Những nội dung quan trọng trong Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

Là hai nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp nhằm tăng cường thương mại, đầu tư song phương cũng như quan hệ đối tác về công nghệ. Hai bên nhất trí cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong dỡ bỏ các rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng cao hơn so với mức 15 tỉ USD hiện nay. Hai bên nhất trí việc rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa Ấn Độ - ASEAN góp phần làm cho Hiệp định trở nên thân thiện hơn, đơn giản hơn và tạo thuận lợi hơn cho thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: VGP

Hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các dòng đầu tư song phương. Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ Ấn Độ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, công nghệ thông tin, các ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất, may mặc, công nghiệp ô tô và nguyên vật liệu, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chất bán dẫn, các dự án bảo tồn năng lượng và năng lượng tái tạo, điện, khí sinh học và sợi polyester…

Ấn Độ hoan nghênh đầu tư từ Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, chế tác gỗ, công nghệ thông tin, sản xuất pin, cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị, các sản phẩm từ tre và lâm nghiệp, lữ hành và du lịch, công nghệ số, xe điện, y tế và dịch vụ tại Ấn Độ. Các cam kết này nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ấn Độ hoan nghênh Việt Nam quyết định tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai và sớm hoàn thiện thủ tục nội bộ để chính thức gia nhập Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế. Việt Nam đánh giá cao sáng kiến Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu của Ấn Độ.

Là hai nước ven biển trong khu vực, hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hải dương học, khoa học biển và kinh tế biển xanh, cũng như nâng cao năng lực trong lĩnh vực này. Hai Lãnh đạo tái khẳng định hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các hoạt động thăm dò, khai thác trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các quy định và chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia các nền tảng số và thương mại điện tử để tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu một cách bền vững.

Hai lãnh đạo cũng khuyến khích các cơ quan liên quan của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước tìm hiểu các cơ hội hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành công nghiệp quan trọng như đất hiếm, chất bán dẫn, vật liệu nano.

Hợp tác quốc phòng và an ninh

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Tầm nhìn chung về hợp tác Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030 và tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong những năm gần đây trong đào tạo và nâng cao năng lực, chia sẻ thực tiễn, huấn luyện, đối thoại chính sách quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng. Hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng dựa trên các ưu tiên và quan tâm chung, đóng góp vào sự ổn định hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, duy trì phối hợp trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, thủy đạc, an ninh mạng, chia sẻ thông tin, nghiên cứu chiến lược, an ninh và an toàn hàng hải, các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai, cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm thúc đẩy triển khai Thỏa thuận về Thủy văn học và thành lập Ủy ban chung về vấn đề này.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký hai dự án sử dụng gói tín dụng ưu đãi 300 triệu USD Chính phủ Ấn Độ cấp cho Chính phủ Việt Nam.

Hợp tác đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của công nghệ số và khuyến khích thành lập một khuôn khổ nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực đổi mới tài chính và thanh toán số giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Ghi nhận các ưu tiên quốc gia của cả hai nước với chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng, hai lãnh đạo nhất trí khuyến khích tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng số, ứng dụng công nghệ vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học và công nghệ chống chịu thiên tai.

Hai nhà lãnh đạo hài lòng về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và nhất trí tăng cường hơn nữa các cơ hội hợp tác sâu hơn như đã trao đổi tại Kỳ họp thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác hạt nhân dân sự.

Hai bên hoan nghênh tiến triển trong dự án thiết lập Trung tâm dò tìm, trạm thu thập dữ liệu và cơ sở xử lý dữ liệu vệ tinh Ấn Độ - ASEAN tại Việt Nam.

Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác phát triển trong khuôn khổ Hợp tác Sông Hằng - Sông Mê Kông thông qua các dự án tác động nhanh và hợp tác đào tạo, các học bổng giáo dục trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC). Hai Lãnh đạo đánh giá cao việc thành lập Trung tâm hiệu năng cao về phát triển và đào tạo tại Học viện Bưu chính Viễn thông TP HCM và Công viên phần mềm quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo khuyến khích nhiều hơn các hoạt động trao đổi nghiên cứu, đào tạo và sinh viên giữa các trường đại học, giới học giả và các viện nghiên cứu của hai nước trong khuôn khổ tầm nhìn "Viksit Bharat @ 2047" của Ấn Độ và tầm nhìn "Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao năm 2045". Hai nhà lãnh đạo cũng ủng hộ hợp tác giữa các viện nghiên cứu về các vấn đề thuộc quan tâm của các nước phương Nam.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa hai nước, góp phần tăng lượng hành khách và du lịch hai chiều; đồng thời khuyến khích tăng cường hơn nữa kết nối và du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trên cơ sở các liên kết lịch sử và di sản giữa hai nước, hai nhà Lãnh đạo ủng hộ tăng cường trao đổi hơn nữa sinh viên và chức sắc Phật giáo, khách hành hương, sinh viên và sự phát triển các Viện và cơ sở tín ngưỡng và Phật giáo. Việt Nam đánh giá cao cam kết của Ấn Độ trong việc trùng tu, tôn tạo Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn và các hoạt động của Cơ quan khảo cổ Ấn Độ tại các nhóm tháp A, H và K, cũng như tại các nhóm tháp F sắp tới.

Ấn Độ đánh giá cao ủng hộ của Việt Nam trong việc tổ chức thường niên Ngày Quốc tế Yoga tại nhiều tỉnh thành, địa phương của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo ủng hộ hợp tác hơn nữa giữa các cơ sở yoga của hai nước và trao đổi song phương về lĩnh vực y học cổ truyền, trong đó có cây dược liệu. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường trao đổi văn hóa và hợp tác truyền thông giữa hai nước.

Xem toàn văn Tuyên bố chung

tại đây

.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-noi-dung-quan-trong-trong-tuyen-bo-chung-viet-nam-an-do-19624080121121008.htm