Những nông dân tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi
Ba nông dân nhờ mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm, áp dụng nuôi tôm công nghệ cao đã đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm đã trở thành những điển hình Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 sẽ được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh tối nay, 13/10, có tới hơn 40 nông dân đạt lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm. Trong đó, xuất sắc nhất là ba "nông dân tỷ phú" nhờ nuôi tôm công nghệ cao, đạt doanh thu và lợi nhuận hàng chục tỷ mỗi năm.
Lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Ông Lê Văn Sấm xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) là nông dân có “lợi nhuận khủng” nhất trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Với 40ha nuôi tôm, trong 8 tháng đầu năm 2023, ông Sấm đã thu hoạch được hơn 1.000 tấn tôm, bán được 110 tỷ đồng, lợi nhuận đã đạt 45 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2023, doanh thu từ bán tôm của ông Sấm sẽ đạt hơn 140 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50-60 tỷ đồng.
Tiếp cận mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao do Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam giới thiệu từ năm 2013, ông Lê Văn Sấm đã thử nghiệm sau đó mở rộng các ao nuôi tôm công nghệ cao, đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và các ao lắng, đáy ao lót bạt, thay nước thường xuyên, tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển.
Ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao, ông Sấm tách ao theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là tôm post; giai đoạn 2 là sau 24 ngày, chuyển qua các ao nuôi; giai đoạn 3 là khi tôm đạt size dưới 100 con/kg sẽ tiếp tục chia nhỏ ra các ao thương phẩm…
Theo ông Sấm, ưu điểm của mô hình nuôi 3 giai đoạn này là giúp người nuôi tiết kiệm chi phí công lao động, điện, nước, cũng như các rủi ro trong 2 giai đoạn đầu. Đồng thời, thuận lợi trong xử lý môi trường nước, hạn chế tối đa các rủi ro về mầm bệnh trong ao nuôi. Nếu bà con mạnh dạn chuyển đổi theo mô hình này, đồng thời được Nhà nước đầu tư hạ tầng đường, điện thì sẽ phát triển kinh tế rất nhanh.
Sau khi thành công từ các mô hình thử nghiệm, ông Sấm tiếp tục mở rộng diện tích lên 40ha, năng suất ổn định trung bình 70-90 tấn/ha và đến nay trở thành một trong những nông dân tỷ phú có diện tích nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất tỉnh Bến Tre.
Năm 2023, điều lạ so với mọi năm là tôm size lớn có giá rất thấp, trong khi tôm size vừa có giá hơn. Do đó, ông Sấm đã linh hoạt thay đổi cách nuôi. giữ ao nuôi mật độ dày hơn để vừa tăng sản lượng, vừa giữ size tôm ở mức giá bán hợp lý để người nuôi có lợi nhuận tốt nhất.
Mạnh dạn áp dụng mô hình mới
Tỷ phú nông dân nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre được vinh danh Nông dân xuất sắc năm 2023 còn có ông Trần Văn Hừng ở xã Định Trung, huyện Bình Đại. Năm 2000, ông Hừng bắt dầu xây dựng mô hình nuôi tôm và có hiệu quả. Tuy nhiên, không hài lòng với mô hình tôm xen lúa, ông Hừng chủ động học hỏi nghiên cứu và mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp.
Ông Hừng đào ao hết diện tích lúa hơn 1ha làm 3 ao nuôi tôm công nghiệp, 2 ao nuôi, 1 ao lắng. Khi có lãi ngày càng lớn, ông mua thêm đất tiếp tục đào ao nuôi tôm. Đến năm 2015, ông phát triển diện tích lên 4ha nuôi tôm. Nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp với nguồn cung đầu vào con giống chất lượng, nguồn thức ăn, thuốc, sinh phẩm giá hợp lý, lại thả nuôi đúng thời vụ, nên việc nuôi tôm của ông nhiều năm liền đạt kết quả tốt.
Đến nay, tôm thương phẩm sau mỗi vụ nuôi đạt khoảng 12,5-13 tấn/ha, tổng doanh thu khoảng 7,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chị phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Trong quá trình nuôi tôm, ông Hừng trăn trở rất nhiều về việc bà con nuôi tôm thiếu con giống và vật tư chăn nuôi thiếu thốn. Vì thế, ông Hừng tiếp tục mở đại lý thức ăn để vừa có nguồn thức ăn nuôi ao nhà, vừa giúp đỡ bà con không có vốn mua thức ăn nuôi tôm và cung cấp con giống cho bà con.
Theo ông Hừng, không phải nông dân nào cũng có sẵn nguồn vốn để mua tôm giống và thức ăn, thuốc… nên đầu vụ ông thường cho bà con mua thiếu ghi nợ, để hỗ trợ bà con trong chăn nuôi, cuối vụ họ bán tôm rồi trả lại. Có nhiều năm thất mùa, tôm giá thấp, ông cũng cho bà con nợ thêm để an tâm xuống giống.
Ông Hừng cũng thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của mình, cũng như những tài liệu nghiên cứu được cho hội viên, nông dân trên địa bàn ấp, xã học tập, làm theo.
Bên cạnh việc nuôi tôm, kinh doanh vật tư, ông Hừng còn xây dựng nhà yến để có nguồn thu nhập thêm. Doanh thu từ nuôi tôm, cửa hàng vật tư thức ăn chăn nuôi và nhà yến của ông Hừng đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất, kinh doanh của ông cũng tạo điều kiện cho 8 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập cao và ổn định, góp phần giải quyết việc làm, công lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Ứng dụng công nghệ cao
Nhờ nuôi tôm công nghệ cao, ông Ngô Văn Đệ ở ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thu lợi nhuận thấp nhất từ 1-4 tỷ đồng/vụ nuôi, doanh thu trong 5 năm từ 2017-2022 là 140 tỷ đồng và đã trở thành một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Hiện nay, ông Đệ có đến 17 ao nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 10ha. Mật độ nuôi tôm trong các ao nuôi của ông Đệ là từ 200-300 con/m2, trong khi nếu nuôi theo cách truyền thống trước đây là từ 50 đến dưới 100 con/m2. Do đó, sản lượng thu được từ nuôi công nghệ cao sẽ cao hơn cách nuôi truyền thống gấp 3 lần.
Ông Đệ cho biết một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của mô hình là nguồn nước. Do đó, ông phải xử lý nước qua rất nhiều ao và bổ sung nhiều dinh dưỡng cho nước, làm sao đảm bảo nguồn nước sạch và đảm bảo cung cấp đủ chất cho con tôm phát triển tốt, đạt được size lớn. Bên cạnh đó, nuôi tôm công nghệ cao kiểm soát được lượng thức ăn, môi trường và cả sức khỏe con tôm theo hệ thống hoàn toàn tự động.
"Nuôi tôm công nghệ cao cho sản lượng cao, sản phẩm sạch, bán được giá cao hơn giá thị trường nên giúp tôi thu lợi nhuận thấp nhất từ 1-4 tỷ đồng/vụ nuôi. Hiện nay, tôi còn thử nghiệm việc quản lý, vận hành quá trình nuôi thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Ứng dụng này có thể quản lý tất cả, trong đó có việc sử dụng bao nhiêu lượng thức ăn cho tôm mỗi ngày, tiền nhân công…" ông Đệ chia sẻ.
Ngoài tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Đệ tạo thu nhập cho 40 lao động thường xuyên tham gia nuôi, quản lý tôm với tổng mức thu nhập 710 triệu đồng/tháng. Vào vụ thu hoạch tôm, số lượng lao động lên đến 50 người.
Do mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả nên 2019, ông Đệ được ngành chức năng địa phương vận động làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Long Khánh. Đến nay, hợp tác xã đã có 60 xã viên nuôi tôm công nghệ cao và đều đạt hiệu quả cao, trong đó có 12 xã viên đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài nuôi tôm, ông Đệ còn kinh doanh thức ăn thủy sản, hỗ trợ trả chậm cho hơn 258 hộ nuôi tại địa phương với số tiền hơn 100 tỷ đồng./.
100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 được chia làm 5 nhóm, lĩnh vực: Đạt thành tích sản xuất, kinh doanh có 68 nông dân Việt Nam xuất sắc (chiếm 68%); thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới có 6 nông dân (chiếm 6%); thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh Tổ quốc có 6 nông dân (chiếm 6%); có sáng kiến, phát minh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp có 6 nông dân (chiếm 6%); Giám đốc các Hợp tác xã giỏi có 14 nông dân (chiếm 14%).