Những người vinh dự được gặp Bác Hồ

Đại tá Đặng Phi Thưởng (thứ hai từ phải qua) cùng đoàn Anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ giải phóng chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng (thứ tư từ phải qua) năm 1968. Ảnh do nhân vật cung cấp

Với mỗi người, dù chỉ một lần được gặp Bác, nghe giọng nói của Bác, được Người động viên, chỉ bảo… là niềm tự hào, vinh dự lớn lao, suốt đời không thể nào quên.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; ông Trần Doãn Phu, cựu thanh niên xung phong và ông Cao Văn Thử, nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên vẫn còn nhớ như in những giờ phút vinh dự được gặp người Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc.

Khắc ghi giây phút được gặp Bác

Ở cái tuổi 87, gần 13 năm bị bệnh hiểm nghèo, dần quên nhiều chuyện, nhưng những hồi ức về lần gặp Bác Hồ vẫn in sâu trong tâm trí ông Trần Doãn Phu. Ông kể lại với niềm tự hào suốt bao năm tháng: “Tháng 7/1957, chúng tôi đang làm nhiệm vụ ở Sư đoàn 324 thì nhận lệnh cấp trên ăn mặc đẹp để tập trung lên xe mà không biết là đi đón Bác. Khi đến nơi, trung đoàn trưởng cho biết hôm nay đơn vị vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Chúng tôi vô cùng vui sướng và hồi hộp. Bác xuất hiện với mái tóc trắng như ông tiên (lúc này Bác Hồ đã 64 tuổi). Bộ đội hô vang: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Rồi Bác từ dưới đi lên vòng quanh từng đơn vị. Sau đó, Bác tiến đến chỗ khán đài, leo lên một bậc, còn bậc nữa là đến bục nói chuyện thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh bồng Bác lên luôn. Bác cười khà khà nói: Chú làm tôi bất ngờ. Cả hội trường cùng cười theo”.

Ông Phu kể tiếp: Bác nói chuyện và xưng hô Bác cháu chứ không phải là đồng chí. Lần đầu tiên được gặp mặt, tôi thấy Bác đôn hậu, hiền từ, gần gũi như người ông gặp các cháu. Sau đó, đồng chí Y Blốc, Trung đoàn trưởng 120, đến tặng Bác cặp ngà voi. Bác cười, xắn tay áo lên và nói hồi Bác còn ở bên Pháp, dân tộc Pháp họ kiêng tặng cái này vì tặng cái này chỉ húc với đánh nhau. Nhưng các chú tặng cho Bác thì Bác rất quý. Bác sẽ dùng để làm quà trao lại cho các đơn vị có thành tích thi đua trong học tập, quân sự… Tất cả bộ đội vỗ tay. Bác cũng vỗ tay, cười tươi. Bác biểu dương thành tích chiến đấu anh dũng trong chiến dịch Át-Lăng của Liên khu 5. Rồi Bác nhìn xuống thấy đội nữ trong đoàn văn công của sư đoàn ngồi trước, Bác hỏi: Các cháu ra ngoài này ăn có no không? Các cô trả lời: Dạ no ạ! Bác nói: Chưa đâu, mình còn khổ lắm các cháu à. Dân còn khổ, bộ đội còn khổ lắm. Rồi Bác bảo các cháu học tập quân sự nhưng phải tranh thủ giúp dân. Đáng lẽ năm 1956, nước nhà thống nhất theo Hiệp định Geneve đã ký kết nhưng Mỹ lật lọng, không thực hiện hiệp định nên để thống nhất đất nước, nhiệm vụ của chúng ta còn nặng nề. “Dù chỉ được gặp Bác khoảng 30 phút, nghe Bác nói chuyện và căn dặn, chỉ bảo một số điều, nhưng với tôi đây là khoảng thời gian vô giá. Tôi vẫn luôn ghi khắc trong lòng không lúc nào quên”, ông Phu trải lòng.

Ông Cao Văn Thử luôn trân quý những hình ảnh về Bác Hồ. Ảnh: THU HẰNG

Ông Cao Văn Thử luôn trân quý những hình ảnh về Bác Hồ. Ảnh: THU HẰNG

Ra sức học tập để phục vụ đất nước

Đại tá Đặng Phi Thưởng hồi tưởng: “Năm 1968, tôi mới 21 tuổi, là Dũng sĩ diệt Mỹ cùng hai đồng chí ở Phú Yên nữa là nhà thơ Liên Nam (quê Bình Kiến, TP Tuy Hòa) và Trình Quang Phú (phóng viên Thông tấn xã giải phóng ở mặt trận Khe Sanh) cùng với Đoàn Văn công giải phóng miền Nam đi suốt ba tháng trời mới ra tới Hà Nội. Khi gặp, Bác hỏi các cháu ở miền Nam ra sức khỏe như thế nào? Các cháu ra đây mục đích vẫn là học tập. Sau khi tốt nghiệp, các cháu có thể làm việc ở miền Bắc hoặc quay lại phục vụ chiến trường miền Nam. Dù bất cứ công việc gì thì cũng phải nỗ lực và phấn đấu làm việc tốt. Trong tình hình cả nước đang chiến đấu để giành độc lập, tự do thì các cháu cần nỗ lực hơn. Bây giờ ra đây có điều kiện hơn, các cháu phải cố gắng học tập để nâng cao nghiệp vụ, trình độ của mình và sẵn sàng cống hiến trong giai đoạn lịch sử mới. Các cháu mà làm tốt việc đó thì Đảng, Tổ quốc, nhân dân kể cả miền Bắc cũng như miền Nam rất phấn khởi. Bác dặn dò mấy việc như thế, cả sân trường chúng tôi ai nấy đều xúc động”.

Lần gặp Bác Hồ lần thứ hai vào năm 1969, lúc này ông Thưởng đang học sĩ quan tại Trường Sĩ quan Lục quân (Sơn Tây, Hà Nội). “Đó là lúc Bác ra đi vĩnh viễn. Trường cử đoàn đi viếng Bác khoảng 50 người, trong đó có tôi. Sau lễ viếng Bác, tôi xin được tấm hình chụp từng đoàn vào viếng Bác, giữ cho đến bây giờ và vẫn luôn treo tại phòng thờ cúng của gia đình”, ông Thưởng bùi ngùi nhớ lại và xúc động đọc mấy vần thơ: “… Ở hội trường Quốc hội lần sau gặp Bác/ Bác vẫn ở nơi đây nhưng Bác đã đi rồi/ Cháu đi qua chỉ nhìn và khóc”.

Ngày 10/2/1955, ông Cao Văn Thử tập kết ra Bắc và gia nhập vào đơn vị Thanh niên xung phong 362 của trung ương do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng, tham gia xây dựng đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Tháng 3/1955-4/1956, đoạn đường hoàn thành, ông chuyển vào phục vụ xây dựng Nhà máy Chè Phú Thọ. Đến ngày 6/10/1956, có tin tất cả học sinh miền Nam kể cả thanh niên xung phong, bộ đội ở miền Trung và Nam Bộ đến gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Ông Thử kể lại: “Xe chở vào Phủ Chủ tịch, chúng tôi được đưa vào ngồi ở những hàng ghế đã xếp sẵn. Bác Hồ và Bác Tôn Đức Thắng bước ra chào, hỏi thăm sức khỏe chúng tôi rồi kể chuyện vui và dặn dò nhiều điều. Bác phát cho chúng tôi mỗi người một gói kẹo, sau đó chúng tôi xem phim. Bác nói: Đất nước đang cần các cháu đi học chữ, học nghề, đi làm để tạo nguồn cán bộ cho miền Nam sau này”.

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông Thử tiếp tục học tiếng Nga đến năm 1960, được đưa sang Liên Xô học đại học Thể dục - Thể thao. Năm thứ nhất, ông Thử được bầu làm Bí thư chi đoàn trường, trong thời gian này lớp có khoảng 30 người, nhưng chuẩn bị bước vào năm thứ hai thì một số chuyển học trường khác. Tháng 10/1961, Bác Hồ sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22. Bác ghé thăm sinh viên Việt Nam tại Trường Lomonosov ở Moscow. Lúc đó, sinh viên Việt Nam có khoảng 800-900 người. Bác nói: Các cháu sang đây học là theo sự phân công của Bộ Giáo dục, của Đảng và Nhà nước để sau này về phục vụ đất nước. Do vậy, phân công cái gì thì học cái đó. Con người ta sống trong xã hội làm việc với nhiều ngành nghề như một cái đồng hồ có kim giờ, kim phút, kim giây. Nếu ai cũng muốn làm kim giờ để mọi người nhìn thấy thì ai sẽ làm kim phút, rồi ai sẽ làm cái bánh xe bên trong để quay? Cho nên các cháu cố gắng theo sự phân công của xã hội, đất nước tập trung học đủ ngành nghề để có thể phục vụ xã hội được tốt.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/239961/nhung-nguoi-vinh-du-duoc-gap-bac-ho.html