Những nhớ thương với mùi… sum họp!
Sau một năm dài đằng đẵng với rất nhiều những lo toan bộn bề, cuối cùng thì cũng đến ngày cuối cùng của năm. Ai ai cũng già dặn hơn, trưởng thành hơn là điều tất yếu… nhưng quan trọng nhất là còn được bình an nhìn thấy nhau.
Khi tờ lịch đầu tiên của ngày tháng chạp hiện ra, thường tôi vẫn hay tự hỏi: “Sao con người ta vẫn cứ hay hoài mong mình là một đứa con nít? Trong khi thường trẻ con ít khi nào có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình, còn người lớn thì ngược lại…”. Nhưng chỉ cần một sớm trên đường phố Sài Gòn, bất chợt nghe mùi hương trầm, tôi biết mình cũng không khác gì… người ta!
Mình không khác, vì chỉ cần một mùi hương đến cùng cơn gió se lạnh cuối năm, là đã thấy trong mình một trời ký ức của thơ ấu. Cái mùi hương trầm ấm, dịu ngọt và đặc biệt là đầy da diết… khiến mình thật sự nôn nao với Tết. Như khi ngồi nhìn ba má thắp nén hương trầm lên bàn thờ tổ tiên trong bữa cúng tất niên chiều ba mươi, thấy dường như cả cuộc đời mình chỉ muốn dừng lại vào giây phút này.
Cái giây phút mà nhìn quanh nghe tiếng cười nói của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Đó không còn là niềm vui nữa, mà là cảm giác an lành… Sau một năm dài đằng đẵng với rất nhiều những lo toan bộn bề, cuối cùng thì cũng đến ngày cuối cùng của năm. Ai ai cũng già dặn hơn, trưởng thành hơn là điều tất yếu… nhưng quan trọng nhất là còn được bình an nhìn thấy nhau.
Mùi hương trầm cứ thoang thoảng từ đầu nhà cho đến cuối nhà, không chỉ nhắc nhớ cho bản thân mình về sự hiện diện của gia đình mà còn làm cho mình càng mong ước trở thành một đứa trẻ.
Có thể yêu Tết qua đĩa mứt gừng mứt bí, qua chiếc áo mới, qua phong bì đỏ thấp thoáng má chuẩn bị sẵn đợi sáng mùng 1 sẽ cho, qua những ngày nghỉ dài không lo lắng bài vở… Niềm hạnh phúc giản dị và đơn sơ hơn nhiều so với người lớn. Vì người lớn thì nghĩ đến việc phải ghé thăm ai, tặng quà cho ai, sắm sửa món gì trong nhà cửa… Giữa một ý nghĩa được tận hưởng với một ý nghĩ đầy lo toan, chắc rằng không khó để lựa chọn.
Cuộc sống nói một cách thực dụng nhất lúc này là… càng lúc càng mệt mỏi, áp lực nhiều hơn về tất cả mọi thứ trong khi những tham vọng trong mỗi con người thì không hề ít xuống. Ngày Tết, vì thế, vô hình trung như một khoảng lặng cần thiết bắt mình phải ngồi xuống, phải nhìn lại và thậm chí phải tự hiểu rõ bản thân mình đang đứng ở đâu trong những năm tháng này.
Không có Tết, chưa chắc gì những gia đình đông thành viên có cơ hội được nhìn thấy mặt nhau. Không có Tết chưa chắc gì còn nhớ mình vẫn còn rất nhiều chỗ dựa từ phía sau mà đôi khi mình đã quên mất.
Không có Tết chưa chắc gì mình còn nhớ được những món ăn ngon nhất trên đời này hóa ra không phải là sơn hào hải vị, mà là những món ăn được má nấu trong bữa cơm chiều tất niên mọi người quây quần với nhau… Không có Tết, với người Việt, đôi khi còn là cảm giác lạc loài khi mải mê đi xa mà quên mất lối quay về…
Mùi hương trầm với người trẻ là thế, còn với những người già thì là mùi của… an nhiên mà sống. Khi đã đi qua tất cả những dâu bể cuộc đời, điều mong muốn nhất chỉ còn là thấy mình vẫn khỏe từng ngày và tất cả những người thân yêu bên cạnh cũng thế. Cái gì cũng có thể kiếm lại được… trừ sức khỏe. Vậy nên thấy ba má năm nào khấn vái nén hương trầm trước bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ Phật cũng chỉ là cầu mong bình an, sức khỏe.
Người trẻ thì cứ mải mê đi còn người già thì cứ mong muốn được nhìn thấy con cái quay về. Một năm chờ đợi để rồi được vui với không khí sum vầy trong vài ngày. Nhìn thấy con về ăn Tết cũng khóc, mà nhìn thấy con sau Tết lại xa nhà mưu sinh cũng khóc. Nước mắt người già, không còn nhiều, nhưng vẫn cứ phải khóc vì con cái…
Mùi hương trầm ngày Tết vì thế mà vẫn giấu trong lòng chút gì đó khoắc khoải, day dứt!
Chỉ mong không nhất thiết phải là Tết, phải là chiều tất niên hay sáng mùng 1 mới thấy mình trong những mùi hương trầm nơi ngôi nhà thơ ấu. Chỉ cần nghe mùi hương trầm trong gió là đã có thể nghĩ về gia đình và những người thân yêu…
Là trẻ hay già, mùi hương trầm bao giờ với tôi cũng là mùi của sum họp và thương nhớ!
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nho-thuong-voi-mui-sum-hop-118232.html