Nhùng nhằng vụ cưỡng chế công trình sai phạm trong sân golf Đồi Cù - Đà Lạt

Ngày 17/7/2024, UBND Phường 1 - TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và UBND TP Đà Lạt, các cơ quan chức năng có kế hoạch tiến hành thực hiện quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả đối với 2 công trình vi phạm của Công ty CP Hoàng Gia ĐL trong sân golf Đồi Cù - Đà Lạt; bất ngờ đại diện công ty này đưa ra quyết định phong tỏa tài sản sân golf Đồi Cù của TAND TP.Thủ Đức (TPHCM) khiến việc cưỡng chế công trình vi phạm này lần thứ 2 phải tạm hoãn.

Hai khối tích công trình sai phép, không phép trong sân golf Đồi Cù - Đà Lạt

Hai khối tích công trình sai phép, không phép trong sân golf Đồi Cù - Đà Lạt

Trước đó, UBND Phường 1 đã lập kế hoạch thực hiện Quyết định số 1727, ngày 10/6/2024 của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 khối tích công trình xây dựng vi phạm về trật tự xây dựng tại sân golf Đồi Cù.

Đây là công trình xây dựng không phép, sai phép do Công ty CP Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư, gây bất bình dư luận suốt gần 1 năm qua.

Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có những chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với vi phạm tại công trình nhiều tai tiếng, ồn ào này. Theo kế hoạch, sáng 17/7, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã đến hiện trường tòa nhà CLB tại sân golf Đồi Cù (Phường 1 - TP Đà Lạt) để thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ 2 tòa nhà vi phạm trật tự xây dựng tại đây. Ông Nguyễn Long An - Chủ tịch UBND Phường 1 đã công bố quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt về việc cưỡng chế tháo dỡ 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng nói trên.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Gia ĐL, đã nhận sai về công trình xây dựng tại tại sân golf Đồi Cù khi chưa có giấy phép xây dựng và đã chấp hành đóng các khoản phạt. Cùng đó, ông Hùng thông tin: "Thời điểm đó, UBND tỉnh và các sở ngành cho rằng công trình xây dựng trên đất rừng, nhưng vừa qua UBND tỉnh đã thu hồi, hủy bỏ quyết định đưa diện tích 29,59 ha thành đất rừng vì sai với quy định của Nhà nước, cho nên việc chúng tôi xây dựng ở đây không phải là xây trên đất rừng mà là đất được phép xây dựng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan ban ngành tiếp tục cấp phép cho chúng tôi để hoàn thành công trình này", ông Hùng phát biểu.

Đồng thời, ông Hùng cho biết, công trình này đang có tranh chấp giữa các nhà thầu và đưa ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (số 16/2024/QĐ-BPKCTT ngày 16/7/2024) của TAND TP Thủ Đức (TPHCM). Theo đó, TAND TP Thủ Đức quyết định: "Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tòa nhà CLB golf Đà Lạt… cho đến khi có quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này".

Ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (đầu tiên, từ trái qua) xem xét quyết định phong tỏa tài sản hình thức áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Thủ Đức đối với 2 khối công trình vi phạm do đại diện Công ty CP Hoàng Gia ĐL đưa ra

Ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (đầu tiên, từ trái qua) xem xét quyết định phong tỏa tài sản hình thức áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Thủ Đức đối với 2 khối công trình vi phạm do đại diện Công ty CP Hoàng Gia ĐL đưa ra

Quyết định này dựa trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp" của Công ty TNHH Văn Lang (tại TP Thủ Đức), là nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số 236 ngày 7/6/2024 về việc "tranh chấp hợp đồng thi công" đối với Công ty CP Hoàng Gia ĐL - là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nêu trên".

Trước tình huống này, Ban cưỡng chế đã hội ý và ông Nguyễn Long An công bố tạm hoãn thi hành cưỡng chế.

Trước đó, như Báo Công an TPHCM đã thông tin, 2 khối công trình vi phạm trật tự xây dựng tại sân golf Đồi Cù có tổng diện tích hơn 20.406 m2, bị các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ từ tháng 1/2024.

Ngày 11/6/2024, Công ty CP Hoàng Gia ĐL có văn bản thông báo, mời các cơ quan chức năng tại TP.Đà Lạt đến chứng kiến việc doang nghiệp tự nguyện chấp hành tháo dỡ. Tuy nhiên, sau đó, việc tháo dỡ 2 khối công trình vi phạm này phải dừng thực hiện bởi theo quy định, việc tháo dỡ 2 khối tích công trình này phải lập phương án, giải pháp phá dỡ theo đúng quy định, trình cơ quan chức năng phê duyệt; trong khi phía doanh nghiệp tổ chức tháo dỡ thủ công, không lập phương án, sẽ không đảm bảo an toàn lao động.

Ngày 16/7, sau 1,5 tháng, các cơ qua chức năng TP Đà Lạt buộc Công ty CP Hoàng Gia ĐL tháo dỡ công trình vi phạm; được thực hiện bởi một đơn vị thi công có chuyên môn, năng lực. Thời gian cưỡng chế dự kiến diễn ra trong 2 tháng, tính từ ngày 17/7; tổng chi phí thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm này dự kiến đến hơn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm tháo dỡ, phía Công ty Hoàng Gia ĐL lại trưng ra quyết định của Tòa án khiến kế hoạch tháo dỡ công trình vi phạm phải dời lại.

Tổ cưỡng chế tại công trình vi phạm

Tổ cưỡng chế tại công trình vi phạm

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp Tòa án quyết định áp dụng trước khi thụ lý hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tranh chấp, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể gây ra thiệt hại về quyền và lợi ích cho bên bị áp dụng và người khác. Do đó, khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải rất thận trọng, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhung-nhang-vu-cuong-che-cong-trinh-sai-pham-trong-san-golf-doi-cu-da-lat_164827.html