20 năm nay, anh Nguyễn Văn Thêm (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) đảm nhiệm việc cung cấp cỏ cho voi, ngựa của rạp xiếc Trung ương. Mùng 1 Tết, một chú voi chuẩn bị lên đường đi lưu diễn ở Đồng Nai nên anh lại phải cắt cỏ nhiều hơn. Trời mưa và lạnh nhưng anh Thêm đã quen với việc này. “Mình ăn Tết, voi cũng phải ăn Tết”, anh chia sẻ.
Một chị lao công giấu tên của công ty Vệ sinh Môi trường Thăng Long đang lầm lũi dọn những đống rác trên đường Nguyễn An Ninh. Chị cho biết lượng rác càng lúc càng nhiều mà lương thì mãi vẫn ở mức 4,8 triệu đồng. Vì thế, nhiều người đã nản mà bỏ nghề. Mùng 1 Tết, chị rất buồn khi vẫn phải đầu tắt mặt tối dọn rác đến 16h chứ không được đi thăm họ hàng. Chị chỉ mong mọi người vứt rác đúng chỗ, đừng rải bừa bãi ra vệ đường để công việc bớt vất vả.
Anh Lê Văn Hải (Quê Lý Nhân, Hà Nam) đứng trú mưa cả tiếng đồng hồ dưới mái hiên một ngôi nhà ở phố bích họa Phùng Hưng. Anh cho biết năm nay thời tiết xấu, người dân không đi chơi nên buôn bán ế ẩm. Mọi năm, anh có thể bán đến mùng 10 Tết. Nhưng năm nay, anh dự tính sẽ về quê vào ngày mùng 2 Tết dù vẫn chưa hoàn được một nửa vốn.
Chị Lê Duyên Hải mở quán trà đá từ 9h. Chị cho biết đã dậy sớm thắp hương gia tiên và đi chùa. Sau đó, chị mở quán để hàng xóm có chỗ ngồi uống nước, nói chuyện. Với chị, Tết chỉ vui vì có khách, có người.
Vừa mới nhấp một ngụm trà nóng, anh Dương Minh Thắng vội vàng bỏ dở khi có người đặt xe. Anh Thắng cho biết ngày Tết ít tài xế nên rất đông khách nhưng phải đón xa hơn mọi khi. Với anh, niềm vui năm mới là nghe tiếng “nổ cuốc” đều đều.
Dịp Tết này, anh Nguyễn Quang Hùng, lái xe buýt tuyến 47B, chỉ nghỉ đúng ngày mùng 2. Anh không cảm thấy buồn vì cho rằng đó là công việc mà mình đã lựa chọn. Ngày Tết, khách vắng nhưng đường cũng vắng nên việc lái xe của anh đỡ vất vả hơn.
Nhân viên đã về hết, quán trà sữa trên đường Trần Đại Nghĩa chỉ còn mình ông Vũ Văn Công trông nom. Ông thấy hơi buồn khi phải xa gia đình nhưng vẫn ở lại vì trách nhiệm.
Bà Nhạc, 75 tuổi, vẫn mở hàng tiệm tạp hóa nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Bà cho biết, ngày trẻ bà còn bán xuyên Tết. Nay có tuổi nên bà chỉ mở một thời gian trong khi chờ thắp hương. Bà không mong bán được nhiều hàng, chỉ mong có người đến, người đi cho đỡ buồn.
Cho thuê nhà làm quán bún riêu hơn 20 năm, trong mấy ngày Tết, khi chủ quán nghỉ thì chị Ánh mở hàng để giữ lượng khách quen. Các nguyên liệu vẫn nhập từ mối cũ. Mấy ngày nắng ráo, khách đông, chị làm không xuể. Nhưng mùng 1 Tết trời mưa, khách vắng, chị cũng thấy hơi buồn nhưng coi như là một ngày thảnh thơi hơn sau nhiều ngày vất vả.
Việt Hùng