Những nguyên nhân không ngờ đến khiến bạn mất ngủ, ngủ không sâu giấc
Bệnh mất ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nữ nhiều hơn nam, người cao tuổi nhiều hơn người trẻ. Ở người trẻ thường hay than phiền khó đi vào giấc ngủ, trong khi ở người trung, cao tuổi thường hay than phiền khó giữ giấc ngủ và hay dậy sớm.
Phòng ngủ của bạn không đủ tối
Tốt nhất phòng ngủ không nên có bất kỳ vật chiếu sáng nào phát ra từ TV hay thiết bị nào đó. Khi đôi mắt tiếp xúc với những loại ánh sáng này suốt đêm, bộ não sẽ phát tín hiệu “đây là thời gian thức giấc” và não sẽ giảm hoạt động của Melatonin - hormone gây buồn ngủ và chỉ đạo giảm nhiệt độ cơ thể. Các thiết bị điện tử phát sáng này sẽ gây rối hoạt động của não vì chúng làm não nhầm tưởng đó là ánh sáng mặt trời.
Mất ngủ do bệnh tật
Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh mất ngủ và có rất nhiều bệnh dẫn đến hiện tượng này đặc biệt là các bệnh mạn tính, khó chữa. Ví dụ như: bệnh đau nhức xương, khớp có thể biểu hiện cả ngày lẫn đêm nhưng hay gặp nhất vẫn là ban đêm khiến giấc ngủ không sâu, chập chờn… Các bệnh tim mạch, hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa, tiết niệu… cũng dễ gây mất ngủ.
Bị stress, lo lắng nhiều
Theo tổ chức Sleep Foundation, những mối bận tâm về công việc, trường học, gia đình có thể khiến não bộ phải hoạt động cả vào ban đêm, làm bạn khó ngủ.
Rối loạn tâm lý sau chấn thương hoặc những chuyện đau buồn cũng gây căng thẳng, khiến giấc ngủ khó khăn hơn.
Phòng ngủ lộn xộn
Nếu căn phòng ngủ là một mớ hỗn độn với quần áo, sách vở và đống giấy tờ, chắc chắn bạn sẽ khó có được giấc ngủ tử tế.
Theo các chuyên gia sức khỏe, phòng ngủ phải luôn luôn sạch sẽ, thoải mái và có ánh sáng thích hợp. Không gian như vậy rất có lợi trong việc thư giãn não bộ, giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và sâu hơn.
Ăn quá nhiều vào buổi tối
Một bữa ăn nhẹ rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn quá nhiều lại gây khó khăn để tiêu hóa, cơ thể trở nên nặng nề, không thoải mái khi nằm và khó chìm vào giấc ngủ hơn.
Nhiều người bị chứng ợ nóng, trào ngược axit và thức ăn từ dạ dày vào thực quản sau khi ăn, não bộ tỉnh táo, tinh thần không thư giãn để chìm vào giấc ngủ.
Tập thể dục quá trễ
Nếu tập thể dục trong 3 giờ trước khi đi ngủ, bạn sẽ kích thích quá trình trao đổi chất, làm bạn bồn chồn và thức giấc thường xuyên trong đêm. Bạn hãy cố gắng tập thể dục vào buổi sáng hoặc trước khi chiều tà để việc vận động không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Xem TV cho đến khi buồn ngủ
Đây là điều không tốt vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, hành động quan sát TV làm kích thích hoạt động của não trong khi mục tiêu của bạn là muốn ngủ ngon. Thứ hai, ánh sáng phát ra từ TV làm cho não bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo nên khó ngủ ngon được.
Cố gắng giải quyết công việc lúc nửa đêm
Tất cả những tín đồ của công việc này thường hay bị thức giấc nửa đêm. Vì vậy, việc tốt nhất bạn cần thực hiện đó là ngăn bản thân không suy nghĩ đến những công việc ấy mà cố gắng nghĩ đến điều gì đó ít căng thẳng hơn.