Những người vợ của 'lính 30/4'
Sau chiến thắng 30/4/1975, hạnh phúc của những người vợ không phải là những tấm huy chương lấp lánh mà là những người chồng lành lặn trở về. Ngày chiến thắng cũng là giây phút tương phùng không thể nào quên...
Đám cưới không chú rể
Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều cặp vợ chồng tổ chức xong đám cưới chỉ kịp đầu gối, tay ấp trong vòng một đêm rồi lại chia tay. Thế nhưng, có những đám cưới chưa kịp diễn ra, chú rể đã lên đường làm nhiệm vụ.
Đám cưới của vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Dần (SN 1950) và vợ là bà Nguyễn Thị Thường (SN 1950), trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã “diễn ra” như thế.
Mỗi khi nhắc lại đám cưới của mình, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 lại nhìn vợ trìu mến. Còn vợ ông không khỏi bồi hồi khi nhớ về đám cưới kỳ lạ của mình.
Bà Thường kể, ông và bà quen nhau khi còn là những cô cậu học trò cấp 2 tại Trường Đại Lộc (huyện Can Lộc). Sau đó, ông học tiếp cấp 3 còn bà theo học Trung cấp Thủy lợi tại Hà Tây. Ra trường, ông được cử đi học sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 4 và Trường Sĩ quan Lục quân, bà Thường được phân công công tác tại ngành thủy lợi tỉnh Ninh Bình.
Sau 5 năm yêu nhau và chờ đợi, đến đầu 2/1975, được sự đồng ý của 2 đơn vị, ông Dần và bà Thường quyết định về quê tổ chức đám cưới. Một ngày cuối tháng Chạp năm 1974 (khoảng tháng 2/1975 – PV), cô dâu chú rể chở nhau ra thị trấn sắm sửa manh áo mới, đồ lễ cho hai bên nội ngoại.
“Mua sắm xong các vật dụng, ông chở tôi về nhà và hẹn tôi buổi tối sẽ xuống nhà nói chuyện. Không ngờ, chỉ vừa mới chia tay, ông đã nhận nhiệm vụ lên đường ngay, chẳng kịp từ biệt. Trong khi nhà tôi chỉ cách đó chừng 150m”, bà bồi hồi.
“Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp năm 1974. Sau khi đưa vợ về nhà, trên đường về tôi thấy nhiều xe chở quân đi vào Nam. Thấy tôi, xe dừng lại, vừa kịp nhận ra người quen thì chỉ huy đơn vị đã bước xuống vẫy tôi lên xe. Nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi không do dự, lập tức theo đơn vị”, Đại tá Dần kể lại.
Ngày vui chưa kịp đến, chàng lính trẻ đã vội vã lên đường. Ông chỉ kịp gửi một mẩu giấy nhắn gửi người vợ vẻn vẹn 2 dòng: “Em thông cảm, anh phải vào Nam đánh giặc. Em nhớ giữ gìn sức khỏe”.
Trong khi đó, cô dâu Nguyễn Thị Thường không hay biết chuyện gì, vẫn đang háo hức cho ngày trọng đại của cuộc đời. Đến tối, bố mẹ ông Dần sang báo tin, bà mới biết sự việc.
“Mọi người trong nhà tôi đều ngã ngửa, ái ngại nhìn tôi khi biết chuyện. Có người khóc, người động viên, tôi cũng bàng hoàng mất một lúc. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi thấy thương và lo cho ông nhiều hơn”, giọng bà nghẹn lại.
Ngày hôm sau, ở nhà mọi việc vẫn diễn ra như đã định trước. Một đám cưới không có chú rể. Cô dâu một mình bước về nhà chồng trước sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.
Tại tiền tuyến, phải mất một ngày đêm ông Dần đã đến huyện Lê Thủy (Quảng Bình) bàn giao quân và nhận nhiệm vụ. Trên chuyến xe, có vị thủ trưởng đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện của chàng lính trẻ. Thủ trưởng đã báo cáo với sư đoàn về trường hợp của ông Dần và xin phép cho ông được về nhà ít ngày.
Sau kỳ phép ngắn ngủi, ngày 14/2/1975, ông Dần chia tay vợ vào Nam chiến đấu trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông làm Đại đội trưởng Bộ binh Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Còn bà Thường trở về cơ quan mình ở Ninh Bình để tiếp tục công việc. Bà Thường cho biết: Từ hôm đó cho đến sau ngày giải phóng, bà không nhận được tin tức gì về chồng. Nhưng tâm lý lúc nào cũng vững tin ông sẽ trở về. Phải đến cuối năm 1975, vợ chồng ông mới có dịp hội ngộ nhau sau ngày giải phóng.
Nhắc lại câu chuyện tình yêu đầy chất lính của mình, Đại tá Nguyễn Văn Dần nói trong lúc nắm chặt tay người vợ: “Người lính thời chiến như chúng tôi vào sinh ra tử. Lên đường nhập ngũ luôn đặt nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc làm đầu. Dù thương vợ, thương con nhưng thời chiến mình cũng chỉ có thể đạt cái chung lên những nỗi niềm riêng”.
4 mét vải và 1 chiếc nón trong ngày hội ngộ
Trong chiến thắng chung của dân tộc, có một phần công lao của những người vợ đã hy sinh, tảo tần trong những năm tháng xa chồng. Dù đã 46 năm sau ngày giải phóng nhưng cảm xúc của ngày đoàn viên vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của bà Đặng Thị Hạnh (SN 1952, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc). Chồng bà là Đại tá Phạm Tiến Thích (Chủ tịch Hội CCB huyện Can Lộc).
Đại tá Thích từ nhỏ đã mồ côi, sống với chị gái tàn tật và 1 cậu em trai thua mình 6 tuổi. Thương hoàn cảnh của ông, nên bà đã theo ông về làm vợ. Ngày cưới, bà cũng không có chiếc nón đội đầu, lễ vật của ông chỉ là 4 xếp vải khô cứng. Về nhà, bà Hạnh dùng 4 tấm vải may thành 2 chiếc quần mới, 1 chiếc cho mình và 1 chiếc cho người chị tàn tật.
Khi bà mang thai người con trai đầu ở tháng thứ 8 cũng là lúc ông nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Năm 1972, ông lên đường nhập ngũ, làm lính công binh thuộc Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341.
“Vợ sinh được 1 tháng thì tôi mới nhận được thư thông báo đã sinh con trai. Vừa vui nhưng cũng chạnh lòng khi nghĩ một mình bà ở nhà sinh nở không ai chăm sóc, trong nhà lại có người đau ốm, bệnh tật. Chỉ biết động viên bà cố gắng giữ gìn sức khỏe. Nghĩ đến gia đình lại thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để trở về gặp vợ con”, ông Thích nói.
Sau khi giải phóng thị xã Xuân Lộc, sáng 30/4/1975, đơn vị ông nhận được lệnh di chuyển thần tốc theo đường bộ từ Hố Nai vào Sài Gòn. Đến 10 giờ cùng ngày, ông và đồng đội đã có mặt tại Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập trong chiều 30/4/1975.
Từng ấy năm ông tham gia chiến đấu là từng ấy thời gian bà ở nhà một tay vừa chăm bẵm các con, vừa chăm lo cho người chị tật nguyền. Cuộc sống khó khăn vất vả trăm bề nhưng bà vẫn bền gan, vững chí… chưa một lần viết thư than thở với chồng.
“Chồng tôi lên đường được một tháng thì tôi trở dạ sinh nở. Mới sinh được 10 ngày thì tôi đã phải tự làm tất cả. Nhiều lúc 1 giờ sáng còn phải địu con ra đồng làm mật với chị em để đổi công cho nhau. Có những năm trời mưa lụt nhà ướt hết, nhà bị bục hết nứa chỉ sợ sập thì không biết phải bồng ai để chạy”, bà Hạnh nhớ lại.
Từ ngày ông đi, hơn 3 năm trời, vợ chồng cũng không một lần gặp mặt, bố cũng chưa biết mặt con. Sau ngày giải phóng, đơn vị ông làm nhiệm vụ quân quản đến tháng 9/1975, ông mới được về phép thăm gia đình. Quà hội ngộ của ông dành cho bà là 4 mét vải và 1 chiếc nón.
“Sau ngày 30/4, nhiều nhà xung quanh có chồng đi chiến dịch cũng về nhưng mãi vẫn chưa thấy bóng dáng, tin tức của chồng nên tôi rất lo lắng, đi hỏi khắp nơi. 2 tháng sau mới nhận được thư chồng nhắn đang làm nhiệm vụ. Đến tận tháng 9/1975, ông mới trở về nhưng chẳng báo trước. Dù cuộc đoàn tụ muộn hơn so với nhiều gia đình nhưng nhìn thấy ông lành lặn trở về tôi đã hạnh phúc lắm”, bà Hạnh xúc động.
Còn trong ký ức của bà Đặng Thị Hợp (SN 1952), vợ Đại úy Đặng Viết Chinh (SN 1949, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc), ngày 30/4 là cuộc hội ngộ với người chồng mà nhiều người đã nghĩ tử trận.
19 ngày sau đám cưới, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra khốc liệt, ông Chinh gác lại hạnh phúc riêng, tạm biệt người vợ mới cưới để lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ.
“Lúc đó, vợ tôi khóc nhiều lắm nhưng cũng không ngăn cản tôi. Vợ tôi biết Tổ quốc đang cần tôi. Tôi chỉ biết động viên, an ủi vợ hãy tin và chờ ngày tôi trở về”, ông Chinh nhớ lại.
Ông Chinh được bổ sung vào Lữ đoàn 22B, Quân khu 4 sau đó ông được chuyển vào vùng cao nguyên Bô-lô-ven (Hạ Lào) để hoạt động. Sau khi học sĩ quan, ông được cử trở lại bổ sung vào Trung đoàn 29B, Sư đoàn 470 và 559 để hoạt động trinh sát. Nhiệm vụ của đơn vị là đón lỏng địch tại các trục đường từ Bản Đôn lên Ban Mê Thuột.
Do đặc thù của nhiệm vụ trinh sát là phải tuyệt đối bí mật nên ông ít khi liên lạc về cho vợ cũng như người thân. Cũng vì tính chất bí mật mà ông Chinh đã 3 lần “bị đồn” hy sinh.
“Cuối năm 1971, có một đồng đội tên Chinh hy sinh tại chiến trường nên ai cũng nghĩ là chồng tôi rồi báo tin về cho gia đình. Thậm chí có người bạn cũng nhắn nhờ người nhà sang thắp hương. Lúc đó, cả nhà đều dáo dác hết, chỉ có bố chồng tôi vẫn vững tin động viên là yên tâm chồng tôi chưa chết được đâu”, bà Hợp kể.
Đến ngày 30/4/1975, khi vừa nhận được tin quân ta giành chiến thắng, đất nước đã thống nhất, ông Chinh vội vàng biên thư gửi về cho vợ rằng mình còn sống. Nhận được bức thư, bà Hợp mới thở phào khi biết rằng chồng vẫn bình an.
“Cũng năm 1975, ông được về thăm nhà, cả làng đều chạy đến để xem có phải thực sự đúng là chồng tôi còn sống hay không. Bố mẹ tôi lâu nay vẫn thấp thỏm nghi ngờ cũng đạp xe sang nhà để gặp con rể”, bà cười nhắc lại kỷ niệm.
Sau thời gian cống hiến, khi về hưu, những người lính giải phóng lại miệt mài với các công tác xã hội, trong vai trò mới của họ luôn có những người vợ làm hậu phương cổ vũ, khích lệ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nhung-nguoi-vo-cua-linh-304-bHPbXA9MR.html