Những người vận chuyển F0
Trong nửa năm đại dịch Covid-19 tấn công TP.HCM, bóng dáng các tài xế xuất hiện ở mọi giai đoạn, mọi điểm nóng. Nếu không có họ, cuộc chiến này có thể sẽ rất khác.
Sáng 30/1, Thành ủy TP.HCM đã họp mặt các cá nhân, đơn vị tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19. Họ là những người lặng lẽ góp sức trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh.
Anh Trần Công Lộc, Tài xế Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM không thể giấu cảm xúc mỗi lần nhắc về Covid-19. Ngay từ đầu dịch, anh Lộc đã giấu vợ lên đường. Khi xa nhà rồi, anh mới lo lắng đủ điều cho người thân vì chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh.
Lần đón F0 đầu tiên, anh Lộc rất căng thẳng vì khi đó chưa ai hiểu về Covid-19. Nhưng nếu không chuyển bệnh, chắc chắn bệnh nhân sẽ chết. Dẹp bỏ sự chần chừ, anh nghĩ người bệnh cũng như người thân của mình và nhanh chóng lao vào, đưa họ đến bệnh viện.
“Xe đến bệnh viện kịp lúc, bệnh nhân được thở oxy và vượt qua Covid-19. Sau lần đó, tôi cũng không e dè nữa mà nghĩ làm sao để tìm bệnh viện nhanh nhất có thể.
Đến lúc này tôi cũng không nhớ mình đã vận chuyển bao nhiêu F0, cứ có điện thoại, bằng mọi cách mình phải cứu người”.
Một thời gian sau, chuyện không mong chờ nhất cũng xảy ra. Giữa đêm, điện thoại anh đổ chuông, người thân của anh trở thành F0. Anh Lực biết rõ Covid-19 đang bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt, anh đã chứng kiến biết bao bệnh nhân không may tử vong.
“Lúc đó, tâm trạng tôi không được ổn định, nhưng nhờ anh em, đồng đội động viên để vững vàng vượt qua. Đi đến ngày hôm nay, chúng tôi đã thật sự sát cánh cùng nhau, đó là khoảng thời gian không thể nào quên được”, anh Lộc chia sẻ.
Đồng hành cùng nhiều chuyến xe cấp cứu F0 là anh anh Lê Tấn Sang - Sinh viên năm thứ 4, ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Sau khi được huấn luyện, anh cùng các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 lên đường chuyển bệnh.
Đến giờ, anh vẫn không thể quên một nữ bệnh nhân không may chuyển nặng tại nhà. Khi các y bác sĩ đến, SpO2 của bà chỉ khoảng 80. Tuy nhiên, bà vẫn có thể tự thay đồ, đi vệ sinh và tự đi ra xe. Thậm chí, bệnh nhân còn nhắc các con mang tiền theo để đi chữa bệnh.
“Theo nguyên tắc, chúng tôi phải đưa bà đến bệnh viện gần nhất, nhưng hầu như bệnh viện nào cũng quá tải. Chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi liên tục đi tìm bệnh viện và đợi Trung tâm điều phối 115 tìm bệnh viện khác phù hợp.
Lúc đó khoảng 10h sáng, người bệnh được thở oxy. Chờ đến hơn 14h, bà rơi vào tình trạng không ổn, chúng tôi quyết định tự đưa bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu”, anh Sang nhớ lại.
Bệnh viện ngay lập tức tiếp nhận nhưng sức khỏe của bệnh nhân đã rất xấu.
“Đến sáng hôm sau, con gái bà nhắn cho tôi một tin nhắn rất dài để cám ơn, nhưng cuối tin chị nói mẹ của chị đã qua đời.
Bản thân không giúp được gì người bệnh nhưng nhận lại sự cảm kích quá lớn, tôi rất áy náy. Cũng từ đó, tôi dặn lòng phải cố gắng cứu càng nhiều bệnh nhân càng tốt”, anh Sang nói.
Công việc lái xe cứu thương rất đặc thù, áp lực rất lớn. Có giai đoạn, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, các tuyến đường chỉ toàn xe cấp cứu, xe chuyển F0. F0 là người già, người trẻ, thậm chí là trẻ sơ sinh.
Không ít lần, các anh nhận phải phản ứng nặng nề của người nhà và bệnh nhân khi xe không đến kịp, quá tải. Thế nhưng mỗi một F0 được cứu sống, kịp đến bệnh viện, là mỗi lần các anh được tiếp thêm năng lượng.
Trong cuộc chiến sinh tử từ tháng 6 đến tháng 10/2021, trung bình mỗi ngày có 4.000 cuộc gọi cấp cứu đến Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, gấp hơn 30 lần ngày thường. Ngoài lực lượng lái xe cấp cứu của Trung tâm 115, các bệnh viện, còn có sự góp sức không mệt mỏi của các tài xế xe taxi, các tổ chức cá nhân thiện nguyện trong vận chuyển F0.
Đến nay, TP.HCM đã chuyển sang một giai đoạn mới, bình an hơn, không thể quên những người lặng lẽ ngày đêm, nối dài cơ hội sống cho người bệnh Covid-19.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhung-nguoi-van-chuyen-f0-812851.html