Những nhân chứng sống đau đớn nhớ về vụ thảm sát Tulsa ở Mỹ cách đây 100 năm
Ngày 1/6, hàng trăm người đã tham dự một nghi lễ tưởng niệm bên ngoài Nhà thờ Vernon tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma) nhằm đánh dấu 100 năm ngày xảy ra vụ thảm sát phân biệt chủng tộc đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ. Có những cụ bà 'gần đất xa trời' vẫn theo đuổi các vụ kiện đòi công lý.
300 người chết, 10.000 người trở thành vô gia cư chỉ sau 1 đêm
Ngày 1/6/2021, nhiều quan chức người da đen, bao gồm chính trị gia Jesse Jackson và mục sư William Barber, đã cùng với các lãnh đạo địa phương cầu nguyện và phát biểu bên ngoài nhà thờ từng bị phá hủy khi một đám đông da trắng tràn vào khu phố da đen năm 1921.
Trong số những người phát biểu tại buổi lễ còn có 2 nữ Hạ nghị sĩ: Barbara Lee, Lisa Blunt Rochester và Thượng nghị sĩ Chris Coons. Bà Rochester cho biết Hạ viện đang chờ phê duyệt một dự luật sẽ tạo ra một ủy ban nghiên cứu và đề xuất các khoản bồi thường cho các nạn nhân của vụ thảm sát và con cháu của họ. "Chúng ta ở đây để tưởng nhớ, để thương tiếc, để xây dựng lại một cách công bằng", bà Rochester tuyên bố trước đám đông.
Cách đây tròn 1 thế kỷ, ngày 31/5/1921, cuộc thảm sát bắt đầu sau khi 1 thanh niên da đen 19 tuổi tên Dick Rowland bị cáo buộc tấn công tình dục một thiếu nữ da trắng 17 tuổi trong thang máy. Rowland khăng khăng rằng anh ta chỉ vấp ngã và vô tình xô vào cô gái. Người phụ nữ tên Sarah Page đã không đưa ra lời buộc tội nhưng cộng đồng da trắng lại sôi sục. Một đám đông tụ tập đòi "xử" Rowland, song những người đàn ông da đen ở Greenwood không để chuyện đó xảy ra. Trang bị súng săn và súng trường, 30 cư dân đã dựng một chướng ngại vật bên ngoài đồn cảnh sát nơi Rowland đang bị giam giữ. Những tiếng súng vang lên và cuộc thảm sát Tulsa bắt đầu.
Từ nhiều năm trước, người da trắng phân biệt chủng tộc nhận ra sự thịnh vượng của cộng đồng da đen ở Greenwood và họ không vui gì về điều đó. Chính sự phẫn nộ âm ỉ khiến cuộc bạo loạn Tulsa trở nên hủy diệt hơn. Những người da trắng ở Tulsa đã trút cơn giận dữ của họ lên Greenwood, khu vực rộng lớn đông người da đen sinh sống, còn được gọi là Phố Wall Đen.
Ngày 1/6/1921, hàng nghìn người nổi loạn kéo qua Greenwood, bắn và tàn sát người da đen giữa đường phố, phá hủy tài sản và đốt cháy nhà cửa. Họ phá hủy các doanh nghiệp và cướp phá các tòa nhà khiến thị trấn chỉ còn là một đống đổ nát. Chỉ trong 1 ngày, những kẻ bạo loạn đã thiêu rụi gần như toàn bộ Phố Wall Đen. Ước tính số người chết sau vụ thảm sát lên tới 300 người, hàng nghìn người mất nhà cửa và một cộng đồng da đen được coi là hình mẫu thịnh vượng của nước Mỹ đã bị san phẳng. Hơn 35 tòa nhà trên đường phố bị đốt cháy, thiệt hại tài sản từ 32,6 đến 47,4 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng thiệt hại về tài sản có thể lên tới 100 triệu USD.
Gần như các cư dân Greenwood sống sót, khoảng 10.000 người, bỗng trở thành vô gia cư. Chỉ sau 1 đêm, những gia đình da đen giàu có nhất ở Mỹ, sống trong những ngôi nhà to đẹp ở một vùng ngoại ô thịnh vượng, được giáo dục tốt, phải chui rúc trong những chiếc lều của Hội Chữ thập đỏ. Nhiều người sống ở đó không bao giờ thực sự hồi phục sau chấn thương và hoảng loạn.
Theo mô tả của báo New York Times vào năm 1921, vài ngày sau vụ thảm sát Tulsa, một thẩm phán thành phố đã ra lệnh bồi thường đầy đủ và tái định cư toàn bộ người da đen ở khu vực bị phá hủy. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng sau đó đổ lỗi cho người da màu về nguồn cơn vụ việc. Những người đàn ông da trắng ở Tulsa đã đốt nhà và giết người giữa đường mà không một ai bị truy tố.
Trong khi đó, vụ kiện chống lại Dick Rowland bị bác bỏ tháng 9/1921. Sarah Page (cô gái da trắng trong thang máy) đã không ra làm chứng chống lại Rowland tại tòa án - có lẽ đó là lý do chính khiến vụ án kết thúc.
Vào đầu thế kỷ 21, 80 năm sau sự kiện, Ủy ban Chống bạo động chủng tộc Tulsa đưa ra một báo cáo và yêu cầu bồi thường cho những người sống sót. Tuy nhiên, cả tòa án quận và Tòa án Tối cao Mỹ đều bác yêu cầu đó, nói rằng vụ việc đã hết thời hiệu.
Cuộc chiến bền bỉ vì công lý
Năm 2001, một số nạn nhân còn sống và hậu duệ của những người đã chết trong vụ thảm sát Tulsa nộp đơn khởi kiện nhưng đến năm 2005, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kiện này. Nguyên đơn chính của vụ kiện là bà Lessie Benningfield Randle hiện đã 106 tuổi. Bà Randle là một trong những nạn nhân còn sống của vụ thảm sát Tulsa. Bà cho biết vẫn còn nhớ những ngôi nhà chìm trong biển lửa và các thi thể chất đống trong các thùng xe tải trên đường phố Tulsa.
"Khi đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ là mình đã phải bỏ chạy khi đám người ấy xông vào nhà. Xác người chất thành đống trên đường phố. Chính mắt tôi nhìn thấy Don M. Adams, cháu trai của bác sĩ phẫu thuật da đen AC Jackson, bị bắn vào bụng và chảy máu suốt 5 tiếng đồng hồ trước khi chết…", bà Randle hồi tưởng về nỗi kinh hoàng trong vụ thảm sát.
Cụ bà Olivia Hooker cũng luôn đòi công lý bất chấp nhiều thất vọng. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể sống đủ lâu để chứng kiến điều gì đó xảy ra nhưng dù tôi đã sống gần 100 năm, điều đó vẫn không xảy ra. Mọi người phải tiếp tục hy vọng, tiếp tục hy vọng để cất lên tiếng nói", bà Hooker, người lên 6 tuổi vào thời điểm cuộc bạo loạn, chia sẻ. Tuy nhiên, bà Hooker đã qua đời tháng 11/2018 ở tuổi 103 mà chưa đòi được công lý cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Tulsa.
Ngày 1/9/2020, một số nạn nhân còn sống và hậu duệ của những người đã chết trong vụ thảm sát nộp đơn khởi kiện lên Tòa án tối cao Liên bang Mỹ, yêu cầu bồi thường cho những tổn hại mà cư dân da đen phải chịu đựng từ năm 1921 đến nay. Hậu duệ người da đen ở Tulsa đã thành lập một ủy ban để tìm kiếm những ngôi mộ bị chôn cất lấp liếm sau vụ thảm sát, nằm đâu đó trong thành phố nhưng vẫn chưa phát hiện.
Cụ bà Viola Fletcher (107 tuổi), người lớn tuổi nhất còn sống sót sau thảm sát Tulsa, mới đây đã làm chứng trước phiên điều trần của Tiểu ban Dân quyền và Tự do Dân sự thuộc Quốc hội Mỹ ngày 19/5/2021.
"Tôi đã sống sót qua vụ thảm sát. Đất nước của chúng ta có thể quên lịch sử này nhưng tôi không thể. Trong đêm kinh hoàng đó, mẹ tôi đã đánh thức cả gia đình để chạy trốn khi những người da trắng tràn vào đốt phá, cướp bóc, tàn sát người da đen. Mọi người ngã xuống và máu đổ, tiếng khóc lóc và la hét vang lên. Tôi nhìn thấy những ngôi nhà và những chiếc xe bốc cháy, tiếng máy bay ầm ầm trên đầu. Giữa cơn thịnh nộ, gia đình tôi không còn gì ngoài bộ quần áo trên người. 100 năm sau, tôi vẫn sống với vết thương lòng", bà đau đớn nói.
Cụ bà Fletcher phải nghỉ học từ năm lớp 4 và làm giúp việc cho các gia đình người da trắng. Bà bày tỏ sự thất vọng khi những người khác, bao gồm cả thành phố Tulsa, sử dụng vụ thảm sát để quyên góp tiền trong khi những người sống sót như bà tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói.
Nguồn: History, Time