Những nguồn lực bị đánh cắp (Bài 2): Ồn ào thoái vốn
Câu chuyện thoái vốn tại Cao su Sao Vàng, Cà phê Thắng Lợi, Sadeco, Khu công nghiệp Hiệp Phước... gây ra không ít ồn ào thời gian qua. Có một điểm chung ở nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước gây nghi ngờ bất minh là đều gắn với đất vàng.
Thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ, một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, đang được thực hiện với tốc độ “rùa bò” và nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng ngại hơn, thời gian qua xuất hiện những thương vụ thoái vốn nhà nước có dấu hiệu thiếu minh bạch, không tối đa hóa được giá trị thu về, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa bị buông lỏng quản lý dẫn đến mất vốn, thất thoát vốn nhà nước. Đây là sự lãng phí to lớn trong bối cảnh đất nước đang cần chắt chiu các nguồn lực để duy trì đà tăng trưởng.
Bài 2: Ồn ào thoái vốn
Nhà nước đang cần huy động các nguồn lực để tái đầu tư cho phát triển, trong đó có nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn với dự toán lên tới 250.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2020. Bởi thế, những thương vụ thoái vốn nhà nước gây nghi ngờ về khả năng tư lợi đã và đang được mổ xẻ, xem xét.
Đấu giá Cao su Sao Vàng không có… giá đấu
Sau cuộc đấu giá 4,2 triệu cổ phần SRC (Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ diễn ra chiều ngày 4/6/2019, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, cơ quan này đã kiến nghị Cục An ninh Kinh tế (A04), Bộ Công an vào cuộc điều tra xem đợt đấu giá có gây thất thoát, không tối đa hóa được giá trị cho Nhà nước hay không.
Cuộc đấu giá này có một tổ chức và ba nhà đầu tư cá nhân tham gia, mua quanh giá khởi điểm, khối lượng đăng ký mua và trúng đấu giá bằng đúng lượng chào bán. Những dữ liệu về đăng ký kinh doanh cho thấy nhóm nhà đầu tư mua lô cổ phần trên có liên quan với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hoành Sơn, đơn vị góp vốn cùng SRC để chuyển đổi khu đất trụ sở của SRC có diện tích 6,2 ha tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) sang làm dự án bất động sản.
Trước đó, việc Cao su Sao Vàng chọn Tập đoàn Hoành Sơn để góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn nhằm thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trên đã làm dấy lên câu hỏi về việc “bỏ cao, chọn thấp” (Hoành Sơn trả cho SRC số tiền chỉ bằng hơn một nửa so với các doanh nghiệp khác) và việc tập đoàn này cho SRC vay tiền góp vốn trong liên doanh (lãi suất 0%/năm, trong thời hạn 36 tháng) với cam kết hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Tập đoàn Hoành Sơn.
Trước thềm đợt thoái vốn này, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn nắm giữ chưa đến 20% vốn đã đề cử thành công 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban Kiểm soát SRC. Điều này có nghĩa là cơ hội cho cổ đông khác để có 1 ghế trong HĐQT là không còn.
Tới đây, khi Vinachem tiếp tục thoái 36% vốn tại SRC, liệu có nhà đầu tư nào bước chân vào doanh nghiệp khi cái bóng của nhóm cổ đông lớn đã sừng sững?
Dù Vinachem cho rằng phiên đấu giá đã diễn ra theo đúng quy định, nhưng do không có cạnh tranh, kết quả phiên đấu giá chỉ dừng lại quanh quá khởi điểm, Nhà nước không có cơ hội tối đa hóa số tiền thu về. Tới đây, khi Vinachem tiếp tục thoái 36% vốn tại SRC, liệu có nhà đầu tư nào bước chân vào doanh nghiệp khi cái bóng của nhóm cổ đông lớn đã sừng sững?
Quan sát cuộc đấu giá trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico chỉ ra ba dấu hiệu bất thường, gồm giá trúng đấu giá sát với giá khởi điểm, giá trúng đấu giá giữa các nhà đầu tư rất sát nhau (chênh nhau đúng 2 đồng) và số lượng trúng đấu giá giá khớp đúng với lượng bán.
“Với những dấu hiệu đó, có quyền nghi ngờ dấu hiệu thông đồng, bắt tay nhau trước khi phiên đấu giá diễn ra”, luật sư Trương Thanh Đức nhận xét.
Trước đây, với một cách làm khác, công khai, minh bạch, quy định khoảng thời gian cả tháng cho các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu doanh nghiệp, đăng ký tham gia và đặt cọc, phiên đấu giá thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (đơn vị quản lý 3 ha đất trên đường Đào Duy Anh, Hà Nội) từng đấu giá được gấp 9 lần giá khởi điểm, đem lại cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư mua cổ phần SRC nhằm vực dậy ngành nghề săm lốp cao su hay nhắm đến đất vàng, thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Videc, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, cho rằng, khu đất 6,24 ha ở vị trí đắc địa mà chỉ đem lại cho Nhà nước hơn 200 tỷ đồng là bất hợp lý. Nếu tính theo giá trị thị trường, quyền khai thác khu đất này phải lên tới vài nghìn tỷ đồng.
Có quỹ đất lớn, phiên đấu giá cổ phần SRC lập tức thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, một thương hiệu lớn khác của Vinachem là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng được tập đoàn này đăng ký thoái vốn lại ế chỏng chơ cổ phần. Theo bản công bố thông tin của Vinachem, DRC hiện nay không quản lý khu đất nào đáng kể.
Hàng loạt phi vụ khuất tất vì… đất
Nhiều phi vụ bán cổ phần, thoái vốn đình đám gắn với đất vàng của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) cũng đang bị cơ quan điều tra vào cuộc xem xét. Đơn cử như thương vụ IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty cổ phần Bất động sản Exim (Exim) giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8% về 44%, với giá hơn 26.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, Exim đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phiếu.
Đấu giá cà phê Thắng Lợi gây chú ý
Chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua trọn 6,25 triệu cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, tương ứng 49,46% vốn điều lệ. Mức giá trúng đấu giá bình quân đạt 21.300 đồng/cổ phần, bằng đúng giá khởi điểm, giá đấu cao nhất cũng chỉ 21.400 đồng/cổ phần, hơn giá khởi điểm đúng 100 đồng/cổ phần. Số lượng trúng đấu giá bằng đúng lượng cổ phần đã đăng ký.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, hai nhà đầu tư này là bà Phạm Thị Linh và bà Đỗ Hương Giang. Sau đấu giá, bà Linh sở hữu hơn 6,255 triệu cổ phần, còn bà Giang sở hữu 1.000 cổ phần. Bà Linh hiện đang là cổ đông lớn của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico (VLC, sàn UPCoM). VLC là công ty con của GTN Foods, sở hữu 73,72% vốn.
Cà phê Thắng Lợi có vốn điều lệ 131 tỷ đồng, hiện đang quản lý 2.152,8 ha đất trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, cũng như nhiều héc-ta đất tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Sadeco sau đó đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược. IPC đã bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu của công ty này tại Sadeco lên mức chi phối 54% và đẩy tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sadeco còn khoảng 28%.
Tương tự là vụ việc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước bán 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược được chỉ định là Công ty Tuấn Lộc. Trước khi phát hành cổ phiếu, Hiệp Phước có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, IPC nắm hơn 60%. Theo kế hoạch, Hiệp Phước tăng vốn điều lệ lên gấp đôi thành 600 tỷ đồng. Hiệp Phước sau đó phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) và bán 20 triệu cổ phiếu cho Tuấn Lộc (giá 15.000 đồng/cổ phiếu), giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống còn hơn 40%.
Thanh tra TP.HCM kết luận, các vụ việc trên làm thiệt hại cho vốn nhà nước.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra một số thương vụ thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần có dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đầu năm 2017, CNS đã bán toàn bộ 51% cổ phần của mình trong Công ty cổ phần Điện tử Sài Gòn - Sagel với giá gần 21 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Điện tử Sài Gòn - Sagel đang sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP.HCM. Tương tự, CNS cũng thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, trong khi doanh nghiệp này đang là chủ sở hữu của nhiều lô "đất vàng" nằm tại khu vực trung tâm Thành phố.
Dư luận cũng chưa quên vụ việc thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn với nhiều khuất tất, khi theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước nắm giữ 75% vốn tại doanh nghiệp này, nhưng cả địa phương và bộ chủ quản đều ráo riết triển khai thoái vốn, trong đó bán tới 75% cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép.
Thương vụ thoái vốn nhà nước và sáp nhập Công ty cổ phần Nhựa y tế vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (VINAMED) cũng gây ồn ào khi cổ đông có đơn tố cáo gửi tới lãnh đạo Chính phủ khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.
Lãng phí nguồn lực đất đai
Có một điểm chung ở nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước gây nghi ngờ bất minh là đều gắn với đất vàng. Hiện một lượng lớn diện tích đất đai đang được giao cho các công ty cổ phần có vốn nhà nước quản lý, nhưng do chỉ là đất thuê trả tiền hàng năm nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, khi thoái vốn.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) nhận xét, cũng chưa có một cơ sở dữ liệu nào thống kê đầy đủ diện tích, tình trạng những lô đất do các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sang cổ phần hóa đang quản lý.
Điều này dẫn tới một thực trạng chung là nhiều doanh nghiệp “thoi thóp” nhưng nhờ có nhà đất cho thuê nên vẫn sống cầm chừng, như trường hợp của Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam... Bản thân các doanh nghiệp này lại trở thành miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư cá mập săn đất vàng bằng đủ các chiêu trò.
Gần đây, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp - CTCP (MIE), doanh nghiệp mà nhà nước đang sở hữu 97% vốn thuộc diện nhà nước thoái toàn bộ vốn năm 2018 cũng gây chú ý với giới đầu tư khi trước thềm nhà nước thoái vốn lại có kế hoạch bán tài sản, bán vốn tại một loạt công ty con đang quản lý nhiều lô đất có vị trí đắc địa.
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Cơ khí Hà Nội sau khi di dời nhà máy khỏi khu đất vàng có diện tích gần 6.000 m2 tại 76 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã liên doanh với một doanh nghiệp khác để chuyển quyền sử dụng khu đất trên thành dự án chung cư, nhưng tỷ lệ góp vốn chỉ vỏn vẹn hơn 2% trong liên doanh có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Nay dự án mới ở giai đoạn định giá đất, MIE đã vội vã lên kế hoạch thoái vốn khỏi liên doanh này.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty SCIC cho biết, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn thường được săn đón trên thị trường bởi nhà đầu tư nhắm vào tài sản của doanh nghiệp là đất.
Thực tế cho thấy, đối với các phiên đấu giá doanh nghiệp mà nhà đầu tư đặt mục tiêu săn mua quyền sử dụng đất, giá bán thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm với kỳ vọng có thể đầu tư bất động sản ở các khu vực đó. Ví dụ, đợt đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên có giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần, nhưng giá bán thành công 274.200 đồng/cổ phần. Hay đợt đấu giá cổ phần Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm có giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần, nhưng giá bán thành công 255.000 đồng/cổ phần.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận xét, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa nắm quỹ đất lớn, bởi trước đây họ luôn được ưu tiên mặt bằng sản xuất - kinh doanh rộng rãi. Theo Luật Đất đai, giá đất mà Nhà nước giao đất/cho thuê đất... vẫn được áp dụng để tính sau khi cổ phần hóa (tức không phải theo giá thị trường - PV).
Giá đất, 5 năm quy định một lần dựa trên khung giá của từng địa phương, trong phần lớn trường hợp được nhận xét là thấp hơn nhiều so với giá thị trường, đặc biệt là những mảnh “đất vàng”, “đất kim cương”. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư luôn chú ý đến những doanh nghiệp có quỹ đất tốt.
“Lúc cổ phần hóa, định giá đất tương đối rẻ, thậm chí là bằng 0 thì cũng giống như bạn được mua hóa giá nhà của Nhà nước, khi bán lại căn nhà, kiểu gì cũng được giá cao hơn”, luật sư Hòa nói.
Đất đai không thể tái tạo và cũng không tự sinh ra, bởi thế, nếu không có những giải pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, tư lợi, đất vàng sẽ tiếp tục “chảy máu”, gây thất thoát và lãng phí nguồn lực quốc gia.
(Còn tiếp)