Những nội dung ưu tiên của trung ương khóa XIII

Hội nghị Trung ương 4 vào tháng 10-2021, nếu không có gì thay đổi, như hai khóa trước, sẽ bàn về 'tiếp tục đẩy mạnh' xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chương trình làm việc toàn khóa của mỗi Ban Chấp hành (BCH) Trung ương thường cho thấy các ưu tiên, trọng tâm công tác mà nhiệm kỳ ấy hướng tới. Với tính chất là một đảng duy nhất cầm quyền, các ưu tiên ấy cũng sẽ tác động trực tiếp tới cả hệ thống chính trị, bao gồm cả hoạt động chung của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, không chỉ cho nhiệm kỳ hiện tại mà cả nhiều năm tiếp theo…

Đến thời điểm này, chương trình làm việc của BCH Trung ương khóa XIII cho nhiệm kỳ của mình, 2021-2026, được thông qua ở Hội nghị Trung ương 2, tháng 3-2021, đã được phổ biến tới các tỉnh, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương cũng như các đảng ủy đơn vị sự nghiệp trung ương.

Từ quan sát sinh hoạt của Trung ương khóa XII, nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn độc lập, có thể hình dung nghị trình của BCH Trung ương khóa XIII như sau.

Sẽ tiếp tục đẩy mạnh về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”

Hội nghị Trung ương 3 (dự kiến tháng 7-2021), trên cơ sở rút kinh nghiệm từ quy chế làm việc của khóa trước, Trung ương sẽ xem xét, thông qua quy chế làm việc của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII.

Những vấn đề lớn về cơ cấu tổ chức Chính phủ, bao gồm điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cũng được đưa ra xem xét để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan cho việc vận hành Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Là một trong những hoạt động đầu nhiệm kỳ, Trung ương cũng sẽ thảo luận về đề án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm tới, kế hoạch tài chính - ngân sách quốc gia trung hạn ba năm tới và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Hội nghị Trung ương 4 (tháng 10-2021), nếu không có gì thay đổi, như hai khóa trước, sẽ bàn về “tiếp tục đẩy mạnh” xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chủ đề này bắt đầu từ khóa XI, cũng bằng Hội nghị Trung ương 4, có tên gọi “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đến Trung ương 4 khóa XII là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đáng chú ý, các chủ trương, chính sách lớn về đất đai sẽ được Trung ương thảo luận trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Đây sẽ là cơ sở chính trị để Quốc hội khóa XV tới xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai 2013.

Hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN

Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2022) sẽ tập trung nhiều vào “tam nông”, bằng việc tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10-2022) sẽ bàn các vấn đề rất lớn liên quan đến yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Theo đó, nằm ở cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ năm năm, Trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Kèm theo đó, rất liên quan mật thiết tới đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, là đề án về Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ được thảo luận.

Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên BCH Trung ương ban hành một nghị quyết lớn về vấn đề có tầm hệ trọng quốc gia này. Nghị quyết sẽ bao trùm ba vấn đề rất lớn: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; Cải cách tư pháp; Cải cách hành chính. Cả ba vấn đề lớn này, trước đây mới chỉ được quy định ở tầm nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc chung chung bên cạnh các nội dung khác trong nghị quyết BCH Trung ương.

Cũng tại hội nghị, nếu không có gì thay đổi, Trung ương sẽ cho chủ trương, chính sách lớn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do BCH Trung ương bầu.

Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5-2023) tập trung vào các chủ đề liên quan đến văn hóa, xã hội và con người.

Đây đều là các nội dung đã được Trung ương các khóa trước quan tâm bằng các chủ trương, chính sách lớn, thể hiện qua: Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện ba nghị quyết này, Trung ương sẽ cân nhắc ra kết luận hoặc nghị quyết mới.

Cùng với việc bàn, ban hành chủ trương, chính sách lớn, như khóa trước, tại Hội nghị này, Trung ương khóa XIII sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do BCH Trung ương bầu.

Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2023) chỉ có một nội dung bàn về chủ trương, đường lối lớn. Đó là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ Hội nghị Trung ương 8 này, như các khóa trước, BCH Trung ương khóa XIII bước vào công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/nhung-noi-dung-uu-tien-cua-trung-uong-khoa-xiii-979771.html