Những nội dung chất vấn thiết thực, tháo gỡ vướng mắc trong đời sống xã hội

Trọng tâm trong tuần làm việc thứ ba (từ ngày 3 - 8/6) của Kỳ họp thứ 7 là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Kiểm toán; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên lề kỳ họp, theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Chất vấn cụ thể, bám sát nội dung

Qua phiên chất vấn tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Chính sách pháp luật về an ninh nguồn nước được cơ bản hoàn thiện; chủ động, có kế hoạch, phương án xử lý, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Quản lý và hoạt động của ngành khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như tài nguyên biển chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất gia tăng. Chính sách, pháp luật về khoáng sản chưa đầy đủ, còn bất cập. Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chưa gắn kết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, trong phần trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tập trung làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về: thương mại điện tử; giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư hàng hóa trong nước; chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp...

Về công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đang nở rộ hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là: người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ ba là thất thu thuế…

 Phiên họp Quốc hội chiều 5/6.

Phiên họp Quốc hội chiều 5/6.

Đối với phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính Nhà nước, quản lý sử dụng có hiệu quả tài chính, tài sản công, giúp Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm.

Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan.

Theo chương trình, trong buổi sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kết thúc phiên chất vấn, lãnh đạo Chính phủ sẽ có phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong tuần tới, Quốc hội nghỉ giữa kỳ họp. Dự kiến, từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6, Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.

Đổi mới trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong trả lời chất vấn

Đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước - một trong 4 nhóm lĩnh vực được lựa chọn để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh: Điều này thể hiện sự đổi mới trong việc nâng cao trách nhiệm của những cơ quan, không chỉ là các cơ quan thực thi pháp luật mà kể cả những cơ quan kiểm soát quá trình các đơn vị thực thi pháp luật. Đồng thời, cho thấy tư duy không ngừng đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

“Khi Tổng Kiểm toán Nhà nước đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ đưa ra được những vấn đề để tăng cường chất lượng công tác kiểm toán, đặc biệt không chỉ với kiểm toán của Nhà nước mà còn phát huy vai trò của các kiểm toán độc lập. Thậm chí, Kiểm toán Nhà nước có thể trưng dụng lực lượng kiểm toán độc lập để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán cho các khu vực công. Như vậy, sẽ giải quyết được yêu cầu tất cả hoạt động về sử dụng tài sản công đều phải thực hiện kiểm toán hàng năm” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất thu hút sự quan tâm của đồng bào và cử tri cả nước. Các nhóm vấn đề được lựa chọn lần này là thời sự nóng, có tính thiết thực trong đời sống xã hội và là một trong những trụ cột góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Bởi vì, hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn cũng đáng báo động, vấn đề nước khan hiếm đang diễn ra khó lường trong tương lai, lưu vực các sông đang dần thiếu nước. Tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên thị trường, dù ngành chuyên môn vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát…

Cũng theo đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, đối với vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch, đây là trụ cột phát triển đất nước luôn được quan tâm. Phát triển mạnh du lịch là góp phần phát triển kinh tế đất nước, văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Vì vậy, các nhóm vấn đề trên đều cấp bách và cần được quan tâm giải quyết sớm trong Kỳ họp thứ 7, khóa XV của Quốc hội lần này.

Tại phiên chất vấn lần này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đặc biệt quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực về văn hóa - thể thao và du lịch. Thời gian qua, ngành du lịch đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả những tiềm năng của văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể nhằm phát huy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; những giá trị chân, thiện, mỹ đến các tầng lớp Nhân dân và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua, hoạt động quản lý văn hóa cũng bộc lộ còn nhiều hạn chế, đơn cử như: một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn, chưa quan tâm đúng mức, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở một số đơn vị còn thụ động. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu...

“Vì vậy, để ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển, chúng ta cần có những giải pháp phát triển văn hóa - xã hội ngang bằng phát triển kinh tế, để đất nước phát triển toàn diện, bền vững. Đồng thời, cần quan tâm phát triển du lịch phù hợp từng vùng, miền nhằm phát triển kinh tế đất nước nói chung” - đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

Thúc đẩy các cơ quan Nhà nước khắc phục thiếu sót, nâng cao hiệu quả hoạt động

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hoạt động chất vấn của Quốc hội thời gian qua đã góp phần tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra, có tác động thiết thực, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước khắc phục những thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những kết quả đó đã góp phần vào việc tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-noi-dung-chat-van-thiet-thuc-thao-go-vuong-mac-trong-doi-song-xa-hoi-post298200.html