Những nhà báo tay ngang

Họ tuy không cùng thế hệ, công tác ở những lĩnh vực khác nhau trong lực lượng CAND. Nhưng, ở họ có một điểm chung, là đam mê nghiệp viết. Song song với nhiệm vụ chuyên môn, họ còn là xông xáo, năng nổ tác nghiệp để cho ra đời những tác phẩm báo chí đầy dấu ấn, khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ CAND ở những lĩnh vực hoạt động đặc thù. Họ được nhắc đến với danh xưng thú vị: nhà báo tay ngang.

Thượng tá Phan Đình Minh: “Nghiệp viết như người đào giếng”

Một kỹ sư điện tử tốt nghiệp Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm kỹ thuật - lĩnh vực kĩ thuật không liên quan gì đến nghiệp viết lách mà mối duyên đưa đẩy lại trở thành tổng biên tập một tờ tạp chí chuyên ngành của lực lượng CAND. Đó là Thượng tá, nhà báo, nhà văn Phan Đình Minh.

Thượng tá, nhà báo Phan Đình Minh trong một chuyến đi thực tế.

Thượng tá, nhà báo Phan Đình Minh trong một chuyến đi thực tế.

Thượng tá Phan Đình Minh sinh năm 1959, từng có quãng thời gian công tác tại Đoàn chuyên gia an ninh Việt Nam tại Campuchia từ năm 1980 đến năm 1984. Là người có năng lực về các môn học tự nhiên, Phan Đình Minh thi đỗ Trường Đại học Bách khoa. Học xong Bách khoa, ông lại tiếp tục phấn đấu có thêm bằng Sư phạm Kỹ thuật. Những tưởng dân tự nhiên chính hiệu khô như ngói nhưng anh lại đam mê viết. Ngay sau khi từ Campuchia về nước, ông đã có bài báo đầu tiên trên tờ Pháp luật Việt Nam có nhan đề “Anh đã từng là sếp của tôi”. Không ngờ, sau bài báo đầu tiên ấy, vị Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam lúc bấy giờ đã tìm gặp ông. Rồi, khi được hỏi viết báo lâu chưa, Phan Đình Minh đã trả lời: “Tôi viết lần đầu”. Lời khen là có năng khiếu, bài viết có duyên của ông tổng biên tập khiến ông có thêm động lực để viết tiếp. Càng viết càng hăng, ông gửi bài cho các báo lớn như Tiền phong, Hà Nội mới Chủ nhật, Nhân dân Chủ nhật,... và đều được chào đón, đăng tải.

Một điều đáng trân trọng là mặc dù công tác ở mảng kĩ thuật nhưng ông vẫn nuôi dưỡng ngòi bút, luôn tìm tòi, quan sát và duy trì việc viết một cách bền bỉ. Rồi một mối duyên lớn gắn chặt đời ông với nghề báo. Năm 2009, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an thành lập Tạp chí Khoa học công nghệ và môi trường. Khi ấy, Phan Đình Minh được biết đến là người viết lách có nghề, được giao làm Thư ký tòa soạn, sau đó giữ chức Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập. Là người đầu tiên gắn bó với tạp chí ngay từ ngày đầu thành lập, ông đã dành nhiều tâm huyết xây dựng tạp chí như cuốn cẩm nang về khoa học công nghệ cho cán bộ kĩ thuật của Bộ Công an. Nền tảng hai bằng đại học đã tạo đà cho ông được dịp phát huy sở trường khi tổ chức, đặt bài, biên tập các bài báo khoa học.

Với nỗ lực không ngừng, ông đã cùng cán bộ, phóng viên đưa tạp chí ngày một tiến bộ, được đăng kí mã số ISSN - tính điểm cho cán bộ, chiến sĩ trong và ngoài ngành làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ,... mỗi khi đăng bài. Có lần đọc bài của một phóng viên, ông dí dỏm đưa ra nhận xét: “Đồng chí viết như thế này là từ tổ hợp kĩ thuật giờ chỉ còn là linh kiện kĩ thuật thôi”. Cách góp ý đầy hình ảnh của Tổng Biên tập Phan Đình Minh được anh phóng viên vui vẻ tiếp thu và rút kinh nghiệm trong tác nghiệp.

Tâm đắc với quan niệm “Sống đã rồi hãy viết” của nhà văn Nam Cao, nghỉ hưu rồi Thượng tá Phan Đình Minh vẫn đi thực tế để lấy chất liệu, đề tài viết. Cuối năm 2023, ông lặn lội lên tận Lục Yên, Yên Bái với ý định viết về đá quý. Từ trung tâm tỉnh xuống huyện Lục Yên, ông tiếp tục thuê xe vào mỏ đá, đường đi khó khăn nhiều chặng mà ông vẫn hăng hái. Ông đã tìm hiểu xem thợ chế tác đá ra sao, tận mắt chứng kiến một phiên đấu giá tinh thể đá diễn ra vô cùng lạ biệt như “thời trung cổ”. Ông lang thang ở chợ đá đỏ Lục Yên để hiểu rõ về thị trường mua bán đá quý. Rồi ông lặn lội vào tận những nơi người dân trực tiếp khai thác đá quý nơi rừng sâu, núi cao... Sau chuyến đi viết trở về, ông ốm luôn một trận. Tuy vậy, ông vẫn “lãi” to vì thu nhặt được những tư liệu quý trong khi đề tài này chưa có nhiều người khai phá. “Còn viết thì còn phải đi. Sức khỏe còn, chưa thấy chùn chân mỏi gối thì vẫn lên đường”, ông quả quyết.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 2009, ngòi bút Phan Đình Minh còn dành để viết truyện ngắn. Đầu tiên ông viết về gia đình, quê hương Cẩm Giàng, Hải Dương, về cái làng nhỏ với dăm bảy đầm sen bao bọc và kỉ niệm tuổi thơ cua cá. Đề tài dần mở rộng với bao cảnh nhân tình thế thái, giọng điệu nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm quê kiểng tình người. Ông bảo, nếu viết báo cần có ngôn ngữ mạch lạc, rắn rỏi thì truyện ngắn lại cần thứ ngôn từ nhiều lớp lang, giàu ý tứ và hướng tới sự lạ biệt.

Ông viết bằng máy tính từ rất sớm, thậm chí phải ngồi trước máy tính mới “ra” được chữ. Ông quan niệm rằng: “Viết văn như người đào giếng, càng khơi sâu càng trong mát”. Mỗi khi tìm được chi tiết hay, từ ngữ đắt, ông thích thú râm ran, liền tự thưởng ngay cho mình một bát phở sáng đậm đà. Ông tuân thủ nguyên tắc dậy sớm để viết và giữ nhịp viết đều đặn. Là một nhà báo, nhà văn trong lực lượng, ông tích cực sáng tác về đề tài công an để lan tỏa vẻ đẹp và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ CAND trên các mặt trận. Có duyên với các giải thưởng văn chương, ông từng đoạt giải trong các cuộc thi sáng tác văn học “Cây bút vàng” do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức cũng như hàng chục giải thưởng văn chương khác. Đó là niềm vui không hề nhỏ với Thượng tá, nhà báo, nhà văn Phan Đình Minh khi đã mang nghiệp chữ vào thân.

Trung tá Trần Thị Hải Đường: “Tôi viết để hiểu hơn về người lính cảnh vệ”

Hơn 20 năm đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an, cũng là từng ấy năm Trung tá Trần Thị Hải Đường gắn bó với nhiệm vụ tuyên truyền cho lực lượng ở những lĩnh vực, mức độ khác nhau.

Ngay từ khi còn là học sinh THPT, Hải Đường đã mơ ước được là chiến sĩ công an. Nhưng, năm chị thi đại học thì trường công an chị có nguyện vọng lại không tuyển học viên nữ. Vào đại học theo diện tuyển thẳng, chị trở thành cô sinh viên K43 Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Sau khi tốt nghiệp năm 2002, chị về công tác tại Đội Tuyên truyền của Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Như một cơ duyên, ước mơ trở thành chiến sĩ công an của chị đã thành hiện thực. 9 năm làm tuyên truyền ở Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Đường đã có những tháng ngày tuổi trẻ năng nổ, hết mình cho công tác tuyên truyền về các mặt hoạt động của công an tỉnh.

Trung tá Trần Thị Hải Đường nghe cụ Ngô Văn Núi kể chuyện về Bác Hồ.

Trung tá Trần Thị Hải Đường nghe cụ Ngô Văn Núi kể chuyện về Bác Hồ.

Năm 2011 chị chuyển công tác về Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, làm việc ở tổ tuyên huấn, Phòng Công tác đảng và Công tác chính trị, vẫn gắn với nhiệm vụ tuyên truyền. Ở đơn vị mới, mặc dù kiêm nhiệm nhiều nội dung công việc, song với nền tảng làm tuyên truyền nên chị bắt nhịp công việc nhanh và vẫn túc tắc viết báo. Nghề viết luôn thúc giục chị trong quá trình công tác trong môi trường cảnh vệ có nhiều đặc thù. Quyển sổ ghi chép luôn được chị mang bên người để kịp thời ghi lại những đề tài, ý tưởng vụt hiện để sau đó sẽ triển khai, tìm tòi sâu hơn.

Thời gian này, Trung tá Hải Đường được giao chuyên trách mảng tuyên truyền báo chí, phụ trách Trang thông tin điện tử của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Chị viết báo đều đặn hơn, đi nhiều, gặp gỡ nhiều hơn để thỏa đam mê với nghề. Là một sĩ quan cảnh vệ, chị có thuận lợi hơn so với các phóng viên báo chí khi tiếp cận đề tài cảnh vệ. Có tập trung vào tìm hiểu, chị mới thấy cảnh vệ có nhiều mảng hay, xúc động, tuy nhiên đây vẫn là một mảng trống cần được đi sâu tuyên truyền.

“Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn hàng nghìn cuộc, lượt hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cả trong và ngoài nước; hàng trăm đoàn khách quốc tế có chế độ cảnh vệ sang thăm và làm việc tại Việt Nam; các sự kiện trọng đại do Đảng, Nhà nước tổ chức. Bởi thế nhịp làm việc luôn khẩn trưởng, di chuyển qua nhiều địa điểm. Họ luôn mang trong mình một trọng trách vô cùng lớn lao, là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ. Phía sau nhiệm vụ vinh quang luôn có những hy sinh thầm lặng, thậm chí phải đánh đổi hạnh phúc cá nhân”, Trung tá Hải Đường chia sẻ.

Không biết bao lần chị có điều kiện được theo sát các chiến sĩ cảnh vệ đi làm nhiệm vụ, từ những sĩ quan bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam đến cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kỹ thuật bảo vệ, lái xe nghiệp vụ hay thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, đón tiếp đồng bào và khách quốc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ những điều mắt thấy tai nghe, chị tự nhủ phải luôn cố gắng phản ánh chân thực, sinh động hình ảnh của sĩ quan cảnh vệ qua các bài viết, để có thể lấp đầy khoảng trống truyền thông, đưa hình ảnh người lính cảnh vệ đến gần người dân. Khi người dân hiểu rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ cảnh vệ, họ sẽ giúp đỡ khối cảnh vệ nhiều hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Gần đây nhất, tại lễ kỉ niệm 70 chiến thắng Điện Biên diễn ra vào đầu tháng 5/2024, khối cảnh vệ phải triển khai công tác kiểm soát an ninh trước khi sự kiện diễn ra. 7 giờ sáng chương trình bắt đầu thì công tác kiểm tra an ninh an toàn phải được thực hiện từ 3 giờ sáng. Trung tá Hải Đường đã có những đêm không ngủ, sát cánh cùng đồng đội trong không khí thiêng liêng, hào hùng tại mảnh đất Điện Biên. Chị cũng có điều kiện gặp gỡ, khai thác đề tài cảnh vệ, với nhãn quan tinh tế và sự lắng nghe, thấu hiểu chị thấy mỗi mỗi nhân vật trong bài viết của mình đều đặc biệt, đặc biệt từ chính nhiệm vụ mà họ đã chọn.

Nhà báo tay ngang Trần Thị Hải Đường luôn say mê tìm hiểu các hoạt động của khối cảnh vệ.

Nhà báo tay ngang Trần Thị Hải Đường luôn say mê tìm hiểu các hoạt động của khối cảnh vệ.

Mới đây, chị đến thăm người cận vệ già Ngô Văn Núi - nguyên cán bộ Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, là một trong số những cán bộ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Giây phút được nghe cụ Núi kể lại những kỉ niệm về Bác trong thời gian làm nhiệm bảo vệ Người, Trung tá Hải Đường thực sự xúc động, cố gắng ghi chép lại từng lời kể.

Ở chị vừa có nét xông xáo, nhiệt huyết của một người viết, vừa có sự tận tâm, kỉ luật của một chiến sĩ công an. Nghề viết tạo cho chị sự gắn bó, tin tưởng của đồng đội. Sau mỗi kỳ cuộc bảo vệ, đồng đội thường chia sẻ với chị nhiều câu chuyện bên lề, nhiều thông tin thú vị. Bởi thế, Trung tá Hải Đường thường được coi là người nắm giữ nhiều thông tin “độc quyền” về cảnh vệ. Chị bộc bạch rằng: “Cảm ơn nghề viết đã cho tôi được gắn bó với lực lượng cảnh vệ. Khi được cầm bút viết về đồng đội, tôi thực sự tự hào”.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-nha-bao-tay-ngang-i734740/