Những nhà băng đầu tiên giảm lãi vay cho người dân thiệt hại vì bão
Nhằm chung tay giúp người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất sau siêu bão Yagi, 3 ngân hàng gồm Vietcombank, MSB, VPBank đã thông báo giảm lãi suất cho vay.
Trong cuộc gặp với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú và các lãnh đạo các ngân hàng thương mại, nhiều người dân đã bày tỏ sự khó khăn, thiệt hại nặng nề sau bão Yagi.
Nhiều người gần như mất trắng tài sản và không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt.
Người dân mong được giảm lãi vay, giãn nợ
Trao đổi với Phó thống đốc và các lãnh đạo ngân hàng thương mại, chị Ngô Thị Thúy trú tại Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết những ngày này không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị dòng nước cuốn trôi.
Đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình chị Thúy lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.
Chị Thúy cho biết gia đình vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục.
"Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng", chị Thúy chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ giống chị Thúy, ông Vũ Văn Cường tại Khu 3, xã Tân An cho biết gia đình giờ chẳng còn lại gì.
"3 bè cá của gia đình tôi thiệt hại gần 14 tỷ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20-30 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại", ông Cường nói.
Vietcombank, MSB, VPBank giảm lãi vay
Tại Vietcombank, ngân hàng này ước tính đã có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Nhằm cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn 6/9-31/12 đối với gần 20.000 khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới.
Ngoài ngân hàng thương mại vốn Nhà nước, tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MSB và VPBank cũng đã có thông báo giảm lãi vay.
Từ nay đến 31/12, MSB giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%/năm.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,99%/năm và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%/năm.
Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng với các hình thức vay đa dạng.
VPBank cũng thông báo giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất.
Chương trình triển khai từ ngày 13/9 đến hết 31/12, áp dụng tại tất cả tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...
Bên cạnh đó, VPBank cũng triển khai cho vay với lãi suất hấp dẫn chỉ 6,5%/năm, cố định 12 tháng đầu tiên cho các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn (tại ngân hàng khác) hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng sửa chữa nhà.
Trước đó, NHNN đã có văn bản gửi lãnh đạo các tổ chức tín dụng và giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão Yagi gây ra.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.