Những nguyên nhân gây dị ứng phấn hoa ở trẻ nhỏ

Theo HealthShots, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, tác động của việc lựa chọn lối sống được xem là những yếu tố chính làm tăng nguy cơ dị ứng phấn hoa ở trẻ nhỏ.

 Các trường hợp trẻ nhỏ bị ứng phấn hoa đang ngày càng gia tăng. Ảnh: Stock Photo.

Các trường hợp trẻ nhỏ bị ứng phấn hoa đang ngày càng gia tăng. Ảnh: Stock Photo.

Trong những năm gần đây, dị ứng phấn hoa ở trẻ nhỏ đang trở thành mối lo ngại hàng đầu tại Ấn Độ. Nguyên nhân là cây cối, hoa và cỏ dại tạo ra phấn, một loại bột rất mịn được dùng để thụ phấn cho các loại cây khác cùng loại. Việc hít phải phấn hoa này có thể gây ra phản ứng miễn dịch bất lợi, từ đó dẫn đến dị ứng.

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây ra dị ứng phấn hoa ở trẻ nhỏ do Health Shots đưa ra.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân hàng đầu trong việc làm tăng trường hợp trẻ em bị dị ứng phấn hoa. Cụ thể, khi nhiệt độ tăng kéo theo hệ lụy là quá trình sản xuất phấn hoa từ thực vật cũng tăng đáng kể. Lúc này, nồng độ phấn hoa cao trong không khí sẽ khiến trẻ dễ tiếp xúc và bị dị ứng hơn.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ thực vật sản xuất phấn hoa nhiều hơn còn bắt nguồn từ sự gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển. Chính điều này làm cho thực vật sinh sôi và phát triển với tốc độ nhanh chóng, dẫn đến quá trình thụ phấn diễn ra ngày càng nhiều.

Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí

Bên cạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố làm tăng dị ứng phấn hoa ở trẻ em. Các chất độc hại như nitrogen dioxide, sulfur dioxide và ozone có thể làm cho hạt phấn hoa trở nên lớn hơn, khiến trẻ dễ hít phải chúng hơn.

Những chất ô nhiễm này cũng có khả năng làm thay đổi protein có trong hạt phấn hoa, dẫn đến tăng nguy cơ dị ứng nếu tiếp xúc.

Lựa chọn lối sống

Lựa chọn lối sống cho trẻ là vấn đề không dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Ví dụ, những trẻ có chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn thì khả năng bị dị ứng phấn hoa sẽ nhiều hơn, so với trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng.

Điều này là do thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa nhiều chất phụ gia và chất bảo quản, từ đó gây ra dị ứng. Ngoài ra, những trẻ không thường xuyên tập thể dục cũng dễ bị dị ứng phấn hoa hơn, do hệ thống miễn dịch không được tăng cường và khỏe mạnh.

 Phụ huynh không nên để trẻ tiếp xúc quá gần với hoa, cỏ lạ. Ảnh: Lancaster General Health.

Phụ huynh không nên để trẻ tiếp xúc quá gần với hoa, cỏ lạ. Ảnh: Lancaster General Health.

Triệu chứng và cách điều trị dị ứng phấn hoa ở trẻ nhỏ

Các triệu chứng dị ứng phấn hoa ở trẻ em có thể khác nhau, nhưng một số dấu hiệu điển hình nhất là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho và thở khò khè. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị phát ban da và nổi mề đay, thậm chí khó thở.

Nếu những triệu chứng này kéo dài hơn vài ngày, phụ huynh cần phải đến bác sĩ để tham khảo ý kiến, chẩn đoán bệnh và vạch ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Health Shots khuyến nghị cách hiệu quả nhất để điều trị dị ứng phấn hoa ở trẻ em là sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng histamine và corticosteroid. Đây đều là những loại thuốc giúp giảm các triệu chứng dị ứng phấn hoa. Trong một số trường hợp, việc tiêm phòng dị ứng cũng có thể được triển khai, để cơ thể giải mẫn cảm với phấn hoa.

Song, để ngăn ngừa dị ứng phấn hoa ở trẻ em, cha mẹ vẫn nên thực hiện một số biện pháp đơn giản tại nhà. Đầu tiên, cần đảm bảo rằng trẻ đang được áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên.

Kế đến, đóng cửa sổ và cửa ra vào trong thời gian có nhiều phấn hoa cũng là cách giúp ngăn ngừa dị ứng. Đồng thời, phụ huynh nên giữ khoảng cách để trẻ tránh tiếp xúc quá gần với phấn hoa. Cuối cùng, nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng dị ứng phấn hoa nào, cha mẹ cần đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức để thăm khám và điều trị.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguyen-nhan-gay-di-ung-phan-hoa-o-tre-nho-post1421749.html