Những nhóm đối lập nào tham gia vào cuộc nổi dậy ở Syria?
Bên cạnh Hayat Tahrir al-Sham, tại Syria cũng tồn tại nhiều nhóm đối lập tham gia vào cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Assad và tìm cách để chương trình nghị sự của mình được chính quyền mới công nhận.
Hayat Tahrir al-Sham (HTS)
Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tên tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tổ chức Giải phóng Levant”, ra đời vào thời điểm nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, sau khi quân đội của Tổng thống Assad sử dụng biện pháp cứng rắn để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ. 13 năm sau đó, chiến dịch lật đổ chính quyền Assad lại do chính nhóm này dẫn đầu, với lãnh đạo là Abu Muhammed al Jolani.
HTS từng thuộc tổ chức khủng bố al Qaeda trước khi tách ra vào năm 2016. Nhóm này đã trải qua nhiều lần đổi tên và cuối cùng được gọi là HTS, trở thành nhóm đối lập chống lại chính quyền Assad mạnh mẽ nhất ở thành phố Idlib thuộc phía Tây Bắc Syria. Uớc tính, HTS hiện có từ 10.000 đến 30.000 thành viên.
Trong các thông cáo chính thức được ban hành kể từ hôm 5/12, trước khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, lãnh đạo HTS Abu Muhammed al Jolani đã từ bỏ biệt danh gắn liền với quá khứ cực đoan của mình và sử dụng tên thật Ahmed al-Sharaa.
Theo Giáo sư Michael Clarke, cựu Giám đốc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, HTS là "một nhóm Hồi giáo đại diện cho chủ nghĩa Hồi giáo chính trị". Ông nhận định rằng, HTS có thể thay thể vị trí lãnh đạo nhà nước từ chính quyền Assad cũ, trái ngược với các nhóm đối thủ chỉ "muốn chương trình nghị sự của họ được công nhận".
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF)
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là lực lượng đối lập chủ chốt ở phía Đông Bắc Syria. Nhóm này được thành lập vào năm 2015 với sự hỗ trợ của Mỹ và nằm dưới quyền lãnh đạo của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), phần lớn bao gồm các chiến binh người Kurd muốn có một nhà nước người Kurd độc lập trên khắp Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều chiến binh SDF là cựu chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã chiến đấu nhiều thập kỷ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục đích thành lập một quốc gia độc lập cho người Kurd.
Ngoài ra, cũng có một số thành viên là dân quân Cơ đốc giáo và Ả Rập tham gia vào nhóm này.
Giáo sư Clarke mô tả lực lượng này là "có tổ chức tốt" và mạnh nhất về "cả số lượng lẫn chất lượng". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, bất chấp mô hình đa sắc tộc của SDF và việc thành lập các hội đồng địa phương có đa số là người Ả Rập, vẫn có những khiếu nại dai dẳng về sự mất cân bằng quyền lực giữa người Ả Rập và người Kurd ở các khu vực do SDF kiểm soát, cũng như sự hiện diện của các quan chức thuộc YPG trong các cơ quan hành chính.
Trong thời gian tiến hành chiến dịch lật đổ chính quyền Assad, một nhóm quân lớn từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã tiến vào thành phố Aleppo từ hướng Đông, hợp tác với quân đội Syria để giúp di tản quân chính phủ và dân thường.
Quân đội quốc gia Syria (SNA)
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria để mở cuộc tấn công Nhà nước Hồi giáo và các nhóm người Kurd vào năm 2016, một mạng lưới dân quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã thành lập và trở thành Quân đội quốc gia Syria (SNA) vào năm sau. Nhóm này cũng kết nạp nhiều thành viên từ tổ chức cũ có tên gọi là Quân đội Syria Tự do (FSA).
SNA là nhóm có hàng chục phe phái với các hệ tư tưởng khác nhau, nhận tài trợ và vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh này có Mặt trận giải phóng quốc gia, bao gồm các phe phái như Ahrar al-Sham đặt mục tiêu là "lật đổ chế độ (Assad)" và “thành lập một nhà nước Hồi giáo được quản lý theo luật Sharia”.
SNA sau đó chiếm giữ một khu vực dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thuộc phía Bắc Aleppo như một loại vùng đệm để ngăn lực lượng người Kurd xâm nhập vào lãnh thổ của mình. HTS và SNA là một liên minh phức tạp, đôi khi là đồng minh và đôi khi là đối thủ, với các mục tiêu có thể khác nhau.
Giáo sư Clarke cho biết: "Giống như SDF, họ có chương trình nghị sự chống Hồi giáo, nhưng họ được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ thay vì Mỹ". Mặc dù họ sẵn sàng tham gia lực lượng HTS để lật đổ Assad - nhưng mục đích cuối cùng của họ lại là "chống đối" chính quyền Assad.
Các nhóm khác
Bên cạnh đó, có rất nhiều lực lượng dân quân nhỏ hơn đang hoạt động trên khắp cả nước.
Mặc dù nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị Mỹ xóa sổ gần như hoàn toàn ở Syria vào năm 2019, nhưng tổ chức này vẫn hiện diện ở một số khu vực của đất nước. Quân đội Mỹ đã duy trì khoảng 900 quân bên trong Syria để ngăn chặn mọi hoạt động nội loạn trong bối cảnh các cuộc tấn công của IS trở nên thường xuyên hơn kể từ năm 2023.
Một liên minh phe đối lập mới ở phía Nam Syria vừa được thành lập trong cuộc nổi dậy tháng này bao gồm khoảng 50 nhóm, trong đó có các chiến binh Thiên chúa giáo, Druze và Alawite. Ngoài ra, cũng có các nhóm chung lớn hơn, xen lẫn giữa cả hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Syria và Hồi giáo, cũng đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Giáo sư Clarke cho biết: "Hầu hết các lực lượng dân quân nhỏ hơn này đều thay đổi tên và thay đổi liên minh khá thường xuyên. Tuy nhiên, họ đều đang cạnh tranh để chương trình nghị sự của mình được công nhận bởi bất kỳ ai sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nhà nước Syria mới".