Những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng Nagorno-Karabakh
Tình hình chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh khu vực tranh cãi Nagorny-Karabakh tới nay không những vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà còn đang diễn ra ngày càng ác liệt. Trước bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết hòa bình các xung đột.
Nga và Mỹ hiện đang tiếp xúc sâu về vấn đề này. Moscow hi vọng đối thoại với Washington về cuộc xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh sẽ giúp tìm ra lối thoát cho tình hình hiện nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ mang lại kết quả chính trị trong việc tìm ra lối thoát cho tình hình khủng hoảng hiện nay. Đối thoại đang diễn ra với trọng tâm là tạo động lực chính trị cho những nỗ lực làm dịu căng thẳng và ổn định tình hình trong khu vực”.
Ông cho biết, cuộc đối thoại có sự tham gia của “các đặc phái viên và các nhà ngoại giao hàng đầu” hai nước. Nga và Pháp cũng đồng thời cảnh báo về sự can thiệp quân sự của những nước thứ 3 và sự xuất hiện của tay súng thánh chiến cực đoan, có nguy cơ đẩy cuộc xung đột tới một bước ngoặt mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, ông đã có trong tay những thông tin chắc chắn về hoạt động di chuyển của các tay súng thánh chiến cực đoan từ Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Nagorny Karabakh, khu vực tranh chấp hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan.
Trước đó, Nga cũng đưa ra những thông tin tương tự. Theo nhà lãnh đạo Pháp, đây là một diễn biến cực kỳ nguy hiểm, có thể làm thay đổi bản chất cuộc xung đột. Cùng với Nga và Mỹ, những nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk, Anh đang nỗ lực hòa giải các bên.
Trong một thông cáo chung đưa hôm 1-10, lãnh đạo 3 nước kêu gọi Armenia và Azerbaijan “chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch” và cam kết nối lại đàm phán “vô điều kiện và thiện chí”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nhấn mạnh: “Lập trường của Điện Kremlin là cần phải ngừng bắn ngay lập tức. Bất kỳ tuyên bố nào về hoạt động hay hỗ trợ quân sự đều sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi tất cả các nước, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, làm mọi cách để thuyết phục các bên tham chiến ngừng bắn”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã chỉ trích những tuyên bố và hành động “hiếu chiến” của các bên thứ ba liên quan đến tình hình ở Nagorny-Karabakh có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực phía Nam Caucasus.
Bà nêu rõ: “Chúng tôi coi bất kỳ tuyên bố và hành động hiếu chiến nào của các bên thứ ba có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng và mất ổn định tình hình ở Nam Caucasus là phản tác dụng và vô trách nhiệm, có thể gây ra những hậu quả khó lường”. Bà Maria Zakharova nhắc lại lời kêu gọi của Nga yêu cầu các bên liên quan cuộc xung đột “thể hiện kiềm chế tối đa”. Bà cũng nhấn mạnh không có giải pháp nào thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh, các vấn đề khu vực nên được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Tuy nhiên, những nỗ lực dường như là chưa đủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngay lập tức phản đối mạnh mẽ việc Mỹ, Pháp và Nga can dự vào cuộc xung đột tại vùng Kavkaz, với lý do 3 nước này đã không quan tâm đến các vấn đề tại khu vực trong suốt gần 30 năm qua.
“Mỹ, Nga và Pháp đã không quan quan tâm đến các vấn đề khu vực trong gần 30 năm qua. Vì thế, việc tham gia tìm kiếm một lệnh ngừng bắn khi đối mặt với những diễn biến tiêu cực nổi lên là không thể chấp nhận được. Việc đạt một lệnh ngừng bắn lâu dài trong khu vực còn tùy thuộc vào việc Armenia rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Azerbaijan”, Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh. Phát biểu này được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh NATO, vì lo ngại xung đột có thể kéo theo các cường quốc trong khu vực can dự.
Trong khi đó, những nước liên quan trực tiếp là Armenia và Azerbaijan vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ dừng xung đột. Tuy nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song Nagorny - Karabakh lại là khu vực có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều thập kỷ giữa Azerbaijan và Armenia, mà đỉnh điểm là cuộc xung đột trong những năm 1990 làm 30.000 người thiệt mạng.
Những cuộc đụng độ hiện nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2016. Dù vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực dọc đường giới tuyến, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cuộc xung đột có nguy cơ bị quốc tế hóa khi bắt đầu có sự can thiệp của ngày càng nhiều quốc gia và sự xuất hiện của các lực lượng thánh chiến cực đoan.
Armenia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với OSCE tái thiết lập ngừng bắn
Bộ Ngoại giao Armenia ngày 2/10 tuyên bố nước này sẵn sàng phối hợp với Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hướng tới thiết lập lại lệnh ngừng bắn tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh. Tuyên bố “hoan nghênh việc lãnh đạo các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực tại khu vực Nagorny-Karabakh”, đồng thời nêu rõ “Armenia chủ trương giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình”. Tuyên bố khẳng định, Armenia sẵn sàng hợp tác với các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk hướng tới ngừng bắn trên cơ sở các thỏa thuận 1994-1995.
Minh Hải (tổng hợp)