Những người vợ - những anh hùng
Là những người lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, khi xuất ngũ, các xạ thủ tên lửa A72 (Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) lại xum vầy hạnh phúc với gia đình. Thật bất ngờ khi mới đây, lần đầu tiên vợ chồng các anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân, Nguyễn Văn Toản, Tô Hồng Xuân, Nguyễn Văn Thoa, Nguyễn Ngọc Chiến, Nguyễn Quang Lộc, Vũ Danh Tòng và bà Tô Thị Hồng Xuân (vợ anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Văn Quyết) có dịp gặp mặt...
Đi giữa khuôn viên Bảo tàng Phòng không-Không quân, các anh hùng cùng vợ thăm lại những hiện vật ghi dấu chiến công của bộ đội tên lửa A72. Những xác máy bay là hiện thân tội ác của kẻ thù đã bị hạ gục bởi những xạ thủ tên lửa vác vai. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, mọi người hỏi thăm về gia đình, tình hình sức khỏe, hàn huyên những chuyện quá khứ. Trong niềm xúc động, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, vợ Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc, chia sẻ: “Trước đây khó khăn, các gia đình không có điều kiện gặp gỡ, chỉ biết nhau qua những bức ảnh cùng lời kể của chồng. Nay được hội ngộ đầy đủ, chúng tôi rất phấn khởi. Đây là dịp để các anh, các chị ôn lại kỷ niệm, kể về cuộc sống gia đình, sẻ chia những tâm tư, tình cảm, động viên nhau thêm vui tuổi già”.
Ngồi bên chồng khi mái tóc đã bạc phơ, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, vợ Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân chia sẻ về những khó khăn khi làm vợ bộ đội. Năm 1970, Nguyễn Thị Thanh Tú là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn Trần Văn Xuân là bộ đội thuộc Tiểu đoàn 42 (Trung đoàn 263, Sư đoàn 361). Mùa hè năm ấy cả hai cùng đi lao động giúp dân ở khu vực cầu Chiếc, thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Cùng lao động trên một cánh đồng mà hai người chẳng có cơ hội gặp nhau. Phải đến 8 năm sau (1978), qua mai mối, thư từ, họ mới nên duyên vợ chồng. Sau khi xây dựng gia đình, anh Trần Văn Xuân lại lên đường đi chiến đấu. Bao lo toan vất vả đè nặng lên vai cô giáo trẻ Thanh Tú. Thời gian cứ đằng đẵng trôi qua, bà Tú không lúc nào được ngơi tay. Ngoài lo toan cho chồng con, bà còn chăm sóc người cô là Trần Thị Mạn, hơn trăm tuổi, nằm liệt giường nhiều năm. Năm 2016 cụ Mạn qua đời. Thêm một chuyện buồn đến với gia đình khi người con trai Trần Hoàng Dũng (sinh năm 1992) bị tai nạn giao thông... Vất vả là vậy, nhưng bà Tú chẳng nề hà, vẫn luôn chu toàn mọi việc, đồng thời còn giúp đỡ chồng khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình đồng đội. Thương người vợ đảm đang, ông Xuân cũng thường xuyên ở bên động viên, mong bù đắp lại những tháng ngày xa cách...
Hạnh phúc là khi có bạn đời bên cạnh chia sẻ buồn vui, nhưng với bà Tô Thị Hồng Xuân thì điều đó chỉ mãi là niềm mong ước xa vời. Bà là vợ của Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Văn Quyết-xạ thủ bắn rơi 16 chiếc máy bay. Năm 1984, hai người mới xây dựng gia đình, có với nhau hai cô con gái. Nhưng do di chứng của chiến tranh, sức khỏe của ông Quyết suy giảm nghiêm trọng. Nằm viện điều trị một năm liền nhưng không qua khỏi, ông Quyết từ trần năm 1992. Từ đó, bà vất vả một mình nuôi hai con nhỏ... Hiện người con gái lớn Hoàng Thị Hồng Thu (sinh năm 1985) là giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn; còn cô em Hoàng Thị Hương Thảo (sinh năm 1988) là nhân viên Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Lạng Sơn. Sự trưởng thành của các con phần nào an ủi, động viên bà có thêm nghị lực trong cuộc sống.
Tâm sự cùng với gia đình đồng đội, người anh hùng bắn rơi 13 chiếc máy bay Nguyễn Văn Thoa chia sẻ: “Tôi phải cảm ơn bà xã rất nhiều. Nhờ có bà mà người thương binh như tôi mới trụ vững được qua những năm tháng khó khăn”. Tháng 10-1975, do bị thương nặng, ông Thoa phục viên. Trở về địa phương không có công ăn việc làm, đời sống gia đình vô cùng bấp bênh. Ông bàn với vợ tập trung chăn nuôi lợn. Việc nhà nông vất vả, biết chồng sức khỏe yếu, bà Ngô Thị Yên thường xuyên ở bên cạnh chồng, xốc vác công viêc nặng nhọc. Nhờ tảo tần sớm hôm lại được vợ giúp sức, ông Thoa đã mở rộng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, kinh tế gia đình vì thế khấm khá hơn. Được người vợ đảm đang thường xuyên chăm lo sức khỏe, quán xuyến công việc, ông thường đùa vui rằng: “Tôi là anh hùng ngoài trận chiến, còn bà là “anh hùng” trong gia đình”.
Mỗi anh hùng có một hoàn cảnh, nhưng khi kể về gia đình, họ đều có chung lời cảm ơn sâu sắc đối với những người vợ thủy chung là hậu phương vững chắc. Đất nước hòa bình, những người vợ đảm ấy vẫn luôn kề vai sát cánh chăm lo cuộc sống gia đình, như “nhành hoa thắm” cài rung rinh trên ngực áo những người anh hùng tên lửa A72.