Những nhịp cầu nối bờ vui

Cầu Việt Trì được xây năm 1901 dưới thời toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Khi hòa bình lập lại, năm 1956, cầu Việt Trì được xây dựng lại, về cơ bản giữ kiểu kiến trúc cũ. Đến năm 1992, cây cầu mới được xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay. Đây là cây cầu đường bộ và đường sắt kết hợp tại vị trí km52+900 của Quốc lộ 2 bắc qua sông Lô, đảm bảo giao thông tuyến từ Hà Nội đi Hà Giang và vùng Tây Bắc.

Cầu Việt Trì được xây năm 1901 dưới thời toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Khi hòa bình lập lại, năm 1956, cầu Việt Trì được xây dựng lại, về cơ bản giữ kiểu kiến trúc cũ. Đến năm 1992, cây cầu mới được xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay. Đây là cây cầu đường bộ và đường sắt kết hợp tại vị trí km52+900 của Quốc lộ 2 bắc qua sông Lô, đảm bảo giao thông tuyến từ Hà Nội đi Hà Giang và vùng Tây Bắc.

Cây cầu được ví như “con rồng thép” bắc qua sông Lô, khoe những tiết tấu bằng thép khỏe khoắn, mang tính biểu tượng của một thành phố Việt Trì mạnh mẽ và hào hùng. Là nhân chứng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của nhân dân Vĩnh Phú ngày ấy...

Cầu Văn Lang được khởi công vào ngày 1/8/2016 và chính thức đưa vào hoạt động đúng vào dịp kỉ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018) với mức đầu tư hơn 1.460 tỉ đồng. Nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C, các phương tiện từ Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 30km so với các tuyến đường hiện nay.

Cây cầu là công trình hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần tạo điều kiện thu hút du lịch về với Đất Tổ và tiếp cận được với trung tâm kinh tế- xã hội lớn của đất nước. Cây cầu mang ý nghĩa biểu tượng của một Phú Thọ hiện đại, vươn cao, vươn xa.

Cầu đi bộ được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 17/10/2019 với tổng kinh phí trên 80 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cây cầu nối liền hai bờ hồ Đầm Cả, nằm trong công viên Văn Lang, đường Nguyễn Tất Thành, điểm nhấn là một tòa tháp cao 7 tầng được xây dựng ở trụ giữa hồ, có mặt bằng hình tròn thu hẹp đường kính từ tầng 1 đến tầng 7. Từ tòa tháp 7 tầng độc đáo này, người dân và du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Việt Trì. Kiến trúc cầu lấy cảm hứng từ truyền thuyết Vua Hùng dựng lầu kén rể.

Cây cầu trở thành điểm nhấn nên thơ của công viên Văn Lang, góp phần vào những đổi thay diện mạo của đô thị Việt Trì, trở thành một "biểu tượng mới" cho một thành phố năng động.

Cầu Tiên Dung xây dựng tại vị trí tiếp giáp giữa hai hồ Đầm Cả và Đồng Cả, nối đường Tiên Dung với đường Hai Bà Trưng tạo nên vẻ đẹp bề thế, điểm nhấn kiến trúc cho vóc dáng hiện đại của thành phố. Cầu treo dây văng với những bó cáp được bố trí như những cột buồm căng gió ra khơi. Hai trụ tháp được thiết kế theo ý tưởng cánh sen cách điệu. Mang biểu tượng nổi bật của thành phố Việt Trì giàu truyền thống, mạnh mẽ, vươn mình đổi thay, phát triển.

Những cây cầu trong lòng thành phố không giản đơn là bê tông cốt thép, mà chứa đựng trong đó những tinh hoa kiến trúc, thành tựu phát triển kinh tế của thành phố Việt Trì anh hùng. Cùng với thời gian những chiếc cầu trở thành điểm nhấn không gian đô thị và ý nghĩa biểu tượng, giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, giúp Phú Thọ vươn lên tầm cao mới.

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202205/nhung-nhip-cau-noi-bo-vui-184399