các gia đình làm du lịch homestay. Và hai ngôi nhà sàn homestay ở thôn Bản Ba 1 được khai trương ngay dưới chân Danh thắng Quốc gia thác Bản Ba là khởi đầu cho hướng phát triển du lịch của xã.

Homestay Bản Ba ra đời trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Đây như một phép thử để khẳng định sức hút của homestay. Theo thống kê chưa đầy đủ của xã, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, trung bình mỗi tháng homestay đón khoảng 15 - 20 lượt khách. Con số không nhiều nhưng cũng đủ để du khách gần xa biết rằng Bản Ba đã có homestay. Từ đây, những hình ảnh homestay Bản Ba cứ thế lan truyền theo cách riêng, để rồi người tìm đến Bản Ba tăng dần theo thời gian.

Sự thành công của homestay Bản Ba 1 đã khiến những cán bộ xã như anh Dũng thấy mình cần phải làm gì đó để homestay lan tỏa trong đời sống bà con. Vì thế, trong mỗi chuyến thực tế ở cơ sở, anh không quên kết hợp tìm hiểu về văn hóa địa phương, nếp nhà của người dân, để xem nơi nào có thể làm homestay. Qua khảo sát anh nhận thấy đồng bào Dao Tiền ở thôn Phiềng Ly còn giữ được những căn nhà trình tường truyền thống. Bà con đều mong muốn xây dựng làng du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc của người Dao Tiền chính tại nơi đây. Tuy làm bài bản thì cần nhiều thời gian, nhưng ít nhất, đây cũng là một cách làm phong phú thêm cho loại hình du lịch homestay ở Bản Ba.

Cùng với Phiềng Ly thì thôn Bản Ba 2 chính là địa điểm lý tưởng có thể làm homestay. Bản Ba 2 có 113 hộ dân sinh sống, gần 70% là đồng bào Dao Đỏ sinh sống. Cái hay của thôn là còn giữ được những nét văn hóa của đồng bào Dao như trang phục truyền thống, giữ nghề thêu quần áo dân tộc và những bài thuốc quý của dân tộc như thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh; thuốc chữa các bệnh về xương khớp, thuốc bổ…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nông Quý Thọ, người uy tín của thôn Bản Ba 2 chia sẻ, du lịch homestay với bà con người Dao vẫn còn là vấn đề mới mẻ. Nhưng sự thành công bước đầu ở homestay Bản Ba 1 đã khơi dậy ý thức làm du lịch cho người dân nơi đây. Tuy chưa cải tạo được những căn nhà để làm homestay nhưng người dân lại duy trì nghề truyền thống thêu, dệt để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Có người đã sống được từ nghề thêu, làm trang phục truyền thống của người Dao Đỏ như gia đình anh chị Nông Quý Héng - La Thị Chạn. Cứ vào các buổi chợ phiên của các địa phương trong tỉnh như Yên Hoa, Đà Vị (Na Hang); Trung Minh, Hùng Lợi, Đạo Viện (Yên Sơn); Phúc Sơn (Chiêm Hóa)... anh chị lại mang quần áo dân tộc Dao đỏ đến bán. Lúc nhiều được khoảng 10 bộ, ít thì 1 - 2 bộ. Mỗi bộ dao động từ 5 - 7 triệu đồng, có bộ lên tới 10 triệu đồng như quần áo cô dâu, trang phục thầy cúng. Anh tin tưởng, bản sắc văn hóa truyền thống được gửi gắm qua trang phục truyền thống, qua làn điệu dân ca dân vũ sẽ là đại sứ du lịch để Bản Ba níu chân du khách.

Liên kết làm du lịch, khơi dậy sức mạnh cộng đồng, khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi bản làng là cách làm du lịch mà xã Trung Hà đã, đang thực hiện và từng bước phát huy hiệu quả. Cách làm ấy được thổi bùng lên bởi sự nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của những con người đầy đam mê và sáng tạo, khiến cánh cửa làm du lịch ngày càng rộng mở và ngời sáng với Bản Ba.

Phóng sự: Chúc Huyền

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-truyen-cam-hung-o-ban-ba-139544.html