Những nhà vô địch bóng đá nữ SEA Games đầu tiên: Từ sân bóng báo Hoa chinh phục Đông Nam Á
HHT - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa giành vé vào Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 sau hai chiến thắng vang dội với tổng tỉ số lên tới… 23-0. Và bạn biết không, Hoa Học Trò vinh dự và tự hào khi đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho bóng đá nữ Việt Nam ngày nay đấy!
Giày tuy không có nhưng lửa đầy tim
Lật giở lại “Hoa Học Trò sử ký”, có ghi chép rằng vào ngày 23/7/1992, các cô nàng của Hội bút Hương Đầu Mùa “tụ” ở “đại bản doanh” Hoa Học Trò (HHT) khi ấy - số 5 Hòa Mã (Hà Nội), vừa măm măm hoa quả vừa viết một tờ “kiến nghị” thành lập một đội bóng đá nữ gồm 20 cầu thủ.
Ngay tuần sau, các nàng kéo ra sân Quán Thánh chỉ mang theo nhiệt tình thiếu nữ hừng hực lửa. Hoàn toàn theo đúng nghĩa đen, vì các nàng không hề mang… bóng, chân cũng không mang giày. Thấy một nàng võ sinh karate đèo quả bóng đi ngang qua, các cô nàng tinh quái nhà Hoa rủ đấu: “Dám không?”. Các nàng võ sinh đáp cứng: “Sợ gì!”. Thế là hai đội lao vào nhau, bụi tung mịt mù bởi các đợt phản công áp sát khung thành, với những lần cản bóng… bay cả dép. “Hoa Học Trò sử ký” không chép lại kết quả trận bóng ấy, nhưng đội bóng đá nữ đầu tiên và trận đấu đầu tiên của các cô nàng nhà Hoa đã bắt đầu như thế.
Ngay sau đó, trên số báo chuẩn bị kỷ niệm HHT 1 tuổi có đăng thông báo tìm đồng đội, rằng các “bánh bèo” nào thích đá bóng “mời” đến sân vận động Quán Thánh vào 4/10/1992. Đúng boong lịch hẹn, rất nhiều “nữ nhân hào kiệt” đã tề tựu đông đủ, lên tới... 200 người.
Huấn luyện viên bất đắc dĩ Tạ Quang Hậu khi ấy cho từng ứng viên sút bóng thử mà mất cả buổi. Cuối cùng, trụ lại được 60 nhân tài. Được sự ủng hộ của Giám đốc Nguyễn Đình Hán - vốn là danh thủ của đội Thể Công, từ đó hàng tuần đội đều có buổi tập luyện. Cầu thủ quá đông phải chia ra thành ba sân tập. Một mình HLV Hậu không xoay xở được, giám đốc Hán cũng hăng hái tham gia hướng dẫn.
Hồi đó một đôi giày bata giá 5 ngàn đồng. Tòa soạn HHT còn nghèo chưa có điều kiện cung cấp giày và áo cho các cầu thủ nên hầu như các nữ cầu thủ đều đá chân đất. Giày bata có thể thiếu, nhưng lòng say mê bóng đá thì luôn đầy tràn. “Hoa Học Trò sử ký” chép lại, có nàng Mai Phương xinh đẹp học Kim Liên không chịu theo bố mẹ sang Tiệp, nằng nặc ở lại chơi bóng. Lại có một nàng tên Phương khác bị bóng đập vào ngực, ngã lăn ra bất tỉnh, HLV xanh mặt chở đến Xanh Pôn, đồng đội rồng rắn đạp xe đuổi theo sau, thế mà tuần sau điểm danh nàng ấy vẫn hô “có mặt” rõ to như thường.
Những cái tên “ghi danh bảng vàng”
Đội bóng cứ thế dần sàng lọc, bổ sung những nhân tố mới. Trong số đó, không ít nàng đã “ghi danh bảng vàng”. “Hoa Học Trò sử ký” ghi chép lại, có một cô bé mới học lớp 7, đạp xe đến từ trường Tân Triều khiến HLV Tạ Quang Hậu phải gật gù nhận ngay bởi động tác khá điêu luyện. Đó là Nguyễn Thúy Nga, về sau trở thành tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển nữ Việt Nam, ngày nay là một HLV bóng đá nữ.
Một hôm khác, có một cô bé cao dong dỏng, ăn mặc khá bụi, đi dép lê đến xin nhập đội, bảo rằng hiện cô bé đang ở trong đội cầu lông nhưng thích đá bóng hơn. Cô bé ấy tên Nguyễn Thị Hà, học lớp 9 trường Ngọc Thụy, Gia Lâm, từng đoạt giải nhất môn chạy của học sinh Thủ đô. Chủ nhật nào Hà cũng được bố ủng hộ, đèo qua cầu Long Biên đến sân Quán Thánh để đá bóng. Sau này Nguyễn Thị Hà đã trở thành một danh thủ của đội tuyển quốc gia.
Phùng Thị Minh Nguyệt khi đó đang học lớp 12 PT Công nghiệp, đá bóng rất khá, nhưng bận học cuối cấp nên định nghỉ. Chú Nguyễn Như Mai - Trưởng Ban biên tập HHT hồi đó, đã cùng một phóng viên đến tận trường thuyết phục Minh Nguyệt tiếp tục chơi bóng. Sau này, Minh Nguyệt trở thành một tiền đạo xuất sắc thế hệ bóng đá nữ đầu tiên.
“Bảng vàng” còn nhắc đến nàng đội trưởng Bùi Hiền Lương, nữ cầu thủ có hoa tay, thích vẽ; người tâm thước nhưng là một tiền đạo dũng mãnh. Hiền Lương về sau trở thành đội trưởng có uy tín của đội tuyển nữ quốc gia.
Về sau, có nhiều bóng hồng “bỏ cuộc chơi” banh bóng vì theo đuổi việc học hành, hay công việc, dù có năng khiếu. Nhưng họ vẫn gắn với bóng đá theo những cách khác nhau. Như Hoàng Phương, một trong những người “khởi xướng” lập đội bóng năm đó, về sau tuy tạm biệt đá bóng đi làm báo nhưng vẫn gắn bó với ngành văn hóa thể thao trên truyền hình.
Từ Thủ đô đi ra Đông Nam Á
Hồi ấy, chuyện con gái đá bóng cũng là một sự kiện gây xôn xao dư luận. “Hoa Học Trò sử ký” giấu tên một nhân vật trong Trung tâm thể dục thể thao, đã nói rằng bóng đá nam còn chẳng ăn ai, bày đặt bóng đá nữ làm gì. Nhưng số người ủng hộ và hoan nghênh rất nhiều, nhiều phóng viên các báo khác cũng đến sân tập với các mầm non bóng đá nữ khi ấy. Cuối cùng, đội bóng đá nữ mang tên Hoa Học Trò cũng hình thành và được Tòa soạn cung cấp quần áo cầu thủ, bóng và lưới.
Các trận đấu chính thức bắt đầu. Xuân Quý Dậu 93, lần đầu tiên bóng đá nữ HHT ra quân thi đấu với đội bóng đá nữ của trường Hà Nội - Amsterdam, “đè bẹp” đối thủ với tỉ số 4-0. Đến dịp kỷ niệm 26/3, một giải thi đấu bóng đá nữ đầu tiên của Hà Nội được tổ chức tại sân vận động Quân đội, đội HHT là một trong bốn đội được vào chung kết. Cuối cùng, giành được cúp khi toàn thắng 3 trận được 9 điểm. Đến dự và trao giải khi ấy có cả Bộ trưởng phụ trách thể thao Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Hồ Đức Việt và giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Rất nhiều báo chí đến đưa tin như một sự kiện thể thao mới.
Các trận đấu bóng từ đó dần lan rộng khỏi Thủ đô. Đội bóng nữ của Than Quảng Ninh quyết chí lên đường đến Thủ đô thách đấu, có cả chủ tịch tỉnh đến cổ vũ. Trận đấu diễn ra tại Sân vận động Quân đội có rất đông cổ động viên. Đội Quảng Ninh phải chịu thua quả đá phạt penalty rất quái của Nguyễn Thị Hà. Chịu thua trận đó nhưng chưa chịu từ bỏ, họ liền mời HHT đến đất Mỏ để “rửa hận”. Thế là lần đầu tiên HHT du đấu, và giành chiến thắng. Sau đó là những trận đấu với kỳ phùng địch thủ là CLB Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh.
Từ “cái thuở ngày xưa lưu luyến ấy”, CLB Hoa Học Trò đã hòa vào phong trào bóng đá nữ toàn quốc, góp những tài năng cho đội tuyển quốc gia, chẳng bao lâu đã trở thành “một thế lực” trong làng bóng nữ Đông Nam Á.
Lần đầu tiên giành Huy chương Vàng trở về, các cầu thủ nữ vẫn nhớ đến “cái nôi” ra đời, đem đến tặng báo Hoa một quả bóng có đủ chữ ký của các danh thủ và… một lời thách đấu. Không cần dự đoán cũng biết là ở trận đó, các PV HHT đã thua liểng xiểng, phải mang rổ vào... hứng bóng. Tuy thua trận nhưng “Hoa Học Trò sử ký” đã chép lại kỷ niệm ấy với tất cả niềm tự hào và xúc động rưng rưng mà không thể nào có được với bất kỳ một đội bóng nào khác trên đời.