Những nông dân bỗng thành tỷ phú ở vùng dự án sân bay Long Thành
Sau khi được hỗ trợ tái định cư và nhận số tiền bồi thường lớn, người dân ở vùng dự án sân bay Long Thành đua nhau xây những ngôi nhà khang trang.
Về xã giải tỏa trắng
Ông Nguyễn Đức Cư - Trưởng ấp Suối Trầu 2, xã Suối Trầu, huyện Long Thành (Đồng Nai), dẫn phóng viên về vùng giải tỏa mặt bằng phục vụ dự án cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam ngày đầu tháng 3.
Men theo con đường nhựa lồi lõm bám đầy đất đỏ, chúng tôi vào sâu trong ấp Suối Trầu 1, Suối Trầu 2 và một số ấp khác thuộc xã này.
Đây là vùng bị "giải tỏa trắng", 100% người dân trong diện di dời tái định cư, hoặc sáp nhập với những địa bàn lân cận. Xã Suối Trầu từ đó không còn tên trên bản đồ địa giới hành chính của huyện Long Thành.
Gắn bó với Suối Trầu mưu sinh mấy chục năm qua, từ một nông dân chính hiệu, bữa đói bữa no, ông Cư dần ổn định kinh tế trên mẫu đất vườn rộng 2,4 ha. Được người dân, chính quyền tin tưởng bầu chọn làm trưởng ấp, ông tâm niệm đây là quê hương của mình dù không phải nơi chôn nhau cắt rốn.
Đến một ngày ông nhận thông tin quy hoạch mới dự án sân bay Long Thành. Theo đó, toàn bộ diện tích đất gia đình ông và hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng lõi dự án, thuộc diện phải di dời. Ông nói mình từng giống như ngồi trên đống lửa, vì không biết tương lai thế nào, đi đâu, về đâu.
Qua những cuộc họp với chính quyền cấp xã, không lâu sau đó ông lấy lại tinh thần, động viên gia đình, hàng xóm thực hiện chỉ đạo của chính quyền vì cảm nhận được sự cần thiết của việc xây dựng một sân bay đạt chuẩn quốc tế trên chính vùng đất quê nhà. Ông cũng là một trong những hộ dân đầu tiên của ấp Suối Trầu 2 cam kết nhận đền bù giải tỏa, đồng thời chấp nhận mọi phương án hỗ trợ tái định cư.
Vị trưởng ấp dẫn chúng tôi về căn nhà cũ được xây dựng từ năm 1992, thuộc diện chờ giải tỏa. Kiểu nhà cấp 4, rộng hơn 100 m2, xung quanh có sân vườn và những hàng điều rợp bóng. Ông bảo đây từng là tổ ấm với biết bao kỷ niệm đẹp của ông, vợ và 6 người con.
Căn nhà hiện không có người ở, là nơi chứa ít đồ dùng, quần áo cũ. Cả gia đình ông Cư đã chuyển về nơi ở mới tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang, hoặc về thu hoạch điều, ông Cư và vợ ghé nhà nghỉ ngơi chốc lát, rồi quét dọn cho bớt đi lớp bụi bám.
Giống như gia đình ông Cư, nhiều hộ dân khác ở xã Suối Trầu (cũ) đã chấp nhận phương án tái định cư, dần chuyển về nơi ở mới. Dọc về các khu vực dân cư đông đúc trước đây, nhà cửa, hàng quán... mọi thứ dần hoang hóa.
Hàng loạt ngôi nhà tại đây trong tình trạng không chủ hoặc đang bị đập dang dở. Mặt khác, nhiều hộ vẫn còn nán lại trong thời gian chờ tái định cư, khi đã nhận đủ tiền bồi thường giải tỏa.
Trụ sở làm việc cũ của xã ngưng hoạt động từ lâu, một phần chuyển đổi thành nơi làm việc tạm của kỹ sư, công nhân dự án sân bay Long Thành. Trường Tiểu học Suối Trầu với hạ tầng nhếch nhác vẫn duy trì việc dạy học trong khi chờ địa điểm xây mới. Những biển mời chào mua, bán đất được dán nhan nhản trên những tuyến đường trong xã.
Xã Suối Trầu không còn trên bản đồ địa chính, chỉ còn những căn nhà cũ kỹ, tuềnh toàng dọc theo hương lộ 10. Sắp tới, tất cả được giải tỏa 100% để nhường đất triển khai dự án.
Nông dân đua nhau xây biệt thự tiền tỷ
Toàn xã Suối Trầu có 1.385 ha nằm trong quy hoạch dự án sân bay Long Thành, ven đường tỉnh 770. Hàng nghìn người dân trong xã và một số địa bàn dân cư khác bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay được bố trí nơi ở mới tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, thuộc huyện Long Thành. Khu tái định cư này có diện tích hơn 280 ha, là nơi ở của khoảng 4.300 hộ.
- Nhà em chắc khoảng mười ngày nữa là xong.
- À, tưởng xong rồi chứ, dọn về hôm Tết mà?
- Thợ nhà nên làm chậm anh ạ, nhưng sắp được hưởng thụ rồi.
Bà Trần Thị Hiền (45 tuổi) cười tít mắt khi trò chuyện với ông Cư trong căn nhà mới của mình, ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Vừa chào chúng tôi, bà vẫn lau dọn mọi thứ và căn dặn nhóm thợ làm việc cẩn thận.
Bà có hơn 20 năm sống tại xã Suối Trầu cùng chồng và hai con gái. Chừng ấy năm, hai vợ chồng làm rẫy thuê, mướn đất rẫy để trồng khoai mì, trồng điều… nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.
“Nhớ ngày đó, chúng tôi gắng làm chỉ để cuộc sống bớt túng thiếu. Chi tiêu tằn tiện lắm mới còn đủ tiền cho hai con ăn học, nhà ở thì làm bằng cây lá địa phương, rất tạm bợ. Là nông dân chân đất, tôi không dám mơ ở nhà to đâu”, bà Hiền kể lại khoảng thời gian sống ở xã Suối Trầu.
Rồi bà nhận tin nơi mình ở là đất của dự án sân bay. Lúc đó, bà chưa biết nên mừng hay lo, cho đến ngày chính quyền đến nhà đo đạc đất và lên phương án đền bù giải tỏa. Với 4.000 m2 đất vườn, bà được nhận gần 2 tỷ đồng tiền đền bù, kèm với đó là một suất bốc thăm nền nhà tại khu tái định cư, cả gia đình bà mừng vui.
Bốc thăm được một lô đất nền tái định cư rộng 125 m2, bà Hiền đóng thêm ít tiền thuế chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư và tiến hành xây nhà từ giữa năm 2021. Đến cận Tết Nhâm Dần 2022, dù căn nhà mới hoàn thành khoảng 60%, cả gia đình vẫn quyết định chuyển vào ở.
"Chi phí xây nhà hơn 2 tỷ đồng, đây là sự cố gắng lớn của gia đình. Chúng tôi tranh thủ nhờ thợ xây là những người anh em trong gia đình để tiết kiệm chi phí. Tiền đền bù đất của tôi đã dùng hết cho việc xây nhà, nhưng thấy thỏa đáng và rất thích", bà Hiền nói.
Sắp tới, bà Hiền và chồng chưa có dự định làm gì để có thu nhập. Bà nói thật may là hai con gái đều vừa học xong đại học nên áp lực chi phí cũng giảm đi nhiều.
"Chắc chắn tôi sẽ tìm một công việc gì đó để làm vì đã không còn tiền tích lũy. Chúng tôi cũng từng nghĩ đến cảnh ngại ngùng khi có người nói mình ở nhà lầu mà đi làm mướn, cho nên phải chuẩn bị tâm lý", bà tâm sự.
Có điều kiện tốt hơn bà Hiền là gia đình ông Nguyễn Văn Trung (62 tuổi), ngụ xã Suối Trầu trước kia. Ông được nhận hơn 10 tỷ đồng tiền bồi thường cho khoảng 20.000 m2 đất nông nghiệp, đồng thời bốc thăm được lô đất diện tích gần 300 m2 ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Cuối năm 2021, căn nhà xây hơn 2 tỷ đồng được khánh thành.
Về ở căn nhà mới khang trang và còn một số tiền tích lũy khá lớn, ông Trung nói nhiều lúc bản thân chưa tin vào sự thật. “Nếu không có dự án sân bay, giá đất ở đây sẽ không cao như bây giờ. Và rất có thể bây giờ chúng tôi vẫn là những nông dân nghèo khó, ở trong những căn nhà xập xệ”, ông nói.
Sáng sớm mỗi ngày, ông cùng vợ tất bật với việc bày gian hàng bán ít gạo, rau củ cho người dân qua lại. Ông Trung mua hẳn một máy chế biến cà phê để mở một quầy bán nước giải khát dù chưa từng kinh doanh.
Câu chuyện đổi đời "ngoạn mục" nhất xã Suối Trầu có thể kể đến trường hợp của ông Thu (61 tuổi). Ông bốc thăm tái định cư được lô đất biệt thự nhà vườn 300 m2, mặt tiền đường rộng hơn 40 m, ngay góc. Người đàn ông này được nhiều người vui đùa gọi là “lão buôn gà may mắn nhất”.
Không chỉ vậy, ông còn nhận được tiền đền bù hơn 12 tỷ đồng cho 2,5 ha đất nông nghiệp. Chia sẻ một cách chân thành, ông Thu cho rằng đây là cái kết quá đẹp, vượt sức tưởng tượng của ông sau hàng chục năm thăng trầm.
“Tôi dùng số tiền bồi thường đất trước kia để xây nhà và chia cho các con. Sắp tới, tôi kinh doanh một vài mặt hàng tại đây vì vị trí khá đẹp. Tuy nhiên, tôi không vội vì cư dân chưa thật sự đông đúc”, ông Thu nói.
Ông Thu, ông Trung, hay bà Hiền là số ít trong hàng trăm hộ dân xã Suối Trầu thuộc vùng dự án sân bay Long Thành không mấy chốc đổi đời, bắt đầu cuộc sống mới trong những ngôi biệt thự tiền tỷ.
Theo người dân, số tiền họ nhận được từ việc đền bù, giải tỏa cao gấp 3-5 lần giá đất thời điểm trước khi có dự án sân bay Long Thành, thậm chí là hơn như thế.
Hiện tại, giá đất tại đây cao gấp 2-3 lần so với giá đất ở những vùng ngoài dự án. Không quá khi nói rằng sân bay Long Thành là "đòn bẩy" mang lại lợi ích kinh tế nhà đất thiết thực cho người dân.
Dù là khu tái định cư, nơi đây được quy hoạch như một khu đô thị mới của huyện Long Thành với trụ sở làm việc của chính quyền, khu nhà ở biệt thự vườn, trường học, chợ, đường giao thông, điện, nước, viễn thông, hệ thống xử lý nước thải... đang được triển khai xây dựng.
Trong tương lai, huyện Long Thành định hướng phát triển nơi này thành khu đô thị tái định cư hiện đại nhất vùng Đông Nam bộ. Người dân chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển này.
Hiện có khoảng 200 hộ dân đã vào ở tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Hàng trăm căn nhà mới, khang trang đang tiếp tục được xây dựng hàng ngày. Ông Cư nói không ít lần bản thân choáng ngợp vì nơi này không khác một đại công trường xây dựng, đi đâu cũng thấy công nhân làm việc.
"Tôi rất vui khi người dân được hưởng lợi, ý thức thực hiện đường lối phát triển theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước của cư dân Suối Trầu cũng là điểm sáng đáng để tự hào", ông Cư tâm sự.