Những nông dân thế hệ mới
Khởi nghiệp với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, lựa chọn của nhiều thanh niên trong tỉnh. Từ đó, đã hình thành lớp nông dân thế hệ mới, trẻ tuổi, có ý chí, hoài bão, kiến thức sâu rộng, bám đất, bám đồng, làm giàu ngay tại quê hương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Khởi nghiệp với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, lựa chọn của nhiều thanh niên trong tỉnh. Từ đó, đã hình thành lớp nông dân thế hệ mới, trẻ tuổi, có ý chí, hoài bão, kiến thức sâu rộng, bám đất, bám đồng, làm giàu ngay tại quê hương.
Đam mê làm nông nghiệp sạch nên ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2021, chị Trần Như Ánh (sinh năm 1999) ở xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) đã lựa chọn về quê lập nghiệp trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Thăm quan mô hình trồng dưa chuột theo công nghệ Israel của Ánh đúng dịp giữa mùa thu hoạch dưa đầu tiên, chúng tôi được cô gái trẻ hồ hởi giới thiệu về những thành quả bước đầu mô hình. Việc trồng dưa theo công nghệ Israel không còn là điều mới lạ ở nhiều địa phương trong tỉnh, tuy nhiên, việc “dám” đầu tư đưa mô hình về địa phương - vùng đất trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết khắc nghiệt lại là câu chuyện khác. Trong thời gian làm sinh viên, Ánh đã ấp ủ ý định sau khi tốt nghiệp sẽ trở về với đồng đất quê hương, làm trang trại VAC; tuy nhiên việc trồng cây bằng công nghệ cao chưa hề nghĩ đến. Trong một lần về quê, thấy mọi người chia sẻ về mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Trần Văn Khá ở thị trấn Quỹ Nhất vừa cho năng suất cao lại vừa an toàn, Ánh đã đến tìm hiểu, học hỏi và tự đặt câu hỏi: tại sao ở quê mình đồng đất bỏ hoang nhiều, nông dân ít có công việc kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn mà sao không áp dụng. Và ý tưởng trồng cây theo công nghệ Israel cũng bắt đầu manh nha từ đây. Khi ra trường, Ánh bắt đầu đi tham quan, tìm hiểu thêm các mô hình ứng dụng công nghệ Israel ở trên mạng Internet, kết bạn với những người có cùng đam mê trên mạng xã hội để triển khai ý tưởng. “Lúc đầu bố mẹ, bạn bè khi nghe tôi nói muốn xây dựng mô hình công nghệ Israel thì không ai ủng hộ, bởi lo con gái tự mình lập nghiệp sẽ rất vất vả và đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tiếp đó, nguyên vật liệu cho nhà kính đắt đỏ, phải đặt hàng từ xa”, Ánh cho biết. Nhưng may mắn, sau khi thuyết phục, gia đình đã đồng ý, tìm điều kiện để Ánh thực hiện ước mơ. Tháng 9-2021, Ánh bắt đầu thuê lại những mảnh đất manh mún ở khu 5 và khu 8, thị trấn Quỹ Nhất, rồi đến khoảng tháng 10, 11-2021 mới thuê người xây dựng nhà xưởng, xử lý đất đai, nguồn nước trên diện tích đất 1.000m2. Phải ra ngoài Tết âm lịch, Ánh và gia đình mới có thể xuống giống vụ đầu và cho thu hoạch. Những sản phẩm dưa đáp ứng được phần lớn tiêu chí của sản phẩm sạch như không có dư lượng thuốc trừ sâu, sử dụng phân vi sinh khi trồng, đảm bảo an toàn cho môi trường… Kết quả bước đầu đã khiến bố mẹ tin tưởng và mừng cho những quyết định đúng đắn của bản thân. Đến nay, khi đã vào giữa vụ, mỗi ngày mô hình của Ánh xuất đi hơn 2 tạ dưa tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. “Làm mô hình này, trước hết là để thực hiện giấc mơ của bản thân nhưng bên cạnh đó cũng muốn bà con thấy được cái hay, cái lợi để làm theo. Quan trọng hơn, qua đây, em còn muốn những sản phẩm sạch có thể tiếp cận, phục vụ cho chính những người nông dân chân lấm tay bùn ở khắp các vùng quê”, Trần Như Ánh cho biết thêm. Nhận thấy những thành công bước đầu của mô hình dưa chuột của Ánh, nhiều người dân trong, ngoài vùng đã đến tham quan học hỏi.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2015, anh Lê Tiến Đạt ở xã Hải Cường (Hải Hậu) về quê khởi nghiệp trồng rau sạch. Nhớ lại thời gian khởi nghiệp, anh Đạt gặp rất nhiều khó khăn bởi ý tưởng làm giàu từ trồng rau bị gia đình phản đối kịch liệt do chi phí đầu tư tốn kém, mạo hiểm, trong khi chưa có kỹ thuật, cơ hội thành công thấp. Qua tìm hiểu thực tế, quê hương có nhiều chính sách ưu đãi và có tiềm năng để phát triển mô hình trồng rau sạch tận dụng vùng đất màu mỡ quanh năm tươi tốt, anh đã thuyết phục và được gia đình ủng hộ ý tưởng khởi nghiệp trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2016, anh thuê 500m2 đất của người bác họ ở xóm 7 xã Hải Cường để thực hiện ước mơ đồng thời nhờ bố mẹ, anh em, bạn bè vay mượn 700 triệu đồng để khởi nghiệp, xây dựng nhà kính, mua giàn giá thể trồng rau, hệ thống đường ống dẫn dưỡng chất, tưới phun sương... Trên diện tích canh tác, anh chia làm 2 loại để trồng rau thủy canh như xà lách, cải ngọt, cải canh… và trồng các loại cây ăn quả như dưa lê, dưa leo… với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Với tiêu chí không hóa chất, không thuốc tăng trưởng, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 1-2 tấn dưa lê/vụ. Đối với các loại rau thủy canh, khoảng 35-40 ngày đã có thể thu hoạch một lứa rau cải ngọt, rau muống hay rau xà lách chỉ cần 20-25 ngày. Trong vườn rau của anh Đạt còn có cả những loài rau ăn lá mới như cải xoăn kale nhập hạt giống từ Hà Lan bán được giá khá cao. Sau khi trừ chi phí, Lê Tiến Đạt thu lãi từ 40-50 triệu đồng/vụ. Hiện mô hình nông nghiệp sạch của anh Đạt đang chiếm được sự tin dùng của khách hàng bởi các sản phẩm rau sạch, an toàn, tươi ngon mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giá thành ổn định, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng bán thực phẩm sạch và bán lẻ đến tận người tiêu dùng Hà Nội. Anh Đạt cho biết: “Sản xuất rau theo phương pháp thủy canh cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng rau truyền thống. Ưu điểm của trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây. Đặc biệt, giảm được sức lao động và có thể trồng được rau trái vụ do điều khiển được các yếu tố môi trường. Thời gian tới, nếu có điều kiện tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau thủy canh trong nhà kính để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường, đặc biệt là đưa vào các siêu thị chuyên bán rau sạch”.
Trần Như Ánh và Lê Tiến Đạt là hai trong số rất nhiều thanh niên trong tỉnh đang “ăn nên, làm ra” từ các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại ngay trên mảnh đất quê hương, lan tỏa đến với nhiều bạn trẻ có cùng đam mê nông nghiệp. Hy vọng rằng, được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan chức năng, các địa phương, lớp thanh niên thế hệ mới sẽ ngày càng gắn bó với sản xuất nông nghiệp, trở thành nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202206/nhung-nong-dan-the-he-moi-2551320/