Những người 'vác tù và hàng tổng'

Ở Bình Dương, anh Đặng Văn Phúc (làm nghề xe ôm) và anh Nguyễn Văn Quy (làm công nhân) hằng ngày tình nguyện đến các ngã tư điều tiết, hướng dẫn người dân lưu thông.

Tan ca, ra đường điều tiết giao thông

Ở khu vực ngã 6 phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, người đi đường quen với hình ảnh một chàng trai tay cầm gậy, đầu đội nón bảo hiểm xuất hiện vào giờ cao điểm để điều tiết giao thông. Ít ai biết rằng người làm thay công việc của cảnh sát giao thông ấy là công nhân tên Nguyễn Văn Quy (32 tuổi, quê An Giang). Anh Quy đang làm công nhân tại một Cty sơn đóng trên địa bàn thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau khi tan ca thay vì nghỉ ngơi lấy lại sức, anh Quy lại dành thời gian để ra đường điều tiết giao thông, góp phần chống ùn tắc cục bộ ở khu vực đông công nhân đi lại.

“Tôi đến Bình Dương được khoảng 5 năm nay. Hằng ngày đi làm chứng kiến cảnh nhiều đoạn đường ùn tắc vào giờ cao điểm, tôi thấy rất mệt mỏi. Nhiều lần tôi và đồng nghiệp bị trễ giờ làm. Một lần, đường ùn ứ do đèn tín hiệu không hoạt động ở khu vực ngã 6 An Phú, tôi tấp xe vào lề đường rồi chạy ra điều tiết, từ đó thành quen”, anh Quy nhớ lại.

Anh Nguyễn Văn Quy (ảnh trên), anh Đặng Văn Phúc điều tiết giao thông ảnh: H.C

Anh Nguyễn Văn Quy (ảnh trên), anh Đặng Văn Phúc điều tiết giao thông ảnh: H.C

Theo lời anh Quy, anh đã ra khu vực ngã 6 An Phú điều tiết giao thông từ 4 năm trước nhưng hơn 1 năm trở lại đây thì tần suất có mặt ở đây nhiều hơn. Sáng, trưa, chiều, trước giờ đến Cty và sau giờ tan ca, anh Quy đều tranh thủ thời gian chạy ra khu vực này.

“Kể từ khi có sự xuất hiện của anh Quy, khu vực ngã 6 An Phú ít thấy cảnh ùn ứ cục bộ. Hành động của anh Quy tưởng nhỏ nhưng ít người làm được.. Chúng tôi thường gọi anh ấy là “Quy giải cứu giao thông”, ông Nguyễn Đức Tuấn (ngụ phường An Phú, thành phố Thuận An, Bình Dương) nói.

“Gánh mệt nhọc đổi an nhiên”

Ở thành phố Dĩ An cũng có một tài xế xe ôm truyền thống tình nguyện tham gia điều tiết giao thông. Đó là anh Đặng Văn Phúc (45 tuổi, quê Thanh Hóa).

Điểm đón khách mỗi ngày của anh Phúc tại ngã tư 550, đường ĐT 743. Đây là địa bàn vùng giáp ranh giữa thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An, đặc biệt gần khu công nghiệp Sóng Thần nên giao thông phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Vào giờ cao điểm, buổi sáng từ 6h đến 7h30, buổi chiều từ 16h đến 18h30, khu vực ngã tư 550 thường xuyên xảy ra kẹt xe.

“Ngồi ở góc ngã tư chờ khách, tôi chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên. Mặc dù có đèn tín hiệu nhưng một số phương tiện tham gia giao thông không chấp hành, lấn làn, cố vượt dẫn đến ùn tắc. Do thông thạo đường nên tôi hướng dẫn các phương tiện đi vào lối khác, đồng thời chặn người điều khiển xe cố vượt để tránh ùn ứ”, anh Phúc cho biết.

Chia sẻ về lý do làm thay công việc của cảnh sát giao thông, anh Phúc chỉ nói ngắn gọn “gánh chút mệt nhọc mua an nhiên”.

Được biết, ngoài việc điều tiết giao thông, anh Đặng Văn Phúc còn chở xà bần trám các điểm có ổ gà trên đường vì sợ người đi xe máy té ngã do chưa quen đường.

HƯƠNG CHI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-nguoi-vac-tu-va-hang-tong-post1444114.tpo