Những nỗi lo thường trực

Hẹn Thu ở nhà để lấy mấy gói nem hải sản, tôi ngồi đợi gần nửa tiếng mới thấy Thu về. Vừa bỏ cái thùng hàng xuống, cô vừa nói: 'Mùa dịch, gọi shipper khó quá nên em tranh thủ đi giao hàng. Tý nữa còn phải soạn bài tập để gửi học sinh'.

Nhấc mấy gói nem từ thùng hàng cho vào tủ lạnh xong, Thu rót cốc nước đưa tôi rồi ngồi xuống ghế, thở dài: “Lương giáo viên chẳng được bao nhiêu, nếu đi dạy còn được cộng tiền phụ đạo thêm một, hai triệu đồng. Bình thường, mức thu nhập hằng tháng đã không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, giờ không đi dạy lại càng khó khăn hơn. Từ Tết đến giờ em tranh thủ bán thêm hàng online nhưng công việc cũng bận lắm. Lát nữa, em còn phải soạn bài tập để gửi học sinh, kẻo đến lúc quay lại trường các con lại quên hết bài vở”.

Thu là giáo viên của một trường THCS tại Thủ đô. Hai vợ chồng cùng nghề nên khi học sinh nghỉ, họ chỉ biết ngồi... nhìn nhau. Không thể ngồi không chờ hết dịch, Thu đã nghĩ ra cách bán hàng online để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Nhưng cô cho rằng, thu nhập giảm chưa đáng sợ mà sợ nhất là học sinh quên bài, quên tác phong rèn luyện và không được an toàn khi dịch bệnh đến.

Học sinh nghỉ học, nhưng giáo viên không được nghỉ, đó là sự thật. Khi học sinh nghỉ, các thầy cô vẫn phải làm việc, thậm chí còn làm nhiều gấp đôi. Nào là công tác vệ sinh trường học, xịt khuẩn, quét dọn, lau chùi trường lớp để sẵn sàng đón các em trở lại trường khi hết dịch. Có những trường tổ chức cho học sinh học online, nhiều thầy cô phải thức trắng đêm để soạn giáo án điện tử rồi tìm hiểu các phần mềm trực tuyến để dạy học. Rồi những khuyến cáo của ngành giáo dục, ngành y tế liên tục phải cập nhật và gửi đến cha mẹ học sinh.

Còn nhiều việc mà thầy cô phải làm khi không đến lớp, bởi dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm bớt, thời gian nghỉ cũng không được xác định một lần mà lại chia thành nhiều đợt, cho nên lúc nào thầy cô luôn ở trong tâm thế sẵn sàng để đón các em quay trở lại trường. Nhưng có lẽ, nỗi lo lớn nhất của người làm thầy lúc này chính là lo học sinh quên bài hay những em học sinh lớp một, lớp hai quên đi tác phong nền nếp đã từng được rèn giũa. Ngoài việc học, thầy cô lo cho một số học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình sẽ ham chơi và nhiễm một số thói xấu. Nhưng nỗi lo ấy chưa thấm vào đâu so với nỗi nhớ trường, nhớ học trò, nhớ những giờ lên lớp. Nếu như nghỉ hè, cái cảm giác kết thúc năm học, thầy cô hoàn thành nhiệm vụ với học sinh sung sướng bao nhiêu, thì đợt nghỉ này lại khiến các thầy cô bận tâm biết bao.

“Em có chị đồng nghiệp là giáo viên dạy đã hơn chục năm rồi mà sáng nào cũng bày rau ra cửa nhà, vừa bán vừa cầm điện thoại soạn bài cho học sinh. Khi dịch bệnh xảy ra, ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng nghề dạy học lại liên quan đến cả một thế hệ cho nên áp lực lắm. Dù thế nào cũng phải lo cho các em để việc học hành không bị chểnh mảng, đứt quãng” - Thu bùi ngùi tâm sự.

Ngồi trò chuyện được một lúc, Thu lại xin lỗi tôi vì phải lấy máy tính ra soạn bài để gửi cho học sinh ôn ở nhà. Cô vừa gõ lạch cạch trên máy, thi thoảng lại ngó vào cái điện thoại để trả lời tin nhắn đặt hàng, ship đồ ăn. Cô bảo, cuộc sống vẫn phải lo, việc học của học trò cũng phải lo, cái nào cũng quan trọng cho nên các giáo viên thời điểm này phải căng mình để làm tròn trách nhiệm, lương tâm của một nhà giáo. Chỉ mong rằng, dịch bệnh qua mau để cô trò lại được gặp nhau vui vẻ khi tới trường.

UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nhung-noi-lo-thuong-truc-614394