Những nô lệ công nghệ không lối thoát ở Campuchia
Với số tiền thu lời có thể lên đến hàng triệu USD mỗi ngày, các tổ chức tội phạm ở Campuchia sẵn sàng biến cuộc đời những nạn nhân bị lừa trở thành cơn ám ảnh kéo dài.
Các video và hình ảnh bên trong những ổ lừa đảo tại Campuchia bắt đầu xuất hiện trên Internet vào giữa năm 2021. Trong một video, nạn nhân bị đánh bằng gậy, roi điện ngay trước mặt những người khác. Họ bị còng tay vào khung giường sắt, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn và cơ thể đầy vết thương chảy máu.
Ở video khác, một người đàn ông thu mình trong góc phòng, dang hai tay trên đầu trong tuyệt vọng trước những cú vụt mạnh từ dùi cui. Kẻ bắt giữ anh đe dọa sẽ chặt tay nếu gia đình không chịu trả cho tổ chức tội phạm này số tiền 3.000 USD trong vòng vài giờ.
Đối với những nạn nhân từ chối trở thành kẻ lừa đảo, tống tiền sẽ là phương pháp mà các tổ chức tội phạm sử dụng. “Tôi sợ rằng một ngày nào đó họ sẽ giết tôi”, một người phụ nữ trẻ Thái Lan khóc nức nở kêu cứu trong video.
Trong nhiều tháng điều tra, phóng viên của Al Jazeera đã nói chuyện với hàng chục nạn nhân ở Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và gần đây nhất là Malaysia. Họ đều là những người đã trốn thoát khỏi các hoạt động lừa đảo qua mạng tại Campuchia.
Muôn kiểu lừa đảo
Từng là nhà phân tích chứng khoán ở Trung Quốc, Lu Xiangri chưa bao giờ có thể tưởng tượng mình sẽ là nạn nhân của nạn buôn người tại Campuchia.
Người đàn ông 32 tuổi đặt chân đến Campuchia vào tháng 9/2020 với mơ ước khởi nghiệp. Anh đề nghị giúp quản lý nhà hàng của một người bạn ở Phnom Penh. Nhưng biến cố năm 2021 với đại dịch Covid-19 khiến nhà hàng phải đóng cửa. Lu bị mắc kẹt ở Campuchia mà không có việc làm, không đủ khả năng mua vé máy bay và chi trả cho phí kiểm dịch để đưa về nhà.
Trong lúc tuyệt vọng, một khách quen của nhà hàng đưa ra lời đề nghị về một công việc có mức lương đáng mơ ước. Lu lập tức đồng ý, nhưng không hề biết bản thân sẽ phải hối hận về sau.
“Anh ấy nói tôi chỉ cần phân tích thị trường chứng khoán cho khách hàng. Mức lương sẽ hơn 1.500 USD/tháng. Tôi nghĩ rằng mình chỉ cần làm việc trong 2 tháng để trở lại Trung Quốc", Lu nói với một nụ cười có phần bối rối.
Đến ngày đầu làm việc, Lu mới vỡ lẽ công việc của anh là lừa đảo. Tệ hơn nữa, khi cố gắng rời đi, chàng trai 32 tuổi mới nhận ra anh đã bị bán với giá 12.000 USD và phải làm việc cho đến khi trả đủ tiền chuộc.
“Có hàng nghìn người ở Campuchia bị ép buộc phải làm việc cho những tổ chức lừa đảo", Jake Sims, Giám đốc tại Campuchia của Tổ chức phi chính phủ nhân quyền Phái bộ Công lý Quốc tế (IJM) nói. Ông còn cho biết các trường hợp buôn người và nô dịch không phải là hiếm tại đất nước này.
Những điểm tập trung người lừa đảo rải rác từ sòng bạc, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư và phức hợp văn phòng. Đặc điểm nổi bật của chúng là các thanh chắn trên cửa sổ, ban công và hàng rào thép gai kiên cố xung quanh.
Với an ninh chặt chẽ được đặt ở mọi lối vào, những nơi này gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Sims cùng các cộng sự đã và đang hỗ trợ giải cứu hàng chục công dân nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Myanmar bị mắc kẹt trong các ổ lừa đảo qua mạng ở Campuchia.
“Họ liên tục tố cáo về những bảo vệ có vũ trang ngăn cản họ rời khỏi tòa nhà. Có người đã bị đánh đập. Nếu gọi cảnh sát, chúng đe dọa sẽ tiếp tục đánh. Chúng còn dọa sẽ đem họ ra bán ở chợ đen với giá hàng nghìn USD để tiếp tục thực hiện các hoạt động lừa đảo này”, Sims giải thích.
Giam giữ, tra tấn và hành hạ
“Họ sẽ đánh bạn, dùng roi điện nếu bạn không hoàn thành nhiệm vụ của mình,” Ming nói với Al Jazeera, lưng vẫn còn đau sau 8 tháng bị thương. Vết thương tới khi anh nhảy khỏi lầu một của một khu phức hợp để trốn thoát.
Cơn ác mộng bắt nguồn vào tháng 3/2021, khi Ming xem được một quảng cáo trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Lời giới thiệu rất hấp dẫn: công việc văn phòng ở Campuchia với mức lương cao gấp 10 lần so với việc tái chế rác thải hiện tại. Không mất thời gian, Ming nhanh chóng đồng ý lên đường.
Cũng giống như nhiều người khác từ khắp châu Á bị lừa bởi quảng cáo việc làm trên các ứng dụng như WeChat, QQ, WhatsApp hoặc Telegram, Ming sau đó bị bán vào ngành công nghiệp lừa đảo qua mạng tại Campuchia.
Ming mô tả nỗi kinh hoàng mà anh vẫn còn rùng mình khi những kẻ buôn người có súng chở anh và những người khác trong nhóm đi xe máy qua biên giới Việt Nam.
"Tôi chỉ biết cầu nguyện mũi súng không hướng về mình. Chưa bao giờ có thể tưởng tượng mình được đưa lậu sang Campuchia mà không có hộ chiếu. Tôi cũng không ngờ công việc này thực chất là lừa đảo qua mạng”, Ming nói.
Lin, 16 tuổi, đang làm việc trong một nhà hàng lẩu tại Trung Quốc được giới thiệu về công việc đánh máy với mức lương cao hơn nhiều ở tỉnh Quảng Tây. Đến nơi, cô cùng bạn đi cùng đã bị bắt cóc bán sang ổ lừa đảo tại Campuchia.
“Anh ta rút súng ra và dọa chúng tôi im lặng. Chúng tôi đã rất sợ hãi”, Lin nói lặng lẽ, tay bám chặt mép tấm ga dù đang ngồi trên giường, trong một ngôi nhà an toàn.
Công việc của Lin là lừa đảo tình dục. Theo lời cô gái 16 tuổi, tổ chức tội phạm tạo ra một câu lạc bộ trực tuyến dành cho những người đàn ông có nhu cầu mua vui. Hồ sơ của những người phụ nữ này bị đánh cắp từ khắp nơi trên mạng. “Chúng tôi sẽ nói với những người đàn ông rằng họ phải trả tiền đăng ký thành viên. Sau đó, công ty sẽ cử các cô gái đến gặp họ. Nhưng tất cả đều là giả”, cô gái Trung Quốc tường thuật.
Những kẻ giám sát của tổ chức sẽ liên tục đe dọa họ nếu họ không thực hiện: “Chúng không che giấu hành vi bạo lực và sẵn sàng đánh đập một người trước mặt nhiều người khác. Có một gã giám sát còn đánh tôi bằng dùi cui điện khi đi ngang qua".
Anh tiết lộ các tổ chức này làm mọi thứ, từ lừa đảo cờ bạc trực tuyến đến tiền điện tử. Kể lại quá trình bị giam giữ, Chen cho rằng nó còn "tệ hơn cả ngồi tù".
Khi tuyệt vọng, Lin uống hết một lọ thuốc ngủ. Cô tỉnh dậy trong bệnh viện, rồi được một nhóm tình nguyện viên giải cứu, trong số đó có Lu Xiangri.
Lu thoát được vài tháng trước sau hơn 11 ngày, trải qua 3 nơi giam giữ khác nhau. Mỗi lần bị bán, giá của anh lại tăng lên. Từ 12.000 USD của nhóm lừa đảo đầu tiên, mức giá lên 16.700 USD cho lần thứ hai và cuối cùng là 18.000 USD.
Chen, 23 tuổi, quốc tịch Trung Quốc cũng là nạn nhân bị các tổ chức tội phạm đem ra trao đổi liên tục. Cựu đầu bếp nhận công việc quảng cáo trò chơi trực tuyến ở Campuchia, và thậm chí còn trả tiền túi mua vé máy bay và chi phí kiểm dịch tại khách sạn.
Thị trường trị giá hàng tỷ USD
Các hoạt động lừa đảo qua mạng này nằm trong chuỗi kinh doanh tội phạm rất lớn, ước tính trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm. Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm mục tiêu đến đồng hương của họ mà còn hướng đến những người nước ngoài từ châu Âu, Mỹ đến khu vực châu Đại Dương.
Hong, 24 tuổi, là một cựu HLV golf. Anh bị lừa với quảng cáo làm công việc kiểm soát chất lượng trong một nhà máy thực phẩm, thu nhập lên tới 3.000 USD/tháng. Hong sau đó bị ép phải lừa đảo các nạn nhân thông qua mạng xã hội QQ của Trung Quốc, chủ yếu nhắm tới những người nông dân Trung Quốc ít học.
Hong xây dựng mối quan hệ, sau đó lôi kéo nạn nhân đầu tư vào xổ số bằng lời hứa can thiệp vào hệ thống xổ số. Thực tế các nạn nhân không bao giờ có thể rút được tiền thắng cược của mình hoặc thậm chí còn không bao giờ lấy lại được số tiền đã đầu tư. Theo lời anh, tổ chức sẽ làm mọi cách để kích thích nạn nhân đổ thêm tiền.
Theo Hong, có khoảng 200 người làm việc cho tổ chức này và tỷ lệ thành công rất cao, với hàng nghìn nạn nhân đầu tư 15.000-30.000 USD trong vài tháng.
Theo Chen, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với khả năng tiếp cận công nghệ phức tạp, các công ty đã đặt mục tiêu dụ được 500 người mỗi ngày.
“Chúng đã có chương trình mà bạn chỉ cần chèn mã quốc gia hoặc thành phố là nó có thể liệt kê tất cả số điện thoại. Sau đó, các nhân viên trực tiếp gửi tin nhắn chúc mừng đến các đối tượng", Hong tiết lộ.
Sự tinh vi của các tổ chức này khiến chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu phải choáng váng. Hiếu cho biết anh bị choáng ngợp bởi quy mô các vụ lừa đảo ở Campuchia.
“Họ làm việc rất chuyên nghiệp và không thực sự giống như một hoạt động lừa đảo thông thường”, Hiếu nói.
“Những trang xổ số hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc, cùng một máy chủ. Số lượng của chúng rất nhiều, không thể đếm xuể. Đây là rất nhiều tiền. Hãy tưởng tượng chỉ một nhóm lừa đảo có thể kiếm tới một triệu USD mỗi ngày và không thể đếm hết được những vụ như thế", Hiếu nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-no-le-cong-nghe-khong-loi-thoat-o-campuchia-post1348215.html