NHỮNG NHIỆM VỤ MÀ QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC LÀ NHIỆM VỤ DỰ KIẾN CÓ MỨC ĐẦU TƯ LỚN
Báo cáo tổng kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kết quả thực hiện Chương trình có 14/22 nhiệm vụ được triển khai thực hiện, còn 08 nhiệm vụ không triển khai được. Trong đó, nhiều nhiệm vụ chưa thực hiện được là nhiệm vụ dự kiến có mức đầu tư lớn...
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg và Quyết định số 868/QĐ-TTg đã có những đóng góp, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo thông tin liên lạc cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền và cộng đồng dân cư; hỗ trợ có hiệu quả việc thực Đề án số hóa truyền hình đến năm 2020. Những đóng góp tích cực của Chương trình đối với Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đã được khẳng định và cần tiếp tục phát huy; đồng thời thông qua thực tế thực hiện Chương trình, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế để việc xây dựng chính sách và triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả.
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 đã bộc lộ một số tòn tại, bất cập. Đó là việc xây dựng Chương trình chưa dự báo được những khó khăn, diễn biến của tình hình thực tế về phát triển thị trường, nhu cầu sử dụng dịch vụ, sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực viễn thông nên hạn chế về tính khả thi; trong khi đó, công tác hướng dẫn, điều hành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình chậm thực hiện, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung còn chưa được hướng dẫn đầy đủ (như nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hạ tầng); trong quá trình thực hiện, chưa giải quyết, kịp thời những khó khăn, bất cập xảy ra trong thực tế.
Trong hướng dẫn tham gia thực hiện Chương trình đối với các địa phương chưa sát tình hình thực tế, không đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm và điều kiện nguồn lực để đảm bảo thực hiện trách nhiệm của các địa phương, nên việc tham gia của các địa phương trong quản lý chương trình rất hạn chế, nhất là công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại địa phương. Kết quả thực hiện Chương trình đạt thấp, có 14/22 nhiệm vụ được triển khai thực hiện, còn 08 nhiệm vụ không triển khai được.
Với những tồn tại, bất cập trên, tại cuộc họp về nội dung Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị các Bộ ngành làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên cũng như những nhiệm vụ không triển khai được.
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu rõ, trong 22 nhiệm vụ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thì đến nay mới chỉ có 14/22 nhiệm vụ được triển khai, 8 nhiệm vụ chưa thực hiện lại nằm ở địa bàn rất khó khăn. Thực tế đầu tư hạ tầng viễn thông thì những nơi dễ làm, hoạt động có lợi nhuận doanh nghiệp mới đầu tư còn các khu vực khó khăn sẽ khó thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, theo đại biểu Tráng A Dương, cần đánh giá lại việc thực hiện Chương trình, đồng thời xem xét mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ để tập trung đầu tư cho 8 nhiệm vụ chưa được thực hiện của Chương trình.
Cùng quan điểm trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang nêu rõ, để hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng, phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để duy trì, phát triển hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các quỹ ngoài ngân sách nhà nước cũng cho thấy việc quản lý, sử dụng các quỹ này còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị làm rõ phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; bổ sung quy định cụ thể về địa bàn hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập, trách nhiệm của địa phương…
Quá trình tổ chức triển khai Chương trình còn nhiều vướng mắc, bất cập
Với những đề nghị của các đại biểu Quốc hội như trên, báo cáo tổng kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trước hết là công tác xây dựng chính sách và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông chưa hợp lý, có sự chồng chéo về trách nhiệm giữa Ban Quản lý Chương trình và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; có nhiều đầu mối, cơ quan tham gia nhưng công tác tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông của các cơ quan được giao nhiệm vụ chưa tốt, chưa kịp thời trong việc hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình cũng như xử lý các tình huống phát sinh.
Kết quả thực hiện Chương trình đạt thấp, có 14/22 nhiệm vụ được triển khai thực hiện, còn 08 nhiệm vụ không triển khai được gồm: (i) Hỗ trợ đầu tư thiết lập hệ thống truyền dẫn băng rộng; (ii) Hỗ trợ thiết lập mạng truy nhập băng rộng cố định; (iii) Hỗ trợ thiết lập mạng truy nhập băng rộng di động; (iv) Hỗ trợ kết nối Internet băng rộng cho các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã; (v) Hỗ trợ đầu tư trang bị phát phát truyền hình số mặt đất để phát các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; (vi) Hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình số qua vệ tinh Vinasat; (vii) Hỗ trợ triển khai các giải pháp tang cường bảo đảm liên lạch an toàn, tin cậy trong thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cho cộng đồng và điều hành của chính quyền các cấp; (viii) Hỗ trợ thiết lập cổng thông tin điện tử của UBND các cấp và dịch vụ công trực tuyến trên cổng phục vụ người dân, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, nhiều nhiệm vụ chưa thực hiện được là những nhiệm vụ dự kiến có mức đầu tư lớn.
Các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ có liên quan đối với triển khai Chương trình còn hạn chế về hiệu quả trong công tác tham mưu. Giữa Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chồng chéo nhiệm vụ, phối hợp chưa tốt nên xảy ra tình trạng có nhiều đầu mối triển khai thực hiện, điều phối Chương trình, dẫn đến chồng chéo; kéo dài việc thực hiện, hao phí nguồn lực, hiệu quả quản lý không cao.
Quá trình tổ chức triển khai Chương trình còn nhiều vướng mắc, bất cập, như: Chưa quan tâm đúng mức đến công tác kế hoạch thực hiện Chương trình, thiếu tính tổng thể; triển khai Chương trình theo từng nhiệm vụ, phải xử lý nhiều tình huống phát sinh mang tính sự vụ. Công tác tham mưu của của các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chưa hiệu quả, chậm phát hiện, để xuất xử lý những vấn đề bất cập nảy sinh. Có những nhiệm vụ trong 4 năm đầu gần như không phát sinh sản lượng dịch vụ viễn thông công ích (như nhiệm vụ: hỗ trợ hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông di động), đến năm 2020 mới điều chỉnh cơ chế, khắc phục tồn tại thì đã là năm cuối của Chương trình.
Một trong những nhiệm vụ lớn của Chương trình là hỗ trợ xây dựng hạ tầng viễn thông đến các xã còn trắng dịch vụ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nên việc lựa chọn chủ đầu tư còn lúng túng, kéo dài. Mặt khác, việc tổ chức rà soát và gom các nhiệm vụ theo địa bàn tỉnh thành các dự án hỗ trợ thiết lập hạ tầng có qui mô khu vực (nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án dễ dàng triển khai các dự án hơn) đã nảy sinh vấn đề thay đổi thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở nên việc thẩm định kéo dài.
Về phối hợp của các Sở Thông tin và Truyền thông trong tham gia quản lý thực hiện Chương trình, theo quy định, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận kết quả hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các doanh nghiệp triển khai tại địa phương. Tuy nhiên, một số Sở thực hiện chưa kịp thời, chất lượng thông tin một số trường hợp chưa chưa đầy đủ, cần xác minh lại, dẫn đến kéo dài thời gian nghiệm thu, thanh, quyết toán thực hiện dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình chưa phát huy đầy đủ vai trò của các địa phương trong công tác này; Công tác nghệm thu, thanh, quyết toán thực hiện Chương trình chậm so với quy định.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên chủ yếu là do một số mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình thiếu tính khả thi; công tác hướng dẫn cơ chế quản lý chưa kịp thời. Việc hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông còn trùng lặp, phối hợp chưa tốt. Đối với các Sở Thông tin và Truyền thông gặp khó khăn về nhân lực, tài chính để tham gia quản lý thực hiện Chương trình tại địa phương.
Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là chương trình chi tiêu công lớn, liên quan đến lĩnh vực quan trọng của ngành và công tác an sinh xã hội, song công tác tuyên truyền về Chương trình còn rất hạn chế... Do đó, mặc dù chính sách có ý nghĩa rất lớn và mang tính tích cực đối với xã hội nhưng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình chưa được biết đến chính sách, không hiểu được hết các quyền và lợi ích được hưởng từ Chương trình để tham gia./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78044