Những nguy cơ hiện hữu

Giao tranh dữ dội nổ ra ở thủ đô Tripoli và khu vực lân cận trở thành mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Libya. Các cơ quan của Liên hợp quốc đã lên án những vụ bạo lực nhằm vào dân thường, đồng thời cảnh báo xung đột kéo dài gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Libya, khi số người chết trong những tháng gần đây đã lên tới hơn 1.000 người. Các tổ chức khủng bố cũng lợi dụng tình hình bất ổn ở Libya để 'đục nước béo cò'.

Tình hình bạo lực ở Libya không có dấu hiệu vãn hồi kể từ khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Kh.Haftar ủng hộ chính quyền miền đông mở các chiến dịch tiến công nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ tháng 4 vừa qua. Điều đặc biệt nghiêm trọng là, trong số những cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang ủng hộ hai chính quyền tồn tại song song hiện nay ở Libya, có hàng chục vụ tiến công nhằm vào các cơ sở y tế. Bạo lực kéo dài khiến ở nước này hiện chỉ còn sân bay Mitiga duy trì hoạt động phục vụ các chuyến bay quốc tế. Sân bay quốc tế Tripoli từng có thời nhộn nhịp đã bị đóng cửa từ năm 2014 do xung đột vũ trang không ngừng leo thang. Hoạt động giao thông hàng không tại sân bay Mitiga những ngày gần đây cũng bị gián đoạn bởi bạo lực. Libya đứng trước nguy cơ bị “cô lập” với thế giới bên ngoài nếu xung đột tiếp diễn.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của Nhà lãnh đạo M.Gaddafi, Libya vẫn chìm sâu vào cuộc khủng hoảng và tranh giành quyền lực, quyền kiểm soát lãnh thổ và dầu mỏ giữa các phe phái. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng LNA của Tướng Kh.Haftar ủng hộ chính quyền ở miền đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Theo giới phân tích, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và A-rập Xê-út thì ủng hộ Tướng Kh.Haftar, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar lại hỗ trợ các nhóm dân quân liên minh với GNA. Trong khi đó, các nước phương Tây hợp tác với các nhóm dân quân để chống những kẻ cực đoan và ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Sự hậu thuẫn từ bên ngoài đối với các phe nhóm đối địch khiến tình hình Libya “rối như canh hẹ”. Khó có thể đi tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khi các bên đều có những toan tính lợi ích và xảy ra tình trạng “xui nguyên, giục bị” trên “bàn cờ Libya”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Libya. Xung đột ở Tripoli đã khiến gần 1.100 người chết và gần 6.000 người bị thương, hơn 120 nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Khoảng trống chính trị và an ninh ở Libya đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các nhóm khủng bố “nở rộ”. Bộ Nội vụ của Chính phủ GNA gần đây bắt giữ ở ngoại ô thủ đô Tripoli một số thủ lĩnh Al Qeada thuộc khối Maghreb. Nhiều đối tượng bị truy nã đã lợi dụng tình hình chiến sự để xâm nhập vào khu vực này. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng tuyển mộ các tay súng và thiết lập “lò” đào tạo khủng bố ở Libya để “xuất khẩu” sang các nước trong khu vực. Xung đột cũng nhiều lần làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, lĩnh vực đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này. Tình hình bất ổn biến Libya trở thành điểm trung chuyển của các chuyến tàu chở người di cư bất hợp pháp từ châu Phi sang châu Âu. Bờ Địa Trung Hải vốn thơ mộng của Libya nay trở thành “điểm đen” khi nhiều người di cư bỏ mạng sau những chuyến tàu xuất phát từ đây trên hành trình tìm “miền đất hứa”.

Diễn biến phức tạp và những nguy cơ hiện hữu xuất phát từ cuộc xung đột ở Libya gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya ông G.Salame kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến ở Libya nhân dịp lễ Eid el-Adha (Lễ hiến sinh) sắp tới của người Hồi giáo. Ông G.Salame cũng cảnh báo cuộc xung đột này có thể phát triển thành cuộc nội chiến toàn diện với những hậu quả tiềm tàng đối với Libya và các nước láng giềng.

Một thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái ở Libya đã được Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy, tuy nhiên con đường tiến tới khai thông bế tắc hiện nay cho cuộc khủng hoảng này còn gian nan. Các bên đối địch cần đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin trước khi có thể ngồi vào bàn đối thoại nhằm chấm dứt xung đột, đưa Libya trở lại quỹ đạo hòa bình, ổn định.

BẢO AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41069802-nhung-nguy-co-hien-huu.html