Những nông dân mê vá đường ở Đồng Tháp
Đó là câu chuyện đầy nhiệt huyết của đội vá đường từ thiện ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp).
Đội vá đường thiện nguyện ở Đồng Tháp tính đến nay có 25 người, trong đó có 5 người từ 40 tuổi trở xuống, số còn lại từ 60 tuổi trở lên. Vậy mà gần 20 năm qua, các chú, các ông vẫn miệt mài làm cho những tuyến đường trở nên bằng phẳng.
100km đường hết cảnh "ổ gà, ổ voi"
Có mặt tại nhà ông Trần Văn Hai (68 tuổi), Đội trưởng Đội vá đường từ thiện ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), PV Báo Giao thông được đón tiếp rất nồng hậu.
Nhấp ngụm trà thơm, ông Hai cho biết, ông xuất thân là một nông dân, nhưng lại có duyên với việc vá đường từ thiện.
Với nỗi trăn trở của người tràn đầy nhiệt huyết cùng mong muốn đường sá trở nên sạch đẹp, phẳng phiu và an toàn, khoảng 20 năm trước, ông Hai tự mình đứng ra vận động những người trong xóm để bắt đầu công việc đầy ý nghĩa này.
"Hồi đó, đường sá khó đi, nhất là đường nông thôn nên khi Nhà nước đầu tư đường mới, đẹp thì rất mừng. Nhưng khi xe cộ lưu thông nhiều thì đường bị bong tróc nên tôi có ý định làm lại cho an toàn, để người dân di chuyển thuận tiện hơn", ông Hai nói.
Cũng theo ông Hai, khi bắt đầu làm nhiều người cũng nghi ngại, sợ không hiệu quả. Thế nhưng, khi những tuyến đường đầy "ổ gà", "ổ voi" được vá lại hoàn chỉnh, người dân đi lại an toàn nên mọi người bắt đầu tin tưởng.
Cứ như vậy, ngày này qua tháng nọ, hết tuyến đường này đến tuyến đường khác đều được đội vá đường "làm mới" sau thời gian sử dụng với tổng chiều dài gần 100km.
Cách đây hơn một tuần, đội vá đường của ông Hai vừa hoàn thành trám những lỗ thủng sau thời gian sử dụng tại tuyến huyện lộ số 2, nối liền xã Vĩnh Thới và xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) dài hơn 1,2km.
Chị Lê Kim Hạnh (47 tuổi, ngụ ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, từ khi tuyến đường được dặm vá hoàn thành đã giúp cho việc đi lại của người dân được an toàn hơn.
"Lúc trước đường bị hư, nhiều "ổ gà" rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là vào lúc trời mưa. Nhưng đội vá đường của chú Hai làm đường bằng phẳng trở lại góp phần làm cho đường sá trở nên sạch đẹp hơn", chị Hạnh nói.
Thường xuyên qua lại tuyến đường này để chở hàng nông sản, anh Phạm Văn Nhanh (35 tuổi) cho biết: "Mừng dữ lắm khi tuyến đường hết cảnh gồ ghề như trước. Cảm ơn đội vá đường của chú Hai đã làm cho tuyến đường trở nên an toàn cho người dân đi lại dễ dàng".
Khỏe hơn nhờ việc làm có ích
Nhờ việc làm thiết thực, hiệu quả và có ích nên thành viên đội vá đường từ thiện của ông Hai ngày càng tăng thành viên.
Ông Phạm Văn Nhơn (82 tuổi), thành viên đội vá đường cho biết, nhờ thường xuyên vận động khi đi vá đường từ thiện nên sức khỏe vẫn còn tốt.
Làm riết thành quen, nên khi có tuyến đường nào bị hư hỏng, ông sẽ cùng đội đến tu sửa.
"Vui nhất là khi vất vả mấy ngày liền cho đến khi đường làm xong nhìn sạch sẽ, bà con đi lại an toàn là mừng lắm", ông Nhơn cho biết thêm.
Ông Dương Đình Vũ (60 tuổi), thành viên đội vá đường nói: "Khi vá lộ, nhiều người đi đường dừng lại hỏi thăm, động viên. Có người còn ủng hộ tiền để mua vật tư vá đường. Số tiền trên tuy không lớn nhưng anh em tôi rất trân trọng và đưa vào quỹ để tiếp tục đi vá đường".
Nhờ sự nhiệt tình thực hiện, đến nay, số tiền mà đội vá đường của ông Hai có được lên đến 2 tỷ đồng. Tất cả đã được dùng vào việc làm cho những tuyến đường bị bong tróc trở nên "lành lặn", sạch đẹp và khang trang.
"Tiếng lành đồn xa, giờ đội vá đường của tôi được nhiều người biết đến nên khi có chỗ đường nào bị hư là được gọi để đi làm. Ngoài làm trên địa bàn tỉnh thì đội cũng có vá nhiều tuyến đường ngoại tỉnh như ở Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ…", ông Hai chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đánh giá: "Hoạt động đội vá đường của ông Trần Văn Hai rất thiết thực, ý nghĩa tại địa phương.
Ngoài ra, với sự chung sức, đồng lòng của người dân trong quá trình thực hiện đã và đang giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội".