Những nhà nông giỏi công nghệ

Xuất phát từ thực tế sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nhiều nông dân trong tỉnh đã mày mò nghiên cứu, chế tạo, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Ông Vòng Ty Sáng (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) nhận giải nhì tại hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Dung

Ông Vòng Ty Sáng (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) nhận giải nhì tại hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Dung

Những cách làm hay của các nông dân trong tỉnh cần tiếp tục được lan tỏa để ngày càng có nhiều nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

* Tận dụng sức gió để vận hành máy cho cá ăn

Nhiều năm nay, gia đình ông Trần Văn Chinh nổi tiếng là một trong những hộ nuôi cá cảnh giống chất lượng cao tại ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom), thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Ông Chinh chia sẻ, ông nuôi cá từ năm 2019, ban đầu nuôi cá thịt, cá chép vàng nhưng hiệu quả không cao. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Chinh đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá koi. Ông đi mua cá koi ngoài thị trường về nuôi nhưng cá không khỏe, chất lượng không được như ý muốn nên đã tự nghiên cứu phương pháp ép cá mẹ đẻ cá giống tại chính trang trại của mình.

Cá giống của gia đình ông Chinh lai tạo có đặc tính khỏe, dễ thích nghi với môi trường sống, cho năng suất cao nên được nhiều khách hàng trong tỉnh và ở nhiều địa phương như: Đắk Nông, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… tìm đến mua về nuôi.

2 giải pháp chế tạo máy cho cá ăn bằng năng lượng sức gió của ông Trần Văn Chinh và kỹ thuật ủ chua thức ăn trong chăn nuôi gia súc của ông Vòng Ty Sáng đã xuất sắc đoạt giải nhì tại hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2022. Hội thi nhận được 25 giải pháp dự thi của nông dân trong tỉnh. Kết quả, có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Trong quá trình nuôi cá, ông Chinh nhận thấy việc cho cá ăn tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ao nuôi cá nhà ông Chinh có diện tích khoảng 6 ngàn m2, bờ ao dài khoảng 200m. Hàng ngày, ông phải cho cá ăn 1 lần vào buổi sáng và 2 lần vào buổi chiều. Mỗi khi cho cá ăn, ông Chinh phải làm thủ công nên tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Sau khi tham dự các hội nghị cung cấp kiến thức, giới thiệu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại trong ngành Nông nghiệp do Sở KH-CN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại địa phương, ông Chinh đã nảy ra sáng kiến chế tạo máy cho cá ăn bằng năng lượng sức gió.

“Ở khu vực gia đình nuôi cá, tôi nhận thấy nguồn gió rất nhiều. Vì thế, tôi đã chế tạo một chiếc máy có cấu tạo gồm những bộ phận chính là thùng phuy đựng thức ăn, hệ thống cánh quạt, máng để thức ăn chảy ra. Từ mô hình nhỏ ban đầu, tôi nghiên cứu làm thế nào để quạt hứng được gió, đẩy thức ăn chảy ra máng. Sau nhiều lần nghiên cứu, tôi đã chế tạo thành công chiếc máy này” - ông Chinh bộc bạch.

Theo đó, chiếc máy cho cá ăn được đặt ở giữa ao. Vào các khung giờ cho cá ăn, ông Chinh sẽ đổ từng bao cám vào thùng phuy, cánh quạt hứng được gió sẽ quay và đẩy thức ăn chảy xuống ao thông qua 4 máng. Từ 4 máng này, cám rải đều ra khắp ao, đảm bảo đàn cá có thể tiếp cận được thức ăn dễ dàng.

Nhờ chiếc máy này, ông Chinh chỉ việc đổ thức ăn vào phuy và có thể làm được nhiều công việc khác trong thời gian này, không phải xách từng xô thức ăn để chạy vòng quanh ao cho cá ăn như trước. Chiếc máy được thiết kế đơn giản, vật dụng dễ tìm kiếm, rẻ tiền, an toàn mà lại cho năng suất cao, giúp gia đình ông Chinh tiết kiệm được một khoản tiền điện, tiết kiệm thời gian, công sức.

Khi được hỏi về dự định thời gian tới, ông Chinh tâm sự, ông đang nghiên cứu việc nuôi kết hợp giữa tôm càng xanh và cá koi nhằm tận dụng nguồn thức ăn thừa trong ao. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 12 tấn cá giống, trừ chi phí còn lời khoảng 700 triệu đồng. Nếu việc nuôi kết hợp giữa tôm càng xanh và cá koi đạt hiệu quả, năng suất sẽ tiếp tục tang, kéo theo lợi nhuận tăng.

* Dự trữ thức ăn cho dê bất kể mùa nào

Xuất phát từ thực tế chăn nuôi dê của gia đình, ông Vòng Ty Sáng (ngụ ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) đã nghiên cứu và thành công với kỹ thuật ủ chua thức ăn.

Ông Sáng cho hay, năm 2013, gia đình ông bắt đầu chăn nuôi dê với đàn dê khoảng 50 con. Thức ăn là lá cây nên ông Sáng dành nhiều thời gian để đi lấy thức ăn cho dê. Điều khiến ông đau đầu là vào mùa khô, thức ăn cho dê khan hiếm, gia đình ông phải chạy khắp nơi để tìm, rất vất vả mà năng suất chăn nuôi lại không cao.

Ông Trần Văn Chinh (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) bên chiếc máy cho cá ăn lợi dụng sức gió do chính ông chế tạo

Ông Trần Văn Chinh (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) bên chiếc máy cho cá ăn lợi dụng sức gió do chính ông chế tạo

Để chủ động nguồn thức ăn cho dê, ông Sáng đã suy nghĩ và tìm giải pháp dự trữ thức ăn cho dê kể cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Ban đầu, ông sử dụng nguyên liệu là cây cỏ voi để ủ với hỗn hợp gồm rỉ mật đường và muối. Kết quả cho ra sản phẩm là cỏ vàng, thơm nhưng khô nên dê không thích ăn. Tiếp đó, ông Sáng lại thử ủ thức ăn từ cây và trái bắp. Cây bắp và trái được xay ra, bỏ vào thùng phuy (mỗi phuy đựng khoảng 50kg thức ăn) rồi tưới khoảng 1,5 lít hỗn hợp rỉ mật đường, muối, nước vào phuy, đóng kín nắp. Vài ngày sau khi mở phuy, thức ăn sẽ vàng ươm, dậy mùi thơm, dê ăn rất nhiều.

Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương và những vùng lân cận, ông Sáng tiếp tục thu gom thân cây đậu phộng sau mỗi lần nông dân thu hoạch để mang về băm nhỏ và ủ với hỗn hợp kể trên.

“Từ ngày có giải pháp này, đàn dê khoảng 100 con của gia đình tôi lúc nào cũng có thức ăn, con nào con nấy mập mạp, lông mướt, tiêu hóa tốt, cho năng suất cao” - ông Sáng chia sẻ.

Nói về quá trình dẫn đến thành công, ông Sáng bộc bạch, hỗn hợp rỉ mật đường trộn với muối và nước do ông tự nghĩ ra. Còn việc trộn thức ăn cho dê đã từng thất bại rất nhiều lần vì ông chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cuối cùng ông Sáng cũng thành công với phương pháp ủ chua thức ăn cho dê, giúp gia đình chủ động trong khâu thức ăn, không phải lo lắng mỗi khi mùa khô đến, dê nuôi cho năng suất cao.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202301/nhung-nha-nong-gioi-cong-nghe-3155132/