Những nữ đảng viên 'nói đi đôi với làm''

Với tuổi đảng 'trẻ', tuổi nghề 'già', những nữ đảng viên công tác ở địa bàn dân cư đã chứng minh rằng chỉ cần có niềm đam mê thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.

Chị Huỳnh Thị Sil - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trà Do, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) là một trong những điển hình về tinh thần vượt khó. Chị Sil chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi nghề nào cũng từng trải qua, buôn bán trên bờ rồi lênh đênh sông nước. Dần dần chúng tôi tích góp xây nhà hơn 500 triệu đồng, có nơi ăn chốn ở ổn định mới an tâm lao động được”. Là đảng viên, chị luôn nhắc nhở mình phải có ý thức tự lực trong cuộc sống, tự giác trong từng phần việc, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Chị tiên phong chỉnh trang nhà cửa, đăng ký và thi đua thực hiện danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Gia đình không mắc các tệ nạn xã hội”… để góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Chị Nguyễn Thị Tươi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) (bên phải) trao đổi về chương trình công tác hội với Hội LHPN xã Thuận Hòa. Ảnh: SONG LÊ

Còn chị Nguyễn Thị Tươi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, bản thân rất tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2018 khi ở tuổi ngoài 50. Hiền lành, nhiệt tình và biết cách làm công tác dân vận nên chị Tươi luôn đưa hoạt động hội đạt thành tích cao. Bên cạnh đó, chị Tươi còn là Chi ủy viên Chi bộ ấp Sa Bâu, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn với 60 hội viên phụ nữ. Thông qua chị, nhiều hội viên có nguyện vọng vay vốn sẽ được tổng hợp gửi về xã xem xét lập thủ tục, đồng thời nhận ủy thác thu hồi lãi và vốn hàng tháng. Chị được xem là đầu mối giúp cả hai bên giải quyết được vấn đề vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả. Chị Tươi chia sẻ: “Khi là đảng viên, tiếng nói mình có giá trị hơn, chị em luôn tôn trọng, lắng nghe và thực hiện tốt. Bản thân tôi cũng luôn luôn chấp hành chủ trương, mọi việc của địa phương đề ra đều làm trước”.

Chị Đặng Thị Sương, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) gặp gỡ, thăm hỏi về hiệu quả mô hình buôn bán của hội viên. Ảnh: SONG LÊ

Với nữ đảng viên Đặng Thị Sương, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, chị đã dành cả thanh xuân để gắn bó cùng phụ nữ nông thôn. Chị Sương kể rằng, những năm 2000, quyền lợi của phụ nữ còn chưa được đề cao như bây giờ, chị em vẫn còn nếp sống quanh quẩn trong “căn bếp”, cam chịu dù có bị bạo lực gia đình. Từ đó, chị quyết tâm tham gia công tác hội với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ. Chị là “gương mặt thân quen” của hành trình đòi quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em, kịp thời động viên, khích lệ những phụ nữ không may, hoặc hướng dẫn sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Hội viên Huỳnh Thanh Thúy cho biết: “Chị Sương làm công tác hội phụ nữ thời còn trẻ, hoàn cảnh gia đình hội viên cũng hiểu rành. Tôi cũng là một trong những người được chị kết nối vay vốn để mua bán, nay ổn định lắm. Đặc biệt, trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chị Sương không ngại mà “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người””.

Tâm tình chuyện nghề, chị Sương kể mình không biết chạy xe gắn máy, có lần vì muốn thuận tiện mà cố tập xe nên xảy ra sự cố tai nạn “chết đi sống lại”, người thân khuyên không làm nữa. Cuối cùng chị quyết định bỏ tập xe chứ không bỏ nghề. “Lúc làm được vài năm, địa phương đã vận động vào Đảng nhưng mình cứ chần chừ”. Càng về sau mình thấy vào Đảng có được ý thức kỷ luật hơn, là đảng viên cũng được bà con xem trọng hơn” - chị Sương bộc bạch.

Là những người có tuổi đảng “trẻ”, tuổi nghề “già”, trưởng thành trong thời gian dài từ cơ sở nên ý thức, trách nhiệm luôn được các chị thực hiện tốt. Với những thành tích đạt được, các chị nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp hội, có chị còn nhận được kỷ niệm chương “Vì sự phát triển phụ nữ Việt Nam” của Trung ương Hội.

Trong bất kỳ giai đoạn hay vị trí công tác nào thì “nói đi đôi với làm” là đức tính quan trọng mà mỗi người đảng viên cần nghiêm túc thực hiện. Những nữ đảng viên dù công tác ở địa bàn dân cư với sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng, về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, về ý thức trách nhiệm trong công việc đã góp phần xây dựng được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nhung-nu-dang-vien-noi-di-doi-voi-lam-56970.html