Những nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối năm của ngành Công Thương
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương, hướng tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Công Thương đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Sáng 7/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Công Thương kết hợp tổ chức hội nghị sơ kết công tác giữa năm và Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại định kỳ.
Còn những "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến sự phát triển
Nhận định về tình hình 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá dù còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và đạt những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng liệt kê những vấn đề mà ngành công thương phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, bao gồm tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn ở mức thấp; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ; các thị trường và mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn.
Việc nắm tình hình, phân tích, dự báo và đề xuất, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời.
Công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thực hiện cải cách hành chính vẫn còn hạn chế. Một số nhiệm vụ được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng mặc dù được đôn đốc nhiều lần.
Đây là những “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của ngành thời gian qua, cần nhìn nhận và có các giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Những nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối năm
Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định trong thời gian tới, vì vậy để hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, lãnh đạo Bộ Công Thương đề ra hàng loạt những nhiệm vụ trọng tâm.
Trong bối cảnh nhiều biến số của kinh tế thế giới, cần nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, có giải pháp phù hợp, khả thi nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm.
Khẩn trương phối hợp hoàn thành thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm, nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền; kịp thời khắc phục sự cố tại các nhà máy điện, bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy.
Thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; hoàn thiện thủ tục để chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm A0 và đẩy mạnh các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tăng cường giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu. Không để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục nhằm rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tích cực triển khai xây dựng các dự án luật và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.
Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, như Israel, UAE, Mercosur… Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại. Khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Tiếp tục chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.
Đối với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu của thị trường và cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất phản ứng chính sách kịp thời; đồng thời, giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Tăng cường kết nối, hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Công Thương đề nghị tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII (dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7). Tích cực phối hợp trong xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng theo định hướng quy hoạch.
Đồng thời, tập trung giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án điện trên địa bàn, đặc biệt là các dự án quan trọng.
6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023 và đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Về xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.