Những nội dung sửa đổi cơ bản của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ
Quy định về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản đã góp phần nâng cao tính an toàn, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế; đồng thời, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng để sản xuất, khuyến khích sự lưu thông của nguồn vốn, giúp thị trường hoạt động hiệu quả, sản xuất, kinh doanh phát triển.
Ngày 1/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm đã tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ hơn để triển khai có hiệu quả hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, tài sản là động sản khác…
Tuy nhiên, do phát sinh của quan hệ kinh tế - xã hội, của quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/1/2023. Tại Chương V, Điều khoản thi hành có quy định một số trường hợp có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 và điều khoản chuyển tiếp. Việc ban hành nghị định này nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động đăng ký.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Đẹp - Phó trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cho biết, những vướng mắc trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm từ các quy định pháp luật đã được sửa đổi một cách toàn diện, có tính hệ thống trong nghị định mới ban hành. Tuy nhiên, để bao quát được đầy đủ các yêu cầu, thủ tục trong đăng ký và để cụ thể hóa, minh bạch thuận lợi hơn về thẩm quyền đăng ký, bên cạnh kế thừa quy định về trường hợp đăng ký của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đã pháp điển các quy định về trường hợp đăng ký tại các thông tư trong từng lĩnh vực, gồm: đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tàu bay; tàu biển; bất động sản không phải là tàu bay, tàu biển; chứng khoán đã đăng ký tập trung. Theo đó, trong Nghị định số 99/2022/NĐ-CP gồm 5 điều có nội dung về trường hợp đăng ký, gồm có Điều 4, 25, 36, 41 và Điều 44.
Ngoài ra, khi thực hiện đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, nhiều văn phòng đăng ký đất đai lúng túng, có nơi từ chối đăng ký bởi đây là loại tài sản chưa hình thành, chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận, sổ địa chính và cơ quan đăng ký chưa có thông tin để tra cứu. Đồng thời, khi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký, nhiều văn phòng đăng ký đất đai lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với loại tài sản này. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (Điều 7) chưa làm rõ nguyên tắc đăng ký thế chấp đối với loại tài sản là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai và tài sản gắn liền với đất là tài sản pháp luật không quy định phải đăng ký sở hữu và chưa đăng ký sở hữu theo yêu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng văn phòng đăng ký đất đai không dám đăng ký và từ chối đăng ký.
Nhằm khắc phục tồn tại, bất cập nêu trên, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP (Điều 5) đã bổ sung và làm rõ hơn nguyên tắc đăng ký trong một số trường hợp. Cụ thể, cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm; không phải chịu trách nhiệm về thực hiện đăng ký, hủy đăng ký, khôi phục việc đăng ký đã bị hủy theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, của người có thẩm quyền; không phải chịu trách nhiệm về việc đã đăng ký đối với tài sản bảo đảm là tài sản có tranh chấp hoặc tài sản thi hành án dân sự nhưng trước hoặc tại thời điểm ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào sổ đăng ký hoặc vào cơ sở dữ liệu, cơ quan đăng ký không nhận được văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp hoặc giải quyết thi hành án dân sự…
Cũng theo Phó trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp Nguyễn Ngọc Đẹp, thời điểm đăng ký cũng có ý nghĩa quan trọng đối với bên nhận bảo đảm nhằm xác định thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh tình huống là biện pháp bảo đảm đã đăng ký, sau đó tài sản bảo đảm có thể do được gia công, lắp ráp, chế tạo hoặc đăng ký dẫn đến thuộc thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm của cơ quan khác. Vậy, làm thế nào để bảo lưu được thời điểm đăng ký ban đầu để tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm? Để giải quyết tình huống thực tiễn này, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP (Điều 6) đã bổ sung về hiệu lực đăng ký biện pháp bảo đảm (bảo lưu thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký) trong các trường hợp sau: biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán chưa đăng ký tập trung đã được đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó tài sản này trở thành chứng khoán đăng ký tập trung theo quy định của pháp luật về chứng khoán hoặc biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung đã được đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó tài sản này trở thành chứng khoán chưa đăng ký tập trung tiếp tục được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho cùng bên nhận bảo đảm và được đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền khác…
Từ các phân tích ở trên, có thể thấy, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP có một số điểm mới; giúp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm trong thực tế.