Những nhãn hàng trả giá đắt vì nội dung phân biệt chủng tộc
Nhiều thương hiệu đình đám đã phải trả giá, bị kêu gọi tẩy chay do các bài đăng hay quảng cáo coi thường văn hóa địa phương, phân biệt chủng tộc.
Jetstar Australia đang là tâm điểm chỉ trích với bài đăng có nội dung phân biệt chủng tộc về tờ tiền Việt Nam.
"Sorry but Vietnamese money being called dong is objectively funny" (tạm dịch: Xin lỗi nhưng mà đơn vị tiền tệ của Việt Nam gọi là dong buồn cười quá) là dòng caption mà trang Facebook của hãng này phải xóa sau khi nhận phản ứng dữ dội.
Nhiều người cho rằng "chẳng có gì hài hước" khi chơi chữ "đồng" với "dong" - là một từ lóng ám chỉ bộ phận sinh dục nam. Nhiều người tràn vào fanpage, kêu gọi tẩy chay và yêu cầu hãng phải xin lỗi.
Đáp trả dư luận, Jetstar Australia âm thầm xóa bài đăng, chỉ xin lỗi trong phần bình luận thay vì một bài xin lỗi chính thức. Điều này khiến cộng đồng người Việt càng bức xúc.
Jetstar Australia không phải doanh nghiệp duy nhất gây bức xúc với những bài đăng, chiến dịch hay quảng cáo có tính phân biệt chủng tộc. Trên thực tế, những nội dung thiếu tôn trọng con người cũng như văn hóa các quốc gia đã khiến nhiều nhãn hàng phải trả giá đắt.
Trò đùa thô thiển
Đầu tháng 9/2020, Pho King Bon - một nhà hàng tại thành phố Montreal (Canada) - vừa khai trương đã gây bức xúc khi chế giễu món Phở. Theo đó, các món ăn ở đây được đặt tên theo hàm ý xúc phạm Việt Nam.
Trong menu, các món ăn được đặt là "Pho Kyu", "Pho Kme", "Pho Kit", "Pho King Good", khi phát âm sẽ bị lệch đi theo nghĩa chửi thề trong tiếng Anh. Món "bún thịt nướng" cũng được chủ nhà hàng hướng dẫn khách đọc thành cụm từ chỉ bộ phận sinh dục trong tiếng Pháp.
Khi bị một số người Việt tại Canada yêu cầu đổi tên món ăn vì quá phản cảm, chủ nhà hàng này là Guillaume Boivin đã từ chối, cho rằng chẳng vấn đề gì.
"Tôi đặt tên chỉ vì thấy hài hước, chẳng có ngụ ý thô tục nào ở đây cả", người này tuyên bố, nói thêm rằng các tên gọi này đã được cấp phép bởi cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
Nhưng đến khi dân mạng kéo vào bình luận phản đối, bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, đồng loạt đánh giá 1 sao, chủ nhà hàng mới "quay xe" xin lỗi.
"Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến cộng đồng người Việt. Nhà hàng luôn mở cửa tiếp đón người Việt, trò chuyện và lắng nghe họ với sự tôn trọng. Cuối cùng, chúng tôi hy vọng những người đưa ra bình luận sai lệch, ghét bỏ sẽ dừng lại", nhà hàng này viết trong bài đăng trên fanpage.
Tháng 7/2020, một diễn đàn ở Malaysia có tên Memes_puaka bị "đánh sập" do chế giễu món gỏi cuốn của Việt Nam.
Cụ thể, diễn đàn có hơn 6.000 lượt theo dõi đăng ảnh món gỏi cuốn Việt Nam rồi so sánh phần bánh tráng với mảng da chết ở bàn chân. "Xin lỗi nếu làm bạn không còn thích ăn món gỏi cuốn Việt Nam nữa", trang này đăng caption kèm theo.
Bài đăng nhận về làn sóng chỉ trích, dân mạng cho rằng admin đã không tôn trọng ẩm thực Việt. Họ cho rằng những bức ảnh phản cảm có thể khiến những người chưa biết về món ăn này có cái nhìn sai lệch.
Cái giá phải trả
Chuyện các nhãn hàng, bao gồm cả thương hiệu lớn, dính lùm xùm vì các chiến dịch hay quảng cáo dính phốt phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc không phải hiếm. Hậu quả của những lùm xùm này không hề nhỏ.
Tiêu biểu có thể kể đến vụ việc xảy ra vào năm 2018, khi Dolce & Gabbana (D&G) hứng chịu làn sóng tẩy chay chưa từng có tại Trung Quốc bởi một đoạn quảng cáo.
Cụ thể, để quảng bá cho show diễn ở Thượng Hải, nhà mốt này đã tung video một người mẫu châu Á dùng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn phim không chứa từ ngữ xúc phạm, nhiều người Trung Quốc cho rằng biểu cảm của người mẫu chẳng khác gì châm biếm, giễu cợt văn hóa nước đất nước tỷ dân.
Sự phẫn nộ được đẩy lên đỉnh điểm khi Stefano Gabbana, nhà thiết kế và người đồng sáng lập hãng, đáp lại bình luận của một người xem trên Instagram: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt".
Nhà mốt Italy đã chịu hậu quả lớn. Thời điểm đó, 8 sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc, gồm Tmall, JD, Suning, NetEase, Koala, VipShop, YHD, Secoo đã xóa toàn bộ sản phẩm của Dolce & Gabbana.
New York Times đưa tin về Xiang Kai, một đạo diễn kiêm nhà văn ở Thượng Hải, đã đốt hết các sản phẩm Dolce & Gabbana trị giá 20.000 USD, gồm áo khoác, áo vest và túi xách. Xiang nói rằng hành động của mình nhằm "đánh thức người dân và đất nước".
Một số người Trung Quốc ở Milan thậm chí biểu tình trước văn phòng của thương hiệu này với biểu ngữ "Not me". Theo SCMP, một số người còn chớp thời cơ kinh doanh khi tung ra sản phẩm áo phông, ốp điện thoại in dòng chữ này.
Lucky Blue Smith, người mẫu 3,2 triệu người theo dõi trên Instagram, quyết định bỏ diễn một show của hãng này như một cách ủng hộ người Trung Quốc. "Mọi người, mọi nền văn hóa phải được đối xử bằng sự tôn trọng. Tôi sẽ sớm trở lại Trung Quốc. Yêu các bạn nhiều", Smith bày tỏ.
Để "chữa cháy", nhãn hàng này đã xóa clip được cho là phân biệt chủng tộc. Còn Stefano Gabbana thì nói rằng tài khoản của mình bị hack.
Ngày 23/11 cùng năm, bộ đôi nhà thiết kế Stefano Gabbana và Domenico Dolce đã đăng video xin lỗi người dân Trung Quốc trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất nước này), Reuters đưa tin.
Trước đó không lâu, vào đầu năm 2018, H&M đã phải xin lỗi công chúng khi sử dụng mẫu nhí là người da đen mặc chiếc áo in dòng chữ nhạy cảm: "Coolest mokey in jungle" (tạm dịch: Chú khủ ngầu nhất trong rừng).
Quảng cáo nhận chỉ trích dữ dội, nhà mốt Thụy Điển bị cho là phân biệt chủng tộc, chế giễu người da màu. Vụ bê bối đi xa hơn một số cửa hàng H&M bị đập phá, 17 cửa hàng của hãng ở Nam Phi bị đóng cửa.
Năm 2017, Dove - nhãn hiệu thuộc sở hữu của Unilever - đã phải xin lỗi với quảng cáo bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc. Trong video, một người phụ nữ da màu sau khi tắm Dove đã biến thành một cô gái da trắng. Nhãn hàng phải lên tiếng xin lỗi, nhưng vẫn mất đi một lượng khách lớn, cũng như mất điểm trong mắt công chúng.