Những nữ kiểm lâm giữ rừng

Lâu nay, nhắc đến lực lượng kiểm lâm, nhiều người thường nghĩ ngay đến cánh 'mày râu', bởi nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ, trồng và chăm sóc cây rừng của cán bộ kiểm lâm luôn đối diện với gian lao, cực khổ, kể cả hiểm nguy. Tuy nhiên, trong lực lượng kiểm lâm Điện Biên, có nhiều 'bóng hồng' đang thường trực tại địa bàn, không quản khó khăn, vất vả, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.

Nữ kiểm lâm Lường Thị Dân phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra thực địa.

Nữ kiểm lâm Lường Thị Dân phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra thực địa.

Nhanh nhẹn, quyết đoán nhưng cũng rất tình cảm, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Lường Thị Dân, nữ kiểm lâm phụ trách địa bàn thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông. Mở đầu câu chuyện với tôi, chị Dân tâm sự: Đầu năm 2021, ngay sau khi về nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện, tôi được phân công phụ trách địa bàn thị trấn Điện Biên Đông. Cõ lẽ đó cũng là cái duyên, bởi tôi là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục, tập quán, nói được tiếng địa phương, nên được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao về địa bàn công tác.

Dù được giao phụ trách ở địa bàn trung tâm của huyện, có nhiều thuận lợi hơn so với ở các xã nhưng công việc của chị Dân cũng không kém phần vất vả. Thị trấn Điện Biên Đông có hơn 1.400ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Thân là nữ, khi mới nhận nhiệm vụ còn đôi chút bỡ ngỡ, lo lắng, lại một mình quản lý địa bàn rộng, có nhiều tuyến giao thông liên kết, nên đặt ra cho nữ kiểm lâm Lường Thị Dân nhiều thách thức. Những ngày đầu “nhậm chức”, xác định để làm tốt nhiệm vụ được giao, chị Dân nhanh chóng làm quen với chính quyền, người dân khu vực địa bàn được giao, nắm bắt thông tin, đánh giá lại tình hình địa bàn, những bất lợi trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, từ đó xây dựng phương án tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát. Với xuất phát điểm sinh ra lớn lên ở núi rừng, cùng với tình yêu và trách nhiệm với công việc, đã giúp chị có thêm động lực để băng rừng, vượt suối, tuần tra, bảo vệ rừng.

Là 1 trong 8 nữ cán bộ kiểm lâm ở huyện Điện Biên, chị Thẳm Thị Oanh hiện đang được giao quản lý rừng tại 3 xã: Thanh Xương, Thanh An và Noong Hẹt. Qua câu chuyện với chị Oanh về chuyện nghề, về những khó khăn, vất vả trong quá trình làm việc chúng tôi được biết, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của 3 xã chị Oanh được giao quản lý là trên 1.200ha nằm rải rác ở 60 đội, bản. Mỗi lần để chuẩn bị cho một chuyến tuần rừng, chị phải dậy từ rất sớm, sửa soạn quần áo, đồ dùng cá nhân, trong ba lô dự trữ ít lương thực, nước uống để phục vụ cho hành trình.

Chị Thẳm Thị Oanh cùng người dân xã Thanh An đi tuần tra rừng.

Chị Thẳm Thị Oanh cùng người dân xã Thanh An đi tuần tra rừng.

Năm nay là năm thứ 16 chị Thẳm Thị Oanh gắn bó với ngành Kiểm lâm và cũng gần như từng đấy năm chị được giao phụ trách địa bàn. Trước khi về phụ trách 3 xã trên thì những cánh rừng ở các xã Thanh Nưa, Thanh Luông và Thanh Hưng cũng đã mòn dấu chân của chị. Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến tuần rừng của mình, chị Oanh chia sẻ: Có lúc đang tuần tra trong rừng, trời đổ giông, cây cối có thể gãy đổ bất ngờ, có khi mưa to bị mắc kẹt trong rừng là chuyện bình thường. Rồi có cả những hiểm nguy, vì kiên quyết giữ rừng mà không ít lần tôi bị các đối tượng vi phạm lâm luật lăng mạ, chửi bới, đe dọa. Sau những sự việc đó, giúp tôi có thêm bản lĩnh và kinh nghiệm công tác.

Không riêng chị Oanh, tìm hiểu được biết, tại Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên hiện có 8 nữ cán bộ, công chức, trong đó 6 người là kiểm lâm địa bàn. Mỗi nữ kiểm lâm viên ở huyện Điện Biên đa phần đều được giao phụ trách từ 2 đến 3 xã và thậm chí là còn kiêm nhiệm thêm cả nhiệm vụ khác trong đơn vị. Thế nhưng, vì yêu rừng, yêu nghề nên suốt những năm qua, sương trắng, nắng hanh, gió núi của đại ngàn vời vợi không những không làm chùn bước của những nữ kiểm lâm địa bàn, mà còn khiến các chị năng động hơn.

Theo thông tin của Chi cục Kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm tỉnh hiện có tổng số 215 biên chế, trong đó 47 biên chế là nữ, chiếm 21,8%. Trong số 47 cán bộ, công chức kiểm lâm là nữ có đến 18 công chức là kiểm lâm phụ trách địa bàn. Do đặc thù của tỉnh Điện Biên là địa bàn rộng, nhiều đồi núi, trong khi đó lực lượng kiểm lâm mỏng nên kiểm lâm địa bàn rất vất vả. Đối với nữ kiểm lâm viên thì thách thức lại càng lớn hơn do thể lực có hạn, nhất là khi phải leo núi, vượt suối tuần rừng dài ngày. Hơn thế nữa, ngoài việc nước, những nữ kiểm lâm địa bàn còn phải vừa thực hiện tốt thiên chức trong gia đình, áp lực cũng vì thế mà nhân lên.

Nữ kiểm lâm địa bàn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ.

Nữ kiểm lâm địa bàn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ.

Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các nữ kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công chức kiểm lâm là nữ, nhất là trong bố trí sắp xếp các vị trí công việc làm phù hợp. Trong đó, ưu tiên phân công nhiệm vụ ở địa bàn gần trung tâm, thuận tiện đi lại để tạo thuận lợi cho chị em.

Đánh giá về đội ngũ nữ kiểm lâm địa bàn, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Mỗi kiểm lâm viên khi được phân công phụ trách địa bàn, bất kể là nam hay nữ đều phải đảm đương khối lượng công việc như nhau. Do đó, khi phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn là nữ, chúng tôi cũng rất trăn trở. Tuy nhiên, tâm huyết với công việc, có chuyên môn vững, đặc biệt là sự khéo léo, mềm mỏng nhưng không kém phần kiên quyết của nhiều nữ kiểm lâm viên đã mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đặc biệt có một số đồng chí nữ còn tham gia giữ các vị trí lãnh đạo sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ đối với công chức. Chính những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các nữ kiểm lâm địa bàn đã và đang góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ màu xanh của rừng.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quan-ly-bao-ve-rung/217782/nhung-nu-kiem-lam-giu-rung